Là thông tin được lãnh đạo Bộ Công an cho biết tại buổi họp báo thông báo tình hình kết quả, công tác công an năm 2014, sáng 26/12.
Theo tin tức trên báo An ninh Thủ đô, sáng ngày 26/12, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Phó Bí thư Đảng ủy Công an trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tóm tắt tình hình, kết quả công tác Công an năm 2014; nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.
Cùng dự buổi họp báo có Trung tướng Nguyễn Danh Cộng – Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Hữu Ước – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL – Bộ Công an, đại diện lãnh đạo một số Tổng cục Bộ Công an, Cục Báo chí – Bộ Thông tin truyền thông, các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trong và ngoài lực lượng CAND.
Theo sự phân công, Trung tướng Nguyễn Danh Cộng thông báo tóm tắt tình hình, kết quả công tác Công an năm 2014; nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2015. Đồng thời đánh giá công tác phối hợp với các cơ quan báo chí năm 2014 và phương hướng công tác phối hợp tuyên truyền báo chí năm 2015.
Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu trao đổi, giải đáp nhiều vấn đề cơ quan báo chí nêu – Ảnh: Báo An ninh Thủ đô
Theo tin tức trên báo Dân Việt, vấn đề được báo chí quan tâm đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Công an là giải pháp để hạn chế oan sai trong bắt giữ, điều tra? Trung tướng Trần Trọng Lượng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an – cho biết: Bộ Công an không nương nhẹ với cán bộ, chiến sĩ khi để xảy ra những vụ việc oan sai.
Trung tướng Lượng đã dẫn chứng 3 vụ án được dư luận quan tâm là vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang); vụ 5 công an dùng nhục hình ở Phú Yên và vụ bắt oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng. Những vụ này đã được Bộ Công an chỉ đạo xử lý nghiêm các cán bộ để xảy ra oan sai.
Về vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, theo Trung tướng Lượng, Bộ Công an đã tiến hành điều tra lại vụ án để xử lý đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó đã kỷ luật Giám đốc và Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho nghỉ sớm (đó là đại tá Phạm Văn Minh và đại tá Nguyễn Văn Dư – PV).
Ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang) là người bị kết án và ngồi tù oan 10 năm, vì cơ quan tố tụng Bắc Giang cho rằng ông là hung thủ gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan (cùng thôn). Trong khi đó, hung thủ thực sự là Lý Nguyễn Chung. Vụ án của Lý Nguyễn Chung đang được xử lý.
Vụ bắt giam oan 7 thanh niên ở Sóc Trăng, theo Trung tướng Lượng, cơ quan điều tra đã khởi tố, xử lý 25 cán bộ công an có liên quan. Còn vụ công an dùng nhục hình dẫn đến chết người ở TP.Tuy Hòa (Phú Yên), ngoài 5 cựu công an đã hầu tòa, cựu Phó trưởng Công an TP.Tuy Hòa cũng bị đề nghị truy tố trước pháp luật.
6 cựu công an ở TP.Tuy Hòa đã có hành vi “Dùng nhục hình” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra vào tháng 5/2012. Bị hại là Ngô Thanh Kiều (SN 1982, trú ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) – nghi can trong một vụ án trộm cắp tài sản. Kiều đã bị các cựu công an TP.Tuy Hòa bắt và dùng nhục hình dẫn đến tử vong.
Bổ sung thêm ý kiến, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu – Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an – nhấn mạnh: “Với những vụ để xảy ra oan sai, Bộ Công an đều xử lý rất nghiêm, không có nương nhẹ. Thủ trưởng trực tiếp của những cán bộ làm sai cũng phải chịu trách nhiệm”.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng thông tin về những giải pháp của ngành để chống việc xảy việc bắt oan sai như sắp xếp lại cơ quan điều tra theo hướng chuyên trách. Thanh tra pháp luật của Bộ Công an sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý phát hiện như vụ có dấu hiệu sai phạm…
Xét xử sát thủ Lý Nguyễn Chung trong vụ án oan 10 năm
Phát hiện 439 vụ tham nhũng trong năm 2014
Thông tin trên được Bộ Công an đưa ra tại cuộc họp báo, thông báo tình hình kết quả công tác năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Trong năm 2014, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm. Trong đó mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo từng tuyến, địa bàn, loại tội phạm nổi lên, nhất là đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm; tăng cường phòng ngừa, triệt phá các băng, nhóm hoạt động đâm thuê, chém mướn, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, cờ bạc, cá độ bóng đá… tập trung ở 18 địa bàn trọng điểm.
Cụ thể, trong năm qua, công an toàn quốc đã điều tra, khám phá 45.490 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý gần 87.000 đối tượng; triệt phá 2.725 băng, nhóm tội phạm; bắt và vận động đầu thú, thanh loại 7.759 đối tượng truy nã, trong đó có 2.111 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Bên cạnh đó, lực lượng công an đã phát hiện 13.884 vụ tội phạm về kinh tế, tăng 14,38% so với năm 2013, trong đó đã đấu tranh, khám phá nhiều vụ buôn lậu lớn; phát hiện 439 vụ phạm tội tham nhũng, đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử nhiều đại án được dư luận quan tâm, đồng tình; đối với tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, nhất là trên internet đã bắt, xử lý hơn 7.900 vụ với trên 35.000 đối tượng.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma tuý trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khám phá gần 20.000 vụ, bắt gần 30.000 đối tượng, thu trên 729kg heroin và 342 kg cùng 556.000 viên ma tuý tổng hợp. Đặc biệt trên tuyến biên giới Việt – Lào đã phát hiện, đấu tranh với một số nhóm người Mông quốc tịch nước ngoài có vũ trang vận chuyển trái phép ma tuý với số lượng lớn vào nội địa, bắt 5 đối tượng, tiêu diệt 3 đối tượng.
Nhận định sự tiềm ẩn phức tạp của hoạt động tội phạm ma tuý, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, sử dụng vũ khí nóng… Bộ Công an đã đề ra 6 nhiệm vụ công tác trọng tâm để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong năm 2015.
|
Kim Thành (Tổng hợp)
Người Đưa Tin
undefined