Sau những lùm xùm xảy ra liên quan đến chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát, hành xử của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng… ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vinastas cho rằng, người tiêu dùng có thể dùng đến quyền “tẩy chay sản phẩm”.
Từ trái qua: Ông Nguyễn Văn Việt, ông Nguyễn Mạnh Hùng, bà Phạm Quế Anh. |
Tân Hiệp Phát thiếu trách nhiệm
(Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Vinastas)
Sự việc của Tân Hiệp Phát với những gì doanh nghiệp đã làm thời gian qua là cách chơi không đẹp, thậm chí là “gài bẫy” người tiêu dùng để đạt mục tiêu bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, song lại phản tác dụng.
Cách đây vài năm cũng xảy ra vụ việc người tiêu dùng khiếu nại sản phẩm của Tân Hiệp Phát, sau khi đạt được thỏa thuận bồi thường 50 triệu đồng với khách hàng, Tân Hiệp Phát cũng báo cơ quan chức năng vào cuộc và kiện người tiêu dùng ra tòa.
Rất may khi ra tòa người tiêu dùng đưa ra bằng chứng có sự thỏa thuận giữa 2 bên là thỏa thuận dân sự, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng chấp nhận, là cơ sở để giải quyết chứ không có cớ gì lại nhờ pháp luật can thiệp.
Không phải tự nhiên người tiêu dùng chấp nhận nhận 50 triệu đồng hay 500 triệu đồng từ doanh nghiệp để im lặng mà đằng sau đó còn là thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.
Những trường hợp ảnh hưởng tới quyền lợi Nhà nước, số đông thì không thể dùng phương pháp thương lượng mà phải giải quyết dân sự để có thông tin cho cộng đồng.
Chúng tôi đã thụ lý nhiều vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng liên quan tới chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát song doanh nghiệp này có thái độ không thiện chí, thiếu trách nhiệm trong việc kết hợp với Hội để giải quyết khiếu nại.
Đây là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nước uống giải khát hàng đầu Việt Nam nếu sản phẩm họ cung cấp ra thị trường kém chất lượng thì sẽ kéo theo lượng lớn người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bị ảnh hưởng.
Cho nên, với những trường hợp vi phạm thì cần được phát hiện, ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, không chỉ riêng những phản ánh như vừa qua trên báo chí.
Người tiêu dùng hoàn toàn có thể dùng tới “quyền tẩy chay sản phẩm” của mình, vì đây cũng là 1 trong 8 quyền của người tiêu dùng được quy định trong luật.
Ở các nước đây là phương thức “lấy độc trị độc”. Doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật, nộp thuế đầy đủ, không kinh doanh hàng cấm thì không có gì phải ngại pháp luật.
Một khi người tiêu dùng tẩy chay thì doanh nghiệp sản xuất không bán được sản phẩm sẽ đứng trước ngưỡng cửa phá sản nên ở nước ngoài họ rất sợ, rất nể người tiêu dùng.
Fanpage tẩy chay Tân Hiệp Phát trên mạng xã hội Đứng ở cá thể người tiêu dùng ở thế yếu nhưng nếu là số đông, người tiêu dùng lại có sức mạnh lớn. Tiếc là chúng ta chưa biết phát huy sức mạnh này. |
“Doanh nghiệp cần đối xử văn minh hơn”
(Bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS)
Nội dung của Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2015 cho phép trước khi đưa ra khiếu kiện hay khiếu nại người tiêu dùng được quyền thương lượng trực tiếp với doanh nghiệp. Do đó người tiêu dùng có thể đòi lên tận trời, doanh nghiệp có thể hạ xuống tận đất.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng lại đưa ra câu khác “không được quyền thương lượng khi có những vấn đề liên quan đến lợi ích công cộng”.
Như vậy, với trường hợp liên quan đến Tân Hiệp Phát nếu thiệt hại mà người tiêu dùng nhận thấy chỉ mình họ khi mua chai nước uống, bị ngộ độc có thể thương lượng với Tân Hiệp Phát nhưng khi thấy doanh nghiệp có thể đang vi phạm lợi ích của hàng ngàn người tiêu dùng khác thì không thể dừng lại ở việc thương lượng.
Trong vụ việc Tân Hiệp Phát vừa rồi, tôi cho rằng người tiêu dùng đã chưa nhìn được xa, khi gặp chai nước có dị vật bên trong đã nghĩ đến chuyện thương lượng với doanh nghiệp để có lợi ích kinh tế cho mình, chưa nghĩ đến lợi ích của hàng ngàn người tiêu dùng Việt Nam đang bị xâm hại.
Ngược lại, cách hành xử của doanh nghiệp cũng chưa đúng và cần phải có đối xử văn minh hơn.
Do đó, khi quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại việc đầu tiên là thương lượng. Không được sẽ nhờ Hội Bảo vệ người tiêu dùng hòa giải sau đó đưa ra tòa án.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước, Bộ Công thương, Hội người tiêu dùng cần phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng phải là người tiêu dùng thông thái.
Không ngoại trừ cạnh tranh thiếu lành mạnh
(Ông Nguyễn Văn Việt Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát)
Thị trường cạnh tranh khốc liệt không ngoại trừ trường hợp cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tuy nhiên khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp cần bình tĩnh giải quyết.
Doanh nghiệp phải xem lại quy trình sản xuất, giải thích, giải trình, thông tin cởi mở, rõ ràng cho giới truyền thông hiểu và cộng đồng, người tiêu dùng ủng hộ.
Mặc dù tôi không dám kết luận những sự việc vừa qua xảy ra tại Tân Hiệp Phát có nguyên nhân ở sự cạnh tranh không lành mạnh nhưng cũng cần đặt câu hỏi tại sao lại liên tục xảy ra như vậy.
Theo tôi với những hệ thống, dây chuyền sản xuất được trang bị hiện đại và chính lãnh đạo Tân Hiệp Phát cũng đã cam kết nếu ai bỏ được dị vật vào sản phẩm của Tân Hiệp Phát trong nhà máy sẽ được thưởng khoản tiền lớn chúng ta nên tiếp tục quan sát trực và vững tin vào doanh nghiệp.
(Theo Bizlive)