VNTB – Vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vì sao không giải quyết qua tố tụng tòa án?

VNTB – Vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm: Vì sao không giải quyết qua tố tụng tòa án?

Trúc Giang

(VNTB) – Trong vụ việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhóm bà Lê Thị The và 19 công dân đại diện cho 71 hộ, cho rằng Thanh tra Chính phủ không làm rõ khiếu nại 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch.

Ai sẽ phân xử đúng – sai?

Nhóm của ông Nguyễn Hồng Quang và 27 công dân đại diện cho 1.059 người dân, yêu cầu làm rõ các thiệt hại của người dân Thủ Thiêm trong đền bù và giải tỏa; xem xét lại mức giá bồi thường và bố trí tái định cư cho người dân.

Không chỉ nhóm bà Lê Thị The, ông Nguyễn Hồng Quang, mà hai nhóm khác là nhóm ông Nguyễn Văn Thạch đại diện cho 41 công dân thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2, và nhóm ông Đoàn Văn Phương cùng 23 công dân đại diện cho 82 người, đều chung khẳng định 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, và có tính thống nhất của hệ thống văn bản và bản đồ quy hoạch; yêu cầu trả lại 160ha tái định cư cho người dân theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về các tổ chức, cá nhân qua các thời kỳ liên quan việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các phần việc liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Đó là nội dung được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cùng tổ đại biểu quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1, đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3, 4 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 3 hôm 15-10-2019.

Tuy nhiên tin tức trên báo chí cho thấy ở phiên họp ngày 18-11, tại Hà Nội của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã không có nội dung nào liên quan tới vấn đề của khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng lâm vào thế việt vị ở vụ Thủ Thiêm, khi ông đã phải khất liên tục với dân chúng về thời hạn giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Vì sao không chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan tòa án?

Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Điều 2.1 ghi: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác”.

Điều 2.7 của luật này, ghi: “Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án”.

Như vậy, rõ ràng thay vì trút gánh nặng lên vai của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần thiết chuyển những vụ việc như khu đô thị mới Thủ Thiêm sang cho tòa án giải quyết.

Những thiếu sót, khiếm khuyết của hệ thống chính sách luật pháp về đất đai, cũng sẽ được cơ quan thực hiện quyền tư pháp này đưa ra các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; đặc biệt sẽ giúp rất nhiều trong tham mưu cho ông Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

Đã có ‘án lệ’

Hiện tại hầu hết ở các văn phòng luật sư tại Sài Gòn đều có tập bản án mang tên: “20 bản án tòa án tuyên hủy Quyết định hành chính của UBND các cấp về đất đai”.

Trong tập bản án này, có thể xem xét một số vụ án có tình tiết tương tự như các vụ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm: “UBND thu hồi đất vì lý do vi phạm mục đích sử dụng đất. Thu hồi sai thẩm quyền, sai căn cứ nên bị hủy” – Bản án số: 347/2019/HC-PT, ngày 11-6-2019, Tòa án nhân cấp cao tại TP.HCM. “Thu hồi đất không đúng trình tự thủ tục. Chưa xác định đất bị thu hồi có thuộc dự án hay không” – Bản án số: 01/2019/HC-ST, ngày 17-01-2019. Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai.

Chủ tịch UBND chưa ra Quyết định cưỡng chế nhưng lại thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhà” – Bản án số: 66/2019/HC-PT, ngày 21-5-2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. “Giao đất khi đất đang được quản lý sử dụng bởi cá nhân khác mà chưa có quyết định thu hồi đất đúng quy định pháp luật” – Bản án số: 67/2019/HC – PT, ngày 26-02-2019, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM.

Hô biến” 160 ha tái định cư theo Quyết định 367/TTg ngày 4-6-1996 mà Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, là một trong những căn nguyên tạo nên thảm kịch mòn mỏi suốt 20 năm trên bán đảo Thủ Thiêm. Lộ trình phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm có vết hằn của những cái bóng quyền lực, ở các cơ quan lãnh đạo của TP.HCM trong nhiều nhiệm kỳ.

Phải chăng, Thủ Thiêm, vẫn vắng một “Bao Công” để thành án?

 

CATEGORIES
TAGS
Share This