JB Nguyễn Hữu Vinh
26-3-2017
Người dân GX Song Ngọc đi kiện Formosa. Ảnh: FB
Trâu lấm vẩy càn
Một loạt bài viết trên tờ Nghệ An gần đây, đầy đủ những yếu tố bi, hài… để chỉ chứng minh một điều: Sự khốn cùng của nhà cầm quyền Nghệ An trước đòi hỏi chính đáng của người dân mình, đòi buộc họ phải có thái độ đúng đắn là bảo vệ quyền lợi và quyền sống của người dân.
Những đòi hỏi hết sức chính đáng, kiên trì và bền bỉ của người dân đã đẩy một “chính quyền của dân, do dân, vì dân” – mà họ thường xuyên rêu rao – đã rơi mất chiếc mặt nạ, lộ ra bộ mặt thảm hại phản dân, hại nước.
Và thế là, khi bí thế, họ đã dùng đến thế cờ: Trâu lấm vẩy quanh.
Chúng tôi đã có những bài viết phân tích đầy đủ vì sao nhà cầm quyền Nghệ An đứng ngồi không yên, khi người dân đang điêu đứng bởi thảm họa Formosa xảy ra ở Miền Trung Việt Nam.
Họ không yên chẳng phải vì số dân Nghệ An cũng ảnh hưởng không khác mấy những người dân Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là mấy về mức độ thiệt hại do thảm họa môi trường. Bởi chẳng ai buộc những độc tố dưới nước biển không được “vượt biên” từ vùng biển Hà Tĩn sang vùng nước Nghệ An. Đơn giản là nước Biển không tuân theo “nghị quyết của đảng”.
Tuy nhiên, dù dân xứ Nghệ có ảnh hưởng, nhưng giả sử có chết sạch chừng đó người đi nữa, thì đâu có ảnh hưởng gì mấy đến hệ thống cầm quyền mà đáng lo?
Nhà cầm quyền Nghệ An đã không thể yên, bởi người dân đã không thể sống khi bị đẩy vào bước đường cùng. Mà khốn thay, người dân lại chính là người nuôi nấng họ bằng những đồng thuế máu xương của mình. Và điều khó chịu nhất, là tính cách người dân Xứ Nghệ xưa nay vẫn thế: Khi đã xác định mình làm đúng thì đi tới cùng câu chuyện.
Vấn đề ở chỗ nghịch lý: Dân nuôi bộ máy này, nhưng để có quyền lực mà bóp nặn lại người dân, thì cây gậy quyền lực họ lấy từ tay đảng. Và do đó, họ coi Đảng là tất cả, hơn cả ông bà, cha mẹ… nói chi đến dân.
Điều đáng nói: Cái khó của nhà cầm quyền Nghệ An là biết rõ người dân mình đau, đói và tuyệt vọng bởi Formosa. Mà người dân đó bao gồm cả bố mẹ, ông bà, con cháu, họ hàng làng xóm từng thằng cán bộ.
Nếu như chính phủ không nhận 500 triệu đola tiền đền bù của Formosa cách nhanh nhảu nhằm lấp liếm tội ác cho chúng, mà để dân đưa chúng ra tòa hẳn hoi chứng minh thiệt hại, rồi bắt đền bù thỏa đáng theo đúng luật lệ… thì chắc chắn, trong số đám quan chức Cộng sản Nghệ An, hẳn sẽ có rất nhiều người sẵn sàng đứng về phía họ hàng, dân làng và thậm chí là cùng xuống đường đi biểu tình khiếu kiện Formosa. Thế nhưng, đảng và chính phủ đã đặt chính họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.