Việt Nam Thời Báo

Vụ thất lạc nguồn phóng xạ ở Vũng Tàu: Ráo riết tìm trong bãi rác

Sáng 7.4, ông Mai Thanh Quang – GĐ Sở KHCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – cho biết: Sở KHCN nhận được tin báo của anh Trần Văn Toàn (nhân viên xử lý rác thải của Cty Kbec Vina) từ đường dây nóng. Anh Toàn cho hay, khoảng thời điểm từ tháng 5 – tháng 7.2014, tại bãi rác của Cty, anh Toàn phát hiện một vật thể giống với vật thể hiện nay đang đăng thông tin tìm kiếm. Theo miêu tả của anh Toàn thì vật thể mà anh nhìn thấy có hình trụ, trên đầu có gắn chốt màu vàng, thân màu trắng bạc, có biểu tượng màu vàng trên thân. Vụ việc được anh báo cho CA xã Tóc Tiên, H.Tân Thành. Sau đó, CA xã Tóc Tiên có cử lực lượng tới nhưng không thấy xử lý nên nhiều ngày sau anh đã quẳng xuống đống rác.


Truy tìm trong bãi rác theo tin báo của người dân

Trong ngày 7.4, ba tổ công tác tìm kiếm đã được huy động để nhanh chóng tìm ra nguồn phóng xạ. Ngoài tìm kiếm tại Vũng Tàu, các cơ quan cũng mở rộng tìm kiếm đến các vựa ve chai tại địa bàn như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Thiết bị dò tìm phóng xạ hạt nhân hiện đại cũng được bổ sung để tìm kiếm. Chiều 7.4, các ngành chức năng liên quan đã đến nhà máy xử lý rác thải Kbec Vina (xã Tóc Tiên, H.Tân Thành) để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc theo tin báo của người dân. Theo người nhặt rác tại đây, nếu rác từ thời điểm tháng 5 – tháng 7.2014 đổ tại đây thì đã bị vùi sâu khoảng 10 – 20m. Như vậy muốn kiểm tra thiết bị anh Toàn thông báo thì phải đào sâu xuống khu vực lấp rác khoảng 10 – 20m. Ông Dương Trọng Phương – Phó CA xã Tóc Tiên – cho biết: Khoảng tháng 6.2014, CA xã có nhận được tin báo từ nhà máy rác Kbec Vina phát hiện một vật thể lạ. Tôi xuống hiện trường và thấy, kích thước vật thể dài 60cm, đường kính 10cm, trọng lượng khoảng 7 – 8kg màu trắng bạc, trên đầu bị lõm vào, thân hình trụ, không có ký hiệu màu vàng hay bất cứ ký hiệu nào nguy hiểm. Nghi là bom mìn nên đã báo cho Huyện đội, tuy nhiên không thấy ai đến xử lý. Sau đó thì vật thể nêu trên do người báo tin tự xử lý.

Cty đã tự ý tháo thiết bị mà không xin phép?

Ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – cho biết: Từ sau khi vụ việc mất nguồn phóng xạ tại TPHCM thì Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có kiến nghị, trong đó yêu cầu các nguồn phóng xạ di động có hoạt động lớn sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp và khi vận chuyển phải có hệ thống giám sát an ninh. Trong bất kỳ tình huống nào cơ quan quản lý đều biết được nguồn phóng xạ trên đang ở vị trí nào. Ông Tấn cũng cho biết: Đối với một quy trình trước khi nhập nguồn phóng xạ đưa vào sử dụng phải có giấy phép, nếu không sử dụng cũng phải có giấy phép để đưa vào kho lưu giữ. Trong trường hợp tháo ra để sửa chữa, phải thông báo cho bên quản lý biết, và xem xét xem họ có chứng chỉ tháo lắp hay không. Nếu hết hạn sử dụng và muốn thay thế nguồn khác, thậm chí muốn vứt bỏ cũng phải có giấy phép.

Như vậy, Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Cty CP thép Pomina, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã không xác định có nhập hay không nhập vào kho, dẫn đến hậu quả mất thiết bị lúc nào không hay biết. Theo báo cáo của Nhà máy luyện phôi thép – Chi nhánh Cty CP thép Pomina, thì trong nhà máy có 5 nguồn phóng xạ trên dây chuyền sản xuất. Tháng 1.2015, có một nguồn phóng xạ gặp sự cố, phải tháo dỡ cất đi chờ thay thế thiết bị mới. Pomina 3 không biết sau khi tháo nguồn phóng xạ Co-60 ra có cất vào kho hay mất lúc nào thì không rõ. Bởi qua kiểm tra thì không có biên bản tháo dỡ hay chứng từ xuất, nhập kho lưu trữ nguồn phóng xạ này. Cho đến ngày 25.3, khi bàn giao công việc, tài sản do thay đổi nhân sự phụ trách an toàn bức xạ thì mới phát hiện cục Co-60 biến mất. Lập tức sự việc được báo lên lãnh đạo công ty, song đến ngày 1.4, Cty CP thép Pomina mới trình báo cơ quan chức năng.

(Theo Lao Động)

Tin bài liên quan:

Manila khen Hà Nội trong vụ kiện Biển Đông

Phan Thanh Hung

VNTB – Báo chí Việt Nam “lên tiếng” về thông tin tướng Thanh mất của hãng tin DPA

Phan Thanh Hung

Góp ý kiến vào quá trình tiến đến Đại hội lần thứ XII của Đảng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.