Việt Nam Thời Báo

Xây dựng chính sách – bằng chứng hay cảm tính? *

Những ngày đầu năm, trong lúc tranh luận xung quanh thông tin sắp tới xe máy khi lưu thông phải bật đèn định vị vào ban ngày chưa lắng xuống, thì một quy định khác, cũng liên quan đến an toàn giao thông, là bắt buộc trong ô tô phải có bình cứu hỏa, lại khiến người dân lao xao.


Chưa nói đến công tác truyền thông về chính sách mới quá kém, khiến người dân phải nháo nhào đi mua bình cứu hỏa vào giờ chót, bản thân tính hiệu quả của chính sách này trong việc giảm thiệt hại cháy nổ cũng không thuyết phục được công luận.
Những chính sách kiểu này mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” đáng báo động về công tác xây dựng chính sách của các cơ quan nhà nước hiện nay.
Xây dựng chính sách – bằng chứng hay cảm tính?
Có quá nhiều quy định chính sách mà khi được công bố, đến người dân bình thường nhất cũng “không thể hiểu nổi” chúng được ban hành dựa trên căn cứ nào. Ví dụ, ngành giao thông vận tải có “tiền sử” khiến dư luận sửng sốt với những đề xuất như ngực lép thì không được lái xe; phạt người lái xe đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Ngành y tế một dạo định phạt người nào ăn bẩn nhân danh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đó mới chỉ là những đề xuất, khi được thông tin trên phương tiện truyền thông đã bị công luận chỉ trích, phải dừng việc triển khai. Còn quá nhiều quy định khác vừa ban hành ra đã phải thu hồi, ban hành nhưng không thực hiện được, thực hiện nhưng không mang lại hiệu quả mà chỉ những người trong cuộc, trong lĩnh vực hiểu hết.

Một hệ quả lớn của việc ban hành ra các “chính sách tào lao” mà dường như các cơ quan nhà nước đang cố tình coi nhẹ – đó là sự xói mòn niềm tin của người dân vào chính sách và cơ quan công quyền.

Những chính sách kiểu quy định xe máy khi lưu thông phải bật đèn định vị vào ban ngày, bắt buộc ô tô phải có bình cứu hỏa mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” đáng báo động về công tác xây dựng chính sách của các cơ quan nhà nước hiện nay. Ảnh: THÀNH HOA
Trong rất nhiều trường hợp, đơn cử như hai quy định và ý định mang tính thời sự dẫn ở phía trên, hai “căn cứ” thường được viện dẫn. Một là kinh nghiệm nước ngoài – các nước tiên tiến người ta làm rồi, mình cần phải “học hỏi”. Và hai là từ “tổng kết kinh nghiệm” trong nước, từ những thống kê không mấy tin cậy, những lập luận thiếu thuyết phục từ các vụ việc đơn lẻ trong nước. Hiếm có trường hợp nào chính sách được đưa ra dựa trên các nghiên cứu và bằng chứng khoa học; có các đánh giá đầy đủ về tác động chính sách đến các nhóm đối tượng, thực hiện nghiêm túc các phân tích chi phí/lợi ích của các lựa chọn chính sách; và cân nhắc kỹ càng tính khả thi trên thực tiễn. Có thể nói, trong công tác xây dựng chính sách hiện nay, không chỉ quy trình ban hành có vấn đề, năng lực kỹ thuật về nghiên cứu, phân tích và phát triển chính sách của các cơ quan có thẩm quyền cũng là điều rất đáng lo ngại.
Động cơ ban hành chính sách – vì lợi ích công hay phục vụ nhóm trục lợi?
Không hiếm chính sách được ban hành ra, người ta thấy đằng sau có bóng dáng của việc “cài cắm” những quy định mang lại lợi ích trực tiếp cho một nhóm đối tượng nào đó, trong khi chi phí chính sách chia đều cho toàn xã hội. Trường hợp các bộ, ngành “giành” nhau quyền “quản lý nhà nước”, quyền được ra quy định cho thấy động cơ trục lợi chính sách.
Cũng do mục đích chính sách không phải vì lợi ích của số đông người dân, các công cụ chính sách được lựa chọn có chủ ý, nghiêng nặng về các biện pháp mang tính trợ cấp, hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách; hoặc điều chỉnh bằng quy định mang tính cưỡng chế hành chính. Trong khi đó, các công cụ thị trường, hoặc các chương trình thuyết phục, truyền thông, vận động hiếm khi được ưu tiên. Không nói đâu xa, vẫn tiếp tục trường hợp buộc phải có bình cứu hỏa trong ô ô ở trên, ngay khi quy định được ban hành, đại diện cơ quan đề xuất chính sách đã phải giải thích với báo chí việc có hay không chuyện bắt tay giữa cơ quan với doanh nghiệp. Nhưng lời giải thích này khó mà thuyết phục được được số đông người dân.
Chính sách dựa vào bằng chứng – một giải pháp về kỹ thuật
Phương pháp tiếp cận chính sách dựa vào bằng chứng (evidence-based policy) là một giải pháp mang tính kỹ thuật nếu được áp dụng có thể góp phần hạn chế những yếu kém của những chính sách loại này. Theo đó, ban hành chính sách phải dựa trên việc sử dụng các bằng chứng khoa học, có thể tính toán, phân tích, chứng minh được một cách thuyết phục tính hiệu quả và tính khả thi trên thực tế. Nói một cách đơn giản, trong quá trình làm chính sách, bằng chứng từ nghiên cứu được đặt lên hàng đầu, chứ không phải là những lập luận mơ hồ và cảm tính.
Ví dụ phổ biến cho hướng tiếp cận này là kỹ thuật xây dựng các can thiệp chính sách; các chương trình dựa vào hiệu quả thực tế của các can thiệp chính sách đã được kiểm chứng.
Kỹ thuật mới này, vốn bắt nguồn từ phương pháp nghiên cứu y học – “Thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát” (Randomised control trial – RTC) được phát triển và từng bước được áp dụng rộng rãi vào lĩnh vực chính sách công. Trong ngành y, các phương pháp điều trị hay một loại dược phẩm mới trước khi áp dụng trên diện rộng, đều cần đi qua một quy trình chặt chẽ, trong đó có việc thử nghiệm trên một nhóm đối tượng đồng thời so sánh với một nhóm khác không được thử nghiệm có cùng đặc điểm. Sau một chu kỳ can thiệp, việc đánh giá sẽ cho phép nhận biết hiệu quả của phương pháp điều trị mới.
Theo cơ chế tương tự, chính sách, trên nhiều phương diện, là những “toa thuốc” – “phác đồ điều trị” từ phía “bác sỹ” nhà nước để giải quyết các vấn đề – các “căn bệnh” của xã hội. Các can thiệp chính sách – để biết có tác dụng “chữa bệnh” hay không, cần được thử nghiệm trên một “nhóm đối tượng mẫu” đồng thời so sánh với một nhóm khác mà không chịu sự điều chỉnh/can thiệp của chính sách đó. Chỉ đến khi đảm bảo các can thiệp đó hiệu quả, khi đó mới đưa được đưa vào quy trình xem xét để áp dụng trên quy mô toàn xã hội.
Tiếp cận chính sách dựa vào bằng chứng, ví dụ như RTC, đang dần trở thành một xu hướng, một giải pháp kỹ thuật, một mặt giúp giảm bớt các “tác động chính trị” hoặc “động cơ trục lợi” lên chính sách, mặt khác, đảm bảo chất lượng chính sách được nâng cao hơn.
Chất lượng chính sách, chi phí thực thi và “tính chính đáng” của Nhà nước
Một hệ quả lớn của việc ban hành ra các “chính sách tào lao” mà dường như các cơ quan nhà nước đang cố tình coi nhẹ – đó là sự xói mòn niềm tin của người dân vào chính sách và cơ quan công quyền. Một khi người dân có niềm tin, việc thực thi chính sách trên thực tế sẽ dễ dàng và tốn kém ít chi phí để thực hiện. Ngược lại, quá nhiều chính sách “trời ơi đất hỡi”, chính sách “trục lợi” được làm ra, niềm tin của người dân sẽ dần bị xói mòn. Đến lúc đó, Nhà nước bị đẩy vào thế bắt buộc phải sử dụng nhiều hơn bộ máy, chi phí ngân sách, và cả gia tăng sử dụng các công cụ mang tính cưỡng chế để đảm bảo chính sách được thực thi. Đó là vòng xoáy nguy hiểm: chính sách dở – mất niềm tin – lạm dụng các công cụ mang tính cưỡng chế – mất niềm tin nhiều hơn, mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay.
(*) Vietnamese Policy Online – VPO.ORG.VN
Theo TBKTSG

Tin bài liên quan:

VNTB – Niềm tin về ‘gói hỗ trợ an sinh’ giờ đã phôi phai…

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập Cận Bình đối mặt những rắc rối trong và ngoài Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Tính toán với người nghèo hay niềm tin con người đã mất?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.