Xin cơ chế cho TP. HCM có khả thi?

BBC

Ông Đinh La ThăngImage copyrightdinhlathang
Image captionÔng Đinh La Thăng muốn xin cơ chế đặc biệt cho TP. Hồ Chí Minh, nơi ông vừa được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy tại Đại hội 12 của Đảng CSVN.
Sáng kiến của tân Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, trong việc xin một cơ chế ‘đặc khu kinh tế’ kiểu Thượng Hải ở Trung Quốc cho Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, thương mại và công nghiệp số một của Việt Nam, là ‘đáng hoan nghênh’ nhưng cần xem xét thêm về tính khả thi, theo một số nhà phân tích chính sách từ Việt Nam.
Bình luận với BBC hôm 30/3/2016 từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dưới thời nội các của các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nói:
“Trước hết, tôi hoan nghênh cái khát vọng và ý muốn của ông Đinh La Thăng là muốn phát huy hơn nữa tính năng động, vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh và ông muốn có một cơ chế để phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự năng động, sự sáng tạo và đóng góp của TP. Hồ Chí Minh.
“Tuy vậy, cái sáng kiến của ông Đinh La Thăng này có lẽ có mấy vấn đề cần phải xem xét trong bối cảnh như thế này. Một là từ trước đến nay, Việt Nam đã có một vài lần định kiến nghị và thử nghiệm có một cơ chế đặc biệt, có một đặc khu kinh tế cho một vùng nào đấy.
“Trước kia thì có dự kiến là vùng Dung Quất, rồi cũng có một vài cố gắng, kiến nghị ở địa điểm khác nữa, nhưng đến nay, tất cả những cố gắng đó đều đã không đem đến một cơ chế đặc biệt nào cả, vì rất nhiều lý do.
“Và lý do chủ yếu là lãnh đạo Việt Nam tỏ ra thận trọng trong việc trao nhiều quyền quá. Trước đây đã có gợi ý là sẽ đưa một cơ chế đặc biệt cho Phú Quốc, vì Phú Quốc là một đảo riêng và tách biệt ra.
“Hiện nay, đề nghị đó chưa được cụ thể hóa và vẫn chưa biết nó sẽ hình dung như thế nào.”

‘Khó đòi rộng hơn’

TP Hồ Chí MinhImage copyrightjupiter
Image captionTP. Hồ Chí Minh hiện là đầu tàu về kinh tế, thương mại và công nghiệp, đóng góp nhiều nhất so với các địa phương vào GDP của của nước Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng có sự khác biệt về tính lịch sử và nguyên nhân ra đời của các đặc khu ở Trung Quốc trước đây với TP. Hồ Chí Minh hiện nay, ông nói:
“Trước đây, các đặc khu kinh tế, thí dụ như là Thâm Quyến của Trung Quốc, các đặc khu như vậy muốn có một quyền hạn đặc biệt giống như Hong Kong do là muốn giảm các thuế quan, muốn giảm các rào cản thương mại, muốn là để có khuyến khích đặc biệt để có thu hút đầu tư nước ngoài và có khuyến khích thương mại quốc tế.
“Thì đến bây giờ Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do, như vậy rất khó mà có thể có một cơ chế gì nó lại đặc biệt, mà nó còn rộng hơn là những điều mà Việt Nam đã ký kết, vì rằng là thế suất thì đã giảm xuống bằng không, rồi các rào cản về kỹ thuật và thương mại (technical barriers of trade) thì đã có thương lượng để giảm tối đa rồi.
“Bây giờ cơ chế đặc biệt bên ngoài nó là cái gì thì có lẽ là cũng cần phải làm rõ. Và còn có cơ chế gì nữa ở chỗ này đây? Đó là điểm thứ hai.
“Điểm thứ ba nữa là trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khó khăn lớn về mặt cân đối ngân sách, bội tri ngân sách rất cao, và nợ công tăng lên, một trong những điều người ta hy vọng đạt được là cơ chế đặc biệt này sẽ cho phép TP. Hồ Chí Minh được giữ lại một tỷ lệ tiền thuế cao hơn và có thể đầu tư nhiều hơn.
“Về điều này, tôi cũng đã ủng hộ và tôi cũng đã có lưu ý rằng là với việc điều tiết một tỷ lệ quá lớn nguồn thu của TP. Hồ Chí Minh để cân bằng ngân sách và điều cho các tỉnh nghèo hơn, họ có thể sử dụng ngân sách cao hơn rất nhiều, thí dụ như là Hà Giang chẳng hạn, họ thu 100%, thì họ chi đến 440%, hay là Đắk Lắk, họ thu được 100 đồng, thì họ chi đến 200 đồng.
“Thế là có sự điều tiết từ Trung ương, ngân sách và nguồn thu từ TP. Hồ Chí Minh và một số nơi khác, thì TP. Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề nghị. Cái đề nghị như vậy là hợp lý, nhưng mà trong bối cảnh hiện nay, ngân sách Việt Nam đương khó khăn như vậy, liệu sự hợp lý đó có được chấp nhận hay không?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Image captionPGS. TS. Phạm Quý Thọ cho rằng để xuất của ông Đinh La Thăng về cơ chế cho TPHCM, nếu được chấp thuận, sẽ tạo ‘luồng sinh khí mới’ cho cả nước.
“Đấy là những điều tôi thấy là cái khó khăn trong việc có thể là kiến nghị rất đáng hoan nghênh này của ông Đinh La Thăng sẽ có thể khó trở nên hiện thực trong một thời gian gần đây,” TS. Lê Đăng Doanh nói với BBC.

Luồng sinh khí mới

Từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, PGS. TS Phạm Quý Thọ trả lời câu hỏi của BBC về tác động có thể có đối với phần còn lại của đất nước, trong trường hợp đề xuất của ông Đinh La Thăng về một đặc khu kinh tế kiểu Thượng Hải cho TP. Hồ Chí Minh được chấp thuận.
Chuyên gia chính sách công này nói:
“Nếu đề xuất của ông tân Bí thư Đinh La Thăng mà được, tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ thổi một luồng sinh khí mới về mặt kinh tế. Điều đó là rất có thể bởi vì thị trường trong miền Nam phát triển khá là tốt hơn so với miền Bắc về tự do cũng như về tính năng động của TP. Hồ Chí Minh.
“Cho nên khả năng tác động thứ nhất là kinh tế thì thấy là rất rõ ràng, tuy nhiên tôi vẫn cân nhắc thêm vấn đề về chính trị, đặc biệt là vấn đề hòa giải, bởi vì sau một thời gian, nếu chưa đạt được vấn đề này tốt, thì khả năng hòa giải này đến tận nay nó vẫn chưa thật sự là rõ nét.
“Cho nên dòng hướng đầu tư cũng như là ý kiến khác nhau có thể… không được tập trung nguồn lực cho lắm để phát triển TP. Hồ Chí Minh, tạo thành một đặc khu kinh tế, điều đó cần phải có những cân nhắc và bàn bạc, thậm chí là về mặt lãnh thổ.
“Tuy nhiên nó có một điểm nữa về mặt quản lý nhà nước về mặt quy hoạch, thì người ta sẽ không lo lắm là TP. Hồ Chí Minh khi mà phát triển thì liệu có tách khỏi chính quyền Trung ương đến một mức độ nào không, hay là mức độ độc lập đến như thế nào không, thì cái đấy không lo lắm.
“Nhưng mà rõ ràng, khi TP. Hồ Chí Minh trở thành đặc khu kinh tế, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những vùng lân cận, đặc biệt là miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tuy nhiên những vấn đề về dân số, rồi những vấn đề phân biệt giàu nghèo, nhiều vấn đề khác, nếu mà không được tính, thì nó sẽ có những nguy cơ.
“Thí dụ di dân tự do về thành phố nó sẽ trở nên một sức ép rất lớn để mà phát triển về lâu dài, ý tôi nói là kể cả hạ tầng cơ sở, đặc biệt là vấn đề ngập lụt ở TP. Hồ Chí Minh trong mấy năm gần đây cũng đang đương đầu rất lớn,” PGS. Phạm Quý Thọ nhận định.

Có hơi nóng vội?

Ông Đinh La ThăngImage copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionÔng Đinh La Thăng là nhân tố mới trong Bộ Chính trị Đảng CSVN khóa 12, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy TPHCM trong lúc đang nắm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Việt Nam.
Từ Sài Gòn, khi được vấn ý liệu đã có một lý do hay động cơ chính nào đứng sau sáng kiến, đề xuất xin cơ chế đặc biệt của ông Đinh La Thăng khi mà vị tân bí thư này vừa lên chấp chính ở TP. Hồ Chí Minh không lâu sau Đại hội 12, blogger Nguyễn An Dân, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, nói với BBC:
“Tôi nghĩ rằng ông Đinh La Thăng là người của sự vụ, chứ ông Đinh La Thăng không phải là nhà hoạch định đường lối, tôi nhận xét như vậy sau quá trình theo dõi ông Đinh La Thăng đi lên từ cơ sở, quản trị doanh nghiệp rồi sang quản trị bộ, ngành.
“Có nghĩa là ông Đinh La Thăng chỉ làm công tác chuyên môn, chứ ông không phải là về công tác lãnh đạo, thí dụ như làm Chủ tịch một tỉnh, anh thấy ngay nó có nhiều mảng khác với anh làm Bộ trưởng, anh chỉ làm một ngành của anh, chỉ nhìn thấy vấn đề trong phạm vi của ngành, giải quyết sự vụ trong ngành đó.
“Thành ra ông Đinh La Thăng về địa phương, tức là ông lo đường lối cho một địa phương, nó không phù hợp với những tố chất mà ông đã được đào tạo, cũng như là luân chuyển trong thời kỳ trước, thành ra nó có nóng vội.
Hôm 27/3, tại Hội nghị lần thứ Tư, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh, khóa X, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng đã có phát biểu, nêu rõ một số quan điểm về phát triển thành phố.
Ông được báo chí Việt Nam trích thuật nói: “Thành phố phải xây dựng một cơ chế đột phá, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để kiến nghị trung ương phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho thành phố nhiều hơn. Mục đích của việc phân cấp là để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của thành phố chứ không phải việc dễ thành phố giành làm, việc khó đẩy trung ương…”
Vẫn theo ông Thăng, được tờ VnExpress trích thuật lời: “TP HCM phải trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình. Ngoài ra, thành phố phải xây dựng cơ chế quản trị, phải học tập mô hình từ các thành phố hiện đại trên thế giới, đi tắt và đi trước luôn chứ không đi tắt đón đầu”.
CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)