Việt Nam Thời Báo

Xử 4 dân oan Dương Nội: Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh!

Thiên Điểu
(từ Hà Nội)
7h_-_quang_ninh.jpg


(VNTB) –Hôm nay, Tòa án nhân dân Hà Đông đã lại một lần nữa chà đạp lên công lý trong phiên xét xử phúc thẩm đối với những người dân phản đối giải tỏa khi chưa được đền bù thỏa đáng tại Dương Nội.
Cuộc đấu tranh của người dân Dương Nội kéo dài suốt mấy năm qua, kể từ khi chính quyền Quận Hà Đông và chính quyền Thành phố Hà Nội phê duyệt dự án xây dựng khu dân cư cho Tập đoàn Nam Cường. Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu như không có việc đền bù giải tỏa đầy bất công với đơn giá đền bù rẻ mạt, không có chính sách an sinh rõ ràng cho người dân khu vực bị giải tỏa. Một vấn nạn chung trong hầu hết mọi dự án đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Rẻ mạt!
Khởi đầu với mức giá chỉ 600.000đ/m2 đến 800.000đ/m2, tại thời điểm giá địa ốc đang bị đẩy lên trời và nóng bỏng ở tất cả các tỉnh thành. Riêng Hà Nội, việc quy hoạch biến Thủ đô thành “Trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế” với diện tích rộng lên hàng nhất nhì trên thế giới đã khiến một Hà Nội, nơi tập trung cơ quan đầu não quản lý đất nước, thành một cái chợ với đủ loại sắc màu nham nhở, khó coi.
Khi được gắn thâm chức năng “trung tâm kinh tế”, vấn đề chỗ ở vốn đã nan giải của Thủ đô do những bất cập có sẵn là mảnh đất màu mỡ cho các thủ đoạn và mưu đồ lợi ích nhóm. Hàng loạt các dự án địa ốc được cấp phép một cách ồ ạt. Chưa nói tới chiến lược bền vững, ngay cả những nguyên tắc quy hoạch mang tính mỹ quan lẫn chất lượng cơ sở hạ tầng đều bị bỏ qua. Hiện tượng các chung cư, khu dân cư không có bệnh viện, không có trường học, đường sá kém chất lượng, hệ thống cấp, thoát nước không đảm bảo.v.v. là những minh chứng cho sự thật: Đồng tiền làm mờ mắt và bất chấp tất cả.
Riêng khu vực Phường Dương Nội, Hà Đông là việc vẽ ra chính sách dịch chuyển cấu trúc cơ quan hành chính từ trung tâm ra hướng Bắc. Tiêu biểu là Trung tâm Hội nghị Quốc gia hàng ngàn tỷ nay thành nơi cho quán beer khai thác. Những con đường được các chủ dự án xuyên vào vùng đồng ruộng Dương Nôi  vẽ ra hình ảnh các khu đô thị đẹp đẽ… trên giấy. Là một doanh nghiệp trong giới địa ốc, kinh doanh thương mại đa ngành, đương nhiên Tập đoàn Nam Cường không đứng ngoài cuộc chơi. Dù tại thời điểm lập dự án, Nam Cường mới chỉ là một Công ty loại nhỏ, chưa có tiếng tăm gì. Bằng cách nào đó, nhờ thế lực nào đó hay nhờ vào may mắn bất ngờ chưa rõ, Nam Cường sau vài dự án địa ốc ở Hà Nội đã vụt trở thành một đại gia có tiếng tăm. Trở thành Tập đoàn Nam Cường ngày nay.
Dự án khu dân cư Dương Nội là nơi Tập đoàn Nam Cường đứng chủ dự án. Trên thực tế, Tập đoàn Nam Cường đã nhanh tay sang nhượng đất cho nhiều chủ ngay từ khi chưa đền bù giải tỏa xong. Có nhiều lô đã sang tay qua lại tới 2-3 lần trước khi xảy ra chiến dịch giải tỏa bằng giang hồ, gậy gộc và những cuộc bắt bớ những người dân ra tòa ngày hôm nay.
Dao, rựa, gậy gộc…
Cuộc suy thoát kinh tế và bất cập trong quy hoạch, thiếu cân nhắc, tính toán giữa cung và cầu đẩy hàng loạt các dự án, các doanh nghiệp địa ốc trên cả nước rơi vào bế tắc.
Lẽ ra, giai đoạn 2010-2012 khi cuộc khủng khoảng đang càn quét dữ dội, chính quyền Hà Đông nói riêng và chính quyền Hà Nội cùng chính quyền TW nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng xem xét, mạnh tay can thiệp. Lẽ ra phải dừng ngay các dự án dang dở để tìm chiến lược phù hợp. Nhưng lợi ích nhóm, những thủ đoạn tham tàn vẫn bất chấp lao vào những sai phạm.
Bất chấp các dự án địa ốc khác, vốn vô cùng đẹp đẽ hoành tráng ngay ở Dương Nội bị bỏ hoang. Tháng 4/2014, chính quyền Hà Đông quyết tâm cưỡng chế bằng cuộc ra tay mang đủ các màu sắc thô bạo nhất. Các lực lượng vũ trang được huy động, những gương mặt nấp sau vỏ bọc “công vụ” mang dao, rựa, gậy gộc… thẳng tay trấn áp, đánh đập người dân để giải tỏa nốt khu vực còn lại mà người dân phản đối vì chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Vấn đề bất cập này từng được Thanh tra Chính phủ, Văn phòng tiếp dân TW và nhiều cơ quan cấp cao khác xác nhận. Cuộc đấu tranh bằng pháp lý, đơn thư khiếu nại, tập trung chất vấn, yêu cầu can thiệp, giải quyết của người dân ở các cơ quan chính quyền vấp phải sự im lặng, thoái thác. Chính quyền đáp trả yêu cầu đòi hỏi sự công bằng, minh bạch các quyền lợi chính đáng của họ bằng những cuộc đánh đập, bắt bớ và cả án tù.
Áp bức và đấu tranh
Hai vợ chồng bà Cấn Thị Thêu cùng một số người bị bắt, bị truy tố với các hành vi “chống thi hành công vụ;  cầm đầu tổ chức khiếu kiện đông người; gây rối trật tự” – những loại tội danh  mà ai cũng biết là chiêu trò “gắp lửa bỏ tay người”, phơi bày cái giá trị pháp lý thực tiễn của hệ thống luật pháp Việt Nam.
Nếu không có bất công thì làm sao có phản đối? Không có sự dối trá, đùn đầy không xử lý ngay thì ở đâu có khiếu kiện? Không có chuyện đâu đâu cũng oan khuất thì làm sao ra đông người khiếu kiện?
Hôm nay, bên trong tòa án là phán quyết nhân danh chế độ. Bên ngoài là hàng trăm người dân oan khắp mọi miền đất nước cùng xuống đường diễu hành hô vang phản đối. Oan khuất chất chồng và theo quy luật tự nhiên, tiếng nói dân oan đã gắn kết lại bằng thể hiện qua sự góp mặt của họ bên ngoài phiên tòa.

Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh! 

Tin bài liên quan:

Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền khiếu nại EC về vấn đề nhân quyền VN

Phan Thanh Hung

“Không tiến triển nếu thả chục người này lại bắt thêm chục người khác” (*)

Phan Thanh Hung

CPJ kêu gọi thả ‘Bọ Lập’ vô điều kiện

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo