Các nhà ngoại giao đứng bên ngoài phiên tòa xử luật sư Trung Quốc Đinh Gia Hỷ (Ding Jiaxi), ngoại ô Bắc Kinh, ngày 08/04/2014. |
Tổ chức CHRD có trụ sở tại nước ngoài trong bản báo cáo thường niên đã tố cáo trong năm ngoái đã có 955 trường hợp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Trung Quốc đã bị bắt bớ, bằng cả hai năm trước đó cộng lại.
CHRD nhấn mạnh : « Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền cách đây hai năm, chính quyền liên tục tấn công thô bạo vào các quyền tự do căn bản, bằng cách bóp nghẹt không gian ngày càng bị thu hẹp của xã hội dân sự, và nhắm vào các nhà đấu tranh cho nhân quyền ».
« Các nhà hoạt động, luật sư, nhà báo và trí thức tự do bị câu lưu, tống giam, quản thúc, bị ngăn trở phát biểu ý kiến hay buộc lòng phải ra nước ngoài tị nạn, với tỉ lệ cao chưa từng thấy kể từ giữa thập niên 90, cũng như so với chiến dịch đàn áp sau khi phong trào Thiên An Môn đã bị dập tắt trong biển máu năm 1989 ».
Báo cáo trên được đưa ra sau khi năm nhà đấu tranh cho nữ quyền bị bắt và khởi tố vì tội danh « xúc giục gây rối ». Các nhà hoạt động này đã khởi xướng các cuộc biểu tình chống quấy rối tình dục nhân ngày Quốc tế Phụ nữ. Amnesty International tố cáo vụ bắt bớ mang tính trấn áp, còn Liên hiệp Châu Âu đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho năm phụ nữ trên.
Các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia tố cáo Tập Cận Bình thẳng tay đàn áp những tiếng nói chỉ trích chế độ, từ các nhà tranh đấu cho đến các blogger, gia tăng mạnh mẽ việc kiểm duyệt internet cũng như các tiểu blog.
Theo CHRD, tình hình sắp tới sẽ không được cải thiện : « Việc trấn áp trong năm thứ hai cầm quyền của Tập Cận Bình còn khắc nghiệt hơn cả năm thứ nhất. Ông ta đã quay lại với ý thức hệ Mao-ít trước đây ».
Đặc biệt có trên 200 nhà tranh đấu, luật sư, nhà báo… bị lực lượng an ninh bắt giữ trong những tuần lễ trước dịp kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát Thiên An Môn 1989 vào tháng 6 năm ngoái, cũng như trong phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông vào mùa thu. Có nhiều luật sư bảo vệ nhân quyền phải vào tù hơn so với bất kỳ thời điểm nào trước đây.
Báo cáo nhấn mạnh : « Những ai đòi hỏi các quyền căn bản hay thách thức chế độ có nguy cơ bị trả đũa, kể cả tra tấn, bắt giam tùy tiện, bị bắt đem đi mất tích, hăm dọa, và các biện pháp thô bạo khác ».
(Theo RFI)