Nguyễn Văn Duẩn
Tôi và một đồng nghiệp trẻ cùng cơ quan về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, để mong được nghe hai tai về câu chuyện đất đai đang rất nóng ở vùng đất này.
1. 9 giờ sáng 19-4, đến đầu thôn Hoành (thôn Hoành và Đồng Mít là 2 thôn của xã Đồng Tâm), hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, là một đống đất, đá to uỵch do người dân đổ ra choán hết mặt đường, chỉ còn một lối nhỏ đủ để đi xe máy hoặc xe đạp.
Một khẩu hiệu “Nhân dân Đồng Tâm không chống đối Nhà nước” được treo ngay lối vào thôn.
Chúng tôi xuất hiện, hàng chục cặp mắt của người dân phóng về phía chúng tôi dò xét. Một chị trạc 50 tuổi khoác áo chống nắng, mặt đeo khẩu trang, đầu đội mũ lưỡi trai, tiến về phía chúng tôi và “thẩm tra” nhân thân. Khi biết chúng tôi là nhà báo với đầy đủ giấy tờ, một số bà con đồng ý cho chúng tôi vào một ngôi nhà cạnh đó để trò chuyện. Tuy nhiên cũng có một số người nhất quyết buộc chúng tôi phải rời khỏi Đồng Tâm ngay lập tức.
“Không báo chí gì cả. Mời các anh đi cho. Các anh có giấy tờ đầy đủ, chúng tôi không giữ, nhưng các anh không thể ở lại”- một nông dân trung niên, đeo kính đen từ trong nhà bước ra nói với giọng rất quyết liệt.
“Chúng tôi không còn biết tin ai nữa”- một nông dân khác bức xúc nói chen vào.
Rồi những lời oán than được nói ra trên những khuôn mặt đầy giận giữ và bức xúc. Và không khí khá căng thẳng khi người trung niên kia và một vài người khác quyết không cho chúng tôi ở lại để làm việc. Tiếp đó một tốp thanh niên từ trong thôn đi xe máy ra, ném những ánh mắt dò xét, đầy ngờ vực về phía chúng tôi đang ngồi ở lề đường.
“Ngòi nổ” chỉ được tháo khi một chị ở “Tổ Đồng thuận” của xã xin bảo lãnh và xin làm đại diện để đưa chúng tôi vào trong nhà để trò chuyện. Chị không cho biết tên và đeo khẩu trang, đội mũ lưỡi trai che kín mặt suốt buổi trò chuyện.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chị lặp đi lặp lại rất nhiều lần: “Chúng tôi chỉ muốn bình yên để làm ăn. Nhân dân Đồng Tâm không bao giờ chống Đảng, chính quyền. Chúng tôi chỉ có một mong muốn, đó là muốn được đối thoại với người có thẩm quyền để tháo gỡ tình hình hiện nay”.
Mấy ngày gần đây nhiều dân Đồng Tâm dường như không ngủ. “Ruộng vườn thì bỏ bê, con cái thì nghỉ học. Tâm trí đâu mà ngủ hả em”- một chị nói.
Người dân cũng khẳng định với chúng tôi rằng, hiện 21 cán bộ, chiến sĩ đang bị người dân giữ ở đây đều được ăn uống chu đáo. “Dân chúng tôi thay nhau nấu cơm ngày 3 bữa với đồ ăn tươm tất cho các em ấy. Chúng tôi mua quần áo cho các em thay và tắm giặt hàng ngày. Sức khoẻ các em rất tốt”- chị trong “Tổ đồng thuận” nói tiếp.
“Thậm chí sau khi nấu ăn xong, chúng tôi còn cho người ăn trước xem đồ ăn có đảm bảo không rồi mới mang cho các anh ấy ăn”- một chị khác cho hay.
Tôi xin đi vào sâu trong làng, nơi có những trường học, nơi có những cán bộ, chiến sĩ của Hà Nội đang bị người dân giữ ở thôn Hoành, nhưng bị từ chối.
“Chúng tôi không thể đảm bảo an toàn cho các anh, dù chúng tôi rất muốn các anh vào”- chị trong “Tổ đồng thuận” nói.
Và cho đến hôm nay, cũng không một người lạ mặt nào có thể vào Đồng Tâm, nếu không có người dân có uy tín là người trong xã bảo lãnh. Mọi con đường dẫn vào Đồng Tâm, đều được vứt những vật cản như khúc gỗ to vứt dọc, ngang; cát, đá đổ cao ngất choán hết đường làng. Họ sợ người lạ về làm rối thêm tình hình.
2. Đêm qua tôi đã xin được ngủ lại giữa thôn Hoành. Và đêm qua là một đêm rất dài mà tôi ít gặp trong cuộc đời cũng như suốt 15 năm làm nghề.
Tiếng kẻng gõ liên hồi và vang xa khắp các xóm; tôi đếm có khoảng gần chục lần tiếng kẻng được cất lên. Tiếng chó sủa ầm ĩ, ánh đèn pin loé sáng khắp nơi, tiếng chân bước vội…
Tôi hỏi một người dân “sao làng lại gõ kẻng nhiều thế?”.
“thường thì các xóm vẫn gõ kẻng để họp dân khi có việc quan trọng”-một người dân cho hay.
Chúng tôi ra hè ngồi. Cu em nơi tôi ở chạy ra nơi có tiếng kẻng cất lên. 20 phút sau trở về, anh bạn ấy cho biết “mọi chuyện êm rồi anh ạ. Thấy bảo có người lạ vào làng”.
Khuya, tôi cùng vài người đi dạo quanh xóm. Đường làng vắng và cảm giác bình yên không khác ở những làng quê đồng bằng Bắc bộ khác. Duy chỉ có điều, tôi phải đi dạo trong làng, với sự có mặt cùng với ai đó là người thôn Hoành, để không bị coi là người lạ.
0h ngày 20-4, điện trong xã Đồng Tâm bỗng bị mất và tiếng kẻng lại vang lên dồn dập. Tiếng xe máy chạy; tiếng chó sủa lại ầm ĩ; lại có tiếng bước chân…
Chúng tôi im lặng nhìn nhau, và không biết chuyện gì đang diễn ra ở nơi đây. Và tất cả thở phào, khi cu em chạy ra khu nhà văn hoá thôn Hoành về bảo “chỉ là bị mất điện nên người dân gõ kẻng thôi anh, không có gì nghiêm trọng đâu”.
3. Một giờ sáng. Tiếng chó sủa đã im; tiếng kẻng đã dứt, mọi thứ trở lại bình thường.
Tôi cố nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được. Chắc là do lạ chỗ hoặc tiếng kẻng kia đã khiến tôi mất ngủ.
Và ở ngoài kia, thi thoảng có tiếng bước chân đi. Có nghĩa một số người dân Đồng Tâm cũng khó ngủ.
4. 9 giờ sáng nay chúng tôi rời Thôn Hoành. NHịp sống của bà con gần như bình thường: các cháu nhỏ đã đến trường gần như đầy đủ; chợ họp rất đông. Tất cả vẫn bình yên.
Những thanh niên bịt mặt dẫn chúng tôi rời thôn Hoành, mang theo một mong muốn: Một cuộc đối thoại giữa dân Đồng Tâm và người có thẩm quyền để có thể tháo gỡ được những vấn đề tại mảnh đất này. Bởi đối đầu là điều mà dân không bao giờ mong muốn.
P/s: đã có một số lời đề nghị giúp đỡ vật chất từ một số thành phần nhưng dân đã thẳng thừng từ chối.