Việt Nam Thời Báo

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.5)

VNTB: Một tư liệu có giá trị sống động lịch sử. Kỷ niệm một phần tư thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, VNTB trích đăng lại cảm nhận trực tiếp của những người trong cuộc.


————————–

Hansjürgen Rosenbauer


Thứ Bảy, 14 tháng 10 năm 1989
Khoảng 120 hội viên Diễn đàn Mới, nhóm khi ấy đã được 25.000 người ký tên kêu gọi thành lập, bí mật tập họp trong những căn phòng của ‘Nhà thờ của tầng lớp dưới’ tại Phố của người tàn tật ở Berlin, tại cuộc hội đàm phối hợp trên toàn quốc. Tại đây những người dự họp thông báo là thị trưởng Karl Marx Stadt đã đề nghị được đối thoại với các đại diện của nhóm Diễn đàn Mới. Tại Leipzig và Potsdam cũng có liên hệ với các đại diện của chính quyền. Ngược lại các đại diện từ Halle gặp khó khăn, vì trong những ngày vừa qua một số người đã bị cảnh sát ‘giải đi’. Bên cạnh những vấn đề khác, vào ngày cuối tuần ấy Diễn đàn Mới cũng thảo luận các vấn đề về tổ chức nội bộ. Có nên tiếp tục những hoạt động dân chủ cơ sở đầu tiên, theo đó các nhóm cụ thể được thành lập một cách tự phát trong các khu dân cư thông qua các địa chỉ liên lạc và tự mình lựa chọn nên làm việc gì theo nội dung công tác, hay sự phát triển trong nước đòi hỏi phải có một cấu trúc đảng, phải soạn thảo một cương lĩnh rõ ràng? Người ta thỏa thuận là không thể đưa ra một chương trình cải tổ rộng lớn mà chỉ có thể phát triển dần dần trong một quá trình thảo luận mở rộng. ‘Bảng kê các vấn đề để ngỏ’ tạo thành các xuất phát điểm cho nó, đưa các câu hỏi quyết định về kinh tế và sinh thái, văn hóa, giáo dục và khoa học cũng như chính thể và tư pháp vào thảo luận. Phong trào cần tiếp tục được phát triển rộng rãi theo nguyên tắc rễ cỏ. Triển vọng là dự tính hình thành một ủy ban phối hợp và bầu ra các phát ngôn viên từ các đại biểu của các trung tâm ở từng vùng.

        Khác với đảng SDP, khởi đầu với cơ cấu và cương lĩnh gần như hoàn thiện, phong trào quần chúng Dân chủ Ngay bây giờ, thời điểm đó có chừng 1.000 thành viên, theo đuổi một chương trình tương tự như của Diễn đàn Mới. Trong số báo đầu tiên của họ có biểu tượng con bướm – một tờ A4 in hai mặt họ đề nghị với người dân cách thức hành động sau đây: ‘Chúng tôi đề nghị các bạn hãy tìm kiếm mối liên hệ với những người có cùng tư tưởng ở quanh mình. Hãy tổ chức họp mặt ở các quận huyện. Hãy chọn ra những người phát ngôn. Hãy cử đại diện đến các buổi họp mặt toàn khu vực.’ Trong số thứ hai của tờ báo được phân phát cuối tuần đó, Dân chủ Ngay bây giờ đưa ra những phác thảo hình dung của mình rõ rệt hơn một chút: ‘Chúng tôi coi mình là phong trào ai ai cũng có thể tham gia đóng góp mà không cần phải ra nhập, không cần biết anh ta có là thành viên của một trong các đảng cũ hay của một trong số các liên minh mới hay không.’ Mục tiêu chính trị trực tiếp được diễn đạt như sau: ‘Cùng với các nhóm hành động công dân dân chủ khác, chúng tôi suy nghĩ về một chương trình bầu cử chung. Một chương trình như thế phải do một ủy ban đại diện quyết định. Ủy ban này sẽ đề cử các ứng viên và nâng cao yêu cầu tham dự vào cuộc bầu cử viện dân biểu hiện tại. Chúng tôi muốn cử tri được quyết định vấn đề cải cách dân chủ.’
Chủ nhật, 15 tháng 10 năm 1989

Những người cuối cùng bị bắt do tham gia các cuộc biểu tình ngày 7 và 8 tháng Mười đã được trả tự do. Ngày hôm đó nhóm hành động công dân Nhận thức Dân chủ cũng họp mặt, nhóm này được hình thành vào mùa hè từ các nhóm gần gũi với nhà thờ, người đại diện nổi tiếng nhất cho tới lúc ấy của nhóm là mục sư Rainer Eppelmann của nhà thờ Samariter. Trong thư ngỏ gửi tỉnh trưởng Berlin Erhard Krack, nhóm đòi hỏi phải lập ra một ủy ban điều tra độc lập nhằm làm sáng tỏ những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ngày 7 và 8 tháng Mười. Bạo lực và dọa nạt không phải là những tiền đề phù hợp cho một cuộc đối thoại dân chủ.

        Để chuyển hướng sự phản đối ngày càng tăng của dân chúng về phía có thể điều khiển được, chiều hôm đó tại Bernau gần Berlin, dưới sự dàn cảnh của Đảng SED, một nhóm hội những người vô thần đã được thành lập, nhóm này cũng tự coi mình là một nhóm đối lập xã hội, theo mô tả của các thành viên ban lãnh đạo.

        Tối hôm đó tại nhà thờ Cứu thế ở Berlin diễn ra một buổi ‘Hòa nhạc chống lại bạo lực’, tại đó các ca sỹ và nhà văn nổi tiếng kêu gọi cải tổ triệt để. Nhưng cả giáo viên, sinh viên và một đại biểu quốc hội cũng lên tiếng. Nhạc sỹ Kurt Demmler chế diễu cách hiểu một cuộc đối thoại của Bí thư Ban chấp hành trung ương Kurt Hager: ‘Cải tổ và đối thoại một tẹo, thế là người ta chuẩn hóa và lươn lẹo.’ Nhà văn Christoph Hein yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra ‘sự vượt quá giới hạn có chủ ý của các lực lượng an ninh’. Theo đánh giá của ông, giáo hội đã chứng tỏ mình đặc biệt có trách nhiệm đối với đất nước và xã hội xã hội chủ nghĩa này, ‘có trách nhiệm hơn, gần gũi dân chúng hơn và có đủ tư cách hơn các lực lượng khác’ và cũng phải góp phần mình vào đó. Tràng pháo tay nồng nhiệt nổi lên khi nhà soạn lời và nhạc sỹ Gerhard Schöne thông báo là ông sẽ đóng góp một nửa trong số 20.000 Mác của giải thưởng quốc gia của CHDC Đức ông được nhận ngày 7 tháng Mười cho một nhóm hỗ trợ phát triển của nhà thờ, nửa còn lại là cho những người đã bị giam giữ. Một nữ giáo viên kể lại đồng nghiệp của mình bị sa thải vô kỳ hạn như thế nào vì tuyên bố mình ủng hộ nhóm Diễn đàn Mới và chỉ trích giáo án môn lịch sử. Một đại biểu Đảng SED thuộc khu phố Prenzlauer Berg tuyên bố: ‘Đừng nguôi dịu. Có lẽ chúng ta chỉ có một lần thử này thôi: nếu chúng ta thất bại, chúng ta sẽ mất đi hàng trăm ngàn người, vì di cư ra nước ngoài hoặc lưu vong trong nước… Hãy hành động một cách phi bạo lực! Hãy nói chuyện với tất cả mọi người, kể cả 2,3 triệu đảng viên đảng SED. Đừng loại bỏ họ ngay lập tức, nhiều người trong số họ đã góp sức để có được hi vọng lúc này!’ Ông nhận được sự tán thưởng của hơn 3.000 người trong ngôi nhà thờ đầy chật người.

        Cùng lúc đó tại Plauen có 20.000 người biểu tình và làm tắc nghẽn cây cầu vòm to lớn. Tại Halle cũng có 20.000 người kéo ra các con phố và yêu cầu phải có một sự thay đổi triệt để.

        Nhưng có nhiều người cũng đã mất hi vọng vào một sự thay đổi như vậy. Họ muốn từ bỏ đất nước ra đi hơn. Chỉ riêng trong sứ quán Bonn của Wácsava lúc đó đã có 1.200 công dân CHDC Đức lưu lại. Chứng kiến tình huống này chính phủ CHDC Đức và Ba Lan đã đưa ra điều luật xuất cảnh ‘có giá trị vô thời hạn’ ở một nước thứ ba cho tất cả các công dân CHDC Đức đang kẹt lại trong các sứ quán.
Thứ Ba, 16 tháng 10 năm 1989

Ngày hôm đó in dấu bởi những cuộc biểu tình đã thành lệ vào thứ Hai. Trong tất cả các cuộc nói chuyện đều nổi lên câu hỏi liệu tối hôm đó sẽ ra sao, liệu tín hiệu sẵn sàng đối thoại của nhà cầm quyền đã đủ để chuyển tranh luận từ đường phố vào các sảnh đường hay chưa, như đòi hỏi chính thức liên tiếp từ trước đến nay. Không khí căng thẳng bao trùm cả nước.

        Cả lãnh đạo Liên đoàn Lao động Tự do Đức FDGB Harry Tisch cũng đã phải thừa nhận sau những buổi thảo luận với các thành viên công đoàn: ‘Không khí giữa các đồng nghiệp đã thay đổi.’ Nhưng thay vì tìm hiểu nguyên nhân, ông ta lại cảnh báo trên tờ ‘Thế giới Trẻ’ về cách hành xử hấp tấp, nếu không thì con tàu có thể bị mắc cạn. Theo ý ông CHDC Đức không cần có thêm diễn đàn dân chủ nào cả vì đã có đủ các cơ cấu cần thiết. Trả lời câu hỏi của tổng biên tập Hans-Dieter Schütt liệu suy đoán của phương tây về việc nội bộ bộ chính trị đang có đấu tranh và khuynh hướng chia rẽ là đúng hay sai, Harry Tisch, làm thành viên của ủy ban từ năm 1974, trả lời: ‘Vô số phương tiện truyền thông phương Tây chuyên môn đi bới lông tìm vết. Nhan nhản những lời dối trḠgiả mạo thông tin, gây tác động phản ánh không hết sự thật. Họ nhào nặn sự thật với những điều tưởng tượng cho đến khi nó khớp với kế hoạch chống cộng. Bây giờ còn nhiều nữa.’ Ông ta không nói gì thêm về tình hình hiện tại.
        Cũng trong số đó Bernhard Quandt, 86 tuổi, ủy viên Ban chấp hành trung ương, được hỏi là liệu bây giờ Đảng SED có muốn gặp mặt dân chúng hay không, ông ta trả lời dứt khoát: ‘Không cần. Đảng bắt rễ trong lòng dân chúng.

        Buổi tối có nhiều người đổ ra đường hơn trước đây. Chỉ riêng ở Leipzig đã là 120.000, ở Dresden và Magdeburg mỗi nơi 10.000, 5.000 ở Halle và 3.000 ở Berlin. Các yêu cầu đều giống nhau: cho phép Diễn đàn Mới hoạt động, bầu cử tự do, tự do báo chí và ngôn luận, chấm dứt việc bắt buộc phải có thị thực xuất cảnh sang Tiệp Khắc.

        Mục sư Michael Turek thử lý giải vì sao số người biểu tình ở Leipzig lại tăng gấp đôi so với tuần trước: ‘Giờ đây những người đổ ra đường này bùng nổ nhu cầu được hành động từ nhiều năm nay. Thông qua hoạt động cầu nguyện thường xuyên vì hòa bình, tất cả hướng về Leipzig. Vào mười bảy giờ ngày thứ Hai thành phố chật cứng. Không thể ngăn cản bằng những lời kêu gọi, bằng huy động cảnh sát và những sự trấn áp khác. Vì không ai tổ chức các cuộc biểu tình, người ta cũng không thể nào kêu gọi ai can thiệp vào và ngăn cản gì cả.’

        Nhân vật đối lập người Berlin Siegbert Schefke đã tìm cách mang được thiết bị quay video đến Leipzig và bí mật quay được đoàn người biểu tình, mặc dù bị cơ quan An ninh Nhà nước truy lùng gắt gao. Buổi tối các cuộn băng được tuồn sang Tây Berlin, nơi chúng được phát trên đài ARD ngay tối hôm ấy, khiến cho giờ đây cả nước đều biết đến quy mô khổng lồ của cuộc phản đối đồng loạt này.

        Tại Dresden hàng ngàn người đòi hỏi được đối thoại công khai về cải cách dân chủ trước cổng tòa thị chính, ở đó lúc ấy thị trưởng Wolfgang Berghofer đang hội đàm với đại diện của những người biểu tình, ‘Nhóm 20’. Sau đó Berghofer từ ban công tòa thị chính nói chuyện với đám đông qua loa phóng thanh đến từ nhà thờ Thập tự, thông báo tiếp tục cuộc ‘đối thoại phi bạo động’ cho đến lúc đó vẫn chưa mang lại kết quả gì. Ông ta thông báo về bảng kê mười điều do nhóm này đưa ra, trong đó trước hết yêu cầu bầu cử tự do bên cạnh tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do đi lại.

Tin bài liên quan:

Ngô Thế Vinh: Trung Quốc phá hủy sinh cảnh, vét nạo các đại dương

Phan Thanh Hung

Hộp quà ở Seoul và bát phở khổng lồ dối trá

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.1)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo