Việt Nam Thời Báo

40 năm Hiến chương 77: khởi nguồn dân chủ, nhân quyền tại các xứ toàn trị

“Những người có ý thức về dân chủ, nhân quyền trong các nước toàn trị nhiệt liệt chào đón những giá trị mà Tuyên ngôn Hiến chương 77 cổ vũ vì đấy chính là những thứ họ đang rất cần” – chia sẻ của dịch giả Phạm Nguyên Trường.

Václav Havel cùng các thành viên Hiến chương 77
Lời giới thiệu: Cộng hòa Czech vừa kết thúc đợt kỷ niệm 40 năm ra đời bản Tuyên ngôn Hiến chương 77 (1977- 2017) với nhiều hoạt động nhắc lại quá trình hình thành cũng như ảnh hưởng của nó đối với Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Czech và Cộng hòa Slovakia) trước và sau cuộc Cách mạng dân chủ 1989.
Tại Praha 6, một bia kỷ niệm có hình những thùng thư được đặt đúng ở nơi cách đây 40 năm, ngày 6-1-1977, khi những phong thư cùng bản Tuyên ngôn với 242 chữ ký đầu tiên được gửi ra thế giới.
Ở nước ngoài, ngay khi đó, Tuyên ngôn Hiến chương 77 cũng được báo “Le Monde” chính thức đăng tải trong ấn bản phát hành ngày 6-1-1977 tại Pháp, Anh và Đức.
Cũng vào ngày 6-1-1977, lần đầu tiên Václav Havel bị an ninh Tiệp Khắc bắt giữ. Trước khi bị giải đi, ông còn kịp nói với hai người bạn của mình là diễn viên Pavel Landovský và nhà văn Ludvik Vaculík: “Cuộc chiến đấu đòi lại quyền làm người của chúng ta hôm nay chính thức bắt đầu”.
Tháng 1-2014, vào dịp kỷ niệm 37 năm Hiến chương 77, cuốn sách “Quyền Lực Của Kẻ Không Quyền Lực” gồm nhiều tiểu luận của V. Havel do dịch giả Phạm Nguyên Trường dịch và Nhà xuất bản Giấy Vụn phát hành đã ra mắt độc giả Việt Nam. Trong sách cũng có bài “Về ý nghĩa của Hiến chương 77” do V. Havel viết năm 1986 và Nhóm Văn Lang (Cộng hòa Czech) dịch bổ sung.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Tuyên ngôn Hiến chương 77, xin giới thiệu tới độc giả chia sẻ của dịch giả Phạm Nguyên Trường xung quanh việc dịch các tiểu luận quan trọng nói trên.
Quyền Lực Của Kẻ Không Quyền Lực – Minh họa: Internet
– Xin anh cho biết anh biết đến những tiểu luận của V. Havel và Tuyên ngôn Hiến chương 77 trong hoàn cảnh nào?
Mình cũng không nhớ rõ, có lẽ là từ rất lâu rồi, có thể là sau năm 1980. Nhưng mình chỉ tìm hiểu về V. Havel sau khi có bản dịch “Quyền lực của không quyền lực” do Khải Minh dịch và giới thiệu, Lâm Yến hiệu đính đăng trên Talawas, năm 2006. Đến năm 2009 mình mới dịch Tuyên ngôn Hiến chương 77.
– Được biết, anh thực hiện việc dịch các tài liệu này từ bản tiếng Anh? Và anh tiến hành dịch nó ở Việt Nam?
Vâng, hầu như tất cả các bài tiểu luận của V. Havel đều được mình dịch qua bản tiếng Anh, có tham khảo bản dịch tiếng Nga. Từ sau khi tốt nghiệp đại học năm 1975, ngoài thời gian 6 tháng sống ở Tiệp Khắc, năm 1980, thỉnh thoảng mình ra nước ngoài độ một tuần, cho nên tất cả các bản dịch của mình đều được thực hiện ở trong nước.
– Đọc V. Havel rất khó vì phong cách viết của ông, quá trình dịch của anh ra sao? Để dịch được V. Havel, chắc anh cũng phải tìm hiểu về con người ông, về tình hình Tiệp Khắc khi Hiến chương 77 ra đời? Anh có thể chia sẻ những trải nghiệm đó?
Mình không biết tiếng Tiệp cho nên không biết văn phong gốc của V. Havel khó hiểu tới mức nào. Có lẽ bản dịch tiếng Anh và tiếng Nga đã “mài giũa” bớt đi, thành ra mình thấy cũng không khó hiểu lắm. Nhất là lại có hai bản dịch bằng hai ngôn ngữ khác nhau để ta có thể so sánh, đối chiếu và sắp xếp ngôn từ tiếng Việt cho phù hợp. Nói chung, nếu tìm được thì bao giờ mình cũng tham khảo hai bản (tiếng Anh và tiếng Nga) trong khi dịch.
Mình không có điều kiện tìm hiểu cuộc đời của V. Havel. Mình cũng không biết tình hình Tiệp Khắc vào năm 1977. Chỉ được nghe nói về Mùa Xuân Praha, rồi quân đội các nước XHCN do Liên Xô dẫn đầu tràn vào Tiệp Khắc, mùa thu năm 1968. Lúc đó bọn mình đang trên tầu liên vận tới Liên Xô (hình như sắp tới biên giới Xô-Trung).
Mình cũng có đọc vài bài báo nói rằng lúc đó có 6 người Liên Xô đã đến Quảng trường Đỏ ở Moscow biểu tình phản đối cuộc xâm lược. Sau đó, có mấy người bạn học ở Tiệp Khắc về nói chuyện về cách hành xử của quân đội các nước khối Warszawa và vụ tự thiêu của anh sinh viên Jan Palach (năm 1969) để phản đối cuộc xâm lược này.
Năm 1980, mình có chuyến công tác kéo dài 6 tháng ở Tiệp Khắc. Cảm giác chung là người dân ở đó đã chán ngấy chế độ đến tận cổ, họ nói nhiều về nạn tham nhũng; nhất là họ lại cho rằng mình đang bị áp đặt bởi một dân tộc có nền tảng văn hóa và kinh tế thấp kém hơn. Đấy là ấn tượng lớn nhất trong chuyến đi đó, vì trước đây mình cứ tưởng Liên Xô là nhất, nhân dân các nước đều thích, đều ngưỡng mộ Liên Xô như người Việt Nam mình.
Sau này, khi có Internet thì mình mới có điều kiện tìm hiểu về quá trình chuyển hóa dân chủ ở Tiệp Khắc và Ba Lan. Đấy cũng là lúc mình bắt tay vào dịch những tác phẩm chính luận của V. Havel mà có độc giả nói rằng có thể đưa vào hàng ngũ các nhà triết học lớn nhất của thế kỷ 19.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường
– Đã có lần, anh nói đại ý nhu cầu đọc sách của người Việt Nam mình ít, với những tác phẩm anh dịch như “Đường Về Nô Lệ”, “Vòng Tròn Ma Thuật” và “Quyền Lực Của Kẻ Không Quyền Lực” có lẽ còn “kén” bạn đọc hơn nữa. Vậy điều gì cho anh cảm hứng và thúc giục anh dịch những tác phẩm này nói chung và Hiến chương 77 cùng các tiểu luận của V. Havel nói riêng?
Một số người làm quản lý cũng thường hỏi mình những câu như thế. Mình dịch vì nghĩ người Việt Nam chưa biết tới những tác phẩm đó. Mình dịch nhằm truyền bá cái mới, chứ cái cũ, nhiều người biết thì dịch làm gì?
Những tác phẩm có hàm lượng tri thức cao thường “kén” người đọc, như bạn nói, nhưng nó có tính chất lan tỏa. Người đọc những tác phẩm đó sẽ biến những tư tưởng khó hiểu đó thành ngôn từ đơn giản hơn, giúp nhiều người khác hiểu và thực hành theo.
Song thực ra đấy là khi có người hỏi thì mình trả lời thế, chứ khi làm thì chỉ nghĩ rằng đây là việc nên làm và mình phải làm với chất lượng cao nhất có thể. Thế thôi. Còn có ai đọc hay không hay đọc thì có tác dụng gì hay không thì mình không nghĩ tới.
– Anh có nghĩ rằng Tuyên ngôn Hiến chương 77 và những giá trị mà Hiến chương 77 hướng tới chỉ xuất hiện, được ủng hộ và cổ vũ ở những quốc gia bị cai trị bởi chế độ toàn trị cộng sản? Bởi, ở nhiều xã hội dân chủ hiện nay, khi tự do cá nhân được đề cao thì tham vọng cá nhân, nhu cầu vật chất, ham muốn hưởng thụ đã làm cho nhiều người quên đi những giá trị đạo đức và trách nhiệm của lương tâm?
Theo mình nghĩ, những người có ý thức về dân chủ, nhân quyền trong các nước toàn trị nhiệt liệt chào đón những giá trị mà Tuyên ngôn Hiến chương 77 cổ vũ vì đấy chính là những thứ họ đang rất cần.
Còn ở những nước đã dân chủ hóa thì người ta coi tự do, dân chủ, nhân quyền là chuyện đương nhiên, không cần phải lo lắng nữa. Nhưng theo mình thì không phải tham vọng cá nhân, nhu cầu vật chất, ham muốn hưởng thụ đã làm cho nhiều người quên đi những giá trị đạo đức và trách nhiệm của lương tâm mà là người ta thể hiện những giá trị đạo đức và trách nhiệm của lương tâm một cách bình tĩnh hơn, thầm lặng hơn.
Bạn có thể thấy rất nhiều website do các học giả ở Mỹ, ở Anh… quản lý, đăng bài ủng hộ kinh tế thị trường tự do, ủng hộ chế độ dân chủ. Mà toàn là miễn phí hết. Trước sự ngóc đầu dậy của phong trào dân túy ở Mỹ, Anh và Châu Âu ta mới thấy có rất nhiều người lo lắng và chiến đấu cho những giá trị của tự do và nhân quyền mà Tuyên ngôn Hiến chương 77 cổ vũ.
– Nhân dịp 40 năm Hiến chương 77, xin anh chia sẻ về ý nghĩa của Hiến chương 77 với những người Việt đang dấn thân đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do và dân chủ.
Mình thấy là những liệt kê về vi phạm dân chủ và nhân quyền ở Tiệp Khắc cách đây 40 năm cũng chẳng khác gì tình hình ở Việt Nam hiện nay. Nhiều quyền tự do và quyền dân sự mới chỉ có trên giấy, vì vậy mà Tuyên ngôn Hiến chương 77 và cuộc đấu tranh bất bạo động nhằm đòi lại những quyền dân sinh, dân chủ mà Hiến chương cổ vũ vẫn còn nguyên giá trị đối với những người Việt đang dấn thân đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do và dân chủ.

Tin bài liên quan:

VNTB- Hỗn loạn ở Venezuela

Phan Thanh Hung

VNTB- Chuyển hóa đầy kịch tính trong quan hệ Việt – Mỹ

Phan Thanh Hung

VNTB – Phép mầu châu Á đã chấm dứt?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo