Trí thức trẻ
Có tiền để chi tiêu nhiều hơn, phục vụ cho cuộc sống hiện tại đang khiến cho người Việt tự nhận là tầng lớp trung lưu.
Giải thích của Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) đưa ra khi công bố có tới 96% người Việt cho rằng mình là tầng lớp trung lưu, đã phản ánh rất rõ mong muốn của người Việt về cuộc sống và quan niệm trong chi tiêu.
Người Việt thích khoái cảm khi mua sắm hơn là nghĩ đến lợi ích của sản phẩm. Họ nghĩ rằng, việc được chi tiêu là sự thể hiện cho cuộc sống đang dư giả, nên được xếp vào giới trung lưu. Trong khi nếu phân chia theo mức thu nhập, thì chỉ có 50% người Việt được hỏi cho rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu.
Tiêu nhiều hơn… thế cao hơn
Theo ông Goro Hokari – Giám đốc HILLASEAN – nếu như trước đây mức thu nhập thực tế là thước đo để phân loại các tầng lớp trong xã hội, thì nay quan điểm này đã có sự thay đổi. Một bộ phận không nhỏ vẫn tự nhận mình là tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế đạt được. Vậy điều này có mối quan hệ như thế nào với xu hướng tiêu dùng đang ngày càng tăng lên của người Việt?
Thực tế, người Việt cho dù được đánh giá là tiết kiệm nhất thế giới, nhưng tốc độ tiêu dùng đang ngày càng tăng lên. Một nghiên cứu của Nielsen – hãng tư vấn tiêu dùng đã chỉ ra rằng năng lực mua sắm của Việt Nam đang tăng lên mỗi ngày. Đáng chú ý là người tiêu dùng hiện nay có đủ khẳ năng để tự chủ trong việc mua sắm bởi chính sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
Nhu cầu mua sắm cùng khả năng chi tiêu ngày càng tăng được xem là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người Việt tự nhận mình là tầng lớp trung lưu. Bởi vậy dù không có nhiều dư giả, ít có khả năng tiết kiệm, song người Việt lại sẵn sàng rót nhiều tiền hơn để phục vụ cho cuộc sống hiện tại.
Câu hỏi đặt ra: Liệu người Việt có đang quá ảo tưởng về cuộc sống của mình, khi họ cho rằng có khả năng mua sắm, chi tiêu là có thể được xếp vào giới trung lưu? Trong khi ở những nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam, với thu nhập bình quân đầu người cao hơn như Singapore, Malaysia thì tỷ lệ tự nhận là tầng lớp thấp hơn.
Tiêu chuẩn “trung lưu” có quá thấp?
Trong Báo cáo 2035: “Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới vừa công bố vào tháng trước, đã đặt ra mục tiêu là năm 2035 nền kinh tế sẽ có quy mô gần 1000 tỷ USD và trên nửa dân số dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu.
Mục tiêu này được đặt ra trên cơ sở, tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt mức trên 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt gần 22.200 USD, thì một nửa dân số Việt Nam mới được xếp vào hàng trung lưu. Thế nhưng, nếu so sánh thì mức thu nhập bình quân đầu người của tầng lớp trung lưu này lại chỉ bằng mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 và Malaysia năm 2013. Liệu tiêu chuẩn “trung lưu” của người Việt có quá thấp khi đã tự mãn với hiện tại?
Còn theo dự báo của hãng nghiên cứu tiêu dùng Nielsen, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng và đến năm 2020 thì tầng lớp trung lưu sẽ tăng gấp ba lần so với hiện tại, đạt đến con số 33 triệu người, tức là gần bằng 1/3 dân số hiện nay.
Sẽ mất vài chục năm nữa, tức là gần bằng một thế hệ người Việt Nam mới có thể đuổi kịp được một số nước đứng đầu ASEAN và châu Á. 96% tự nhận mình là tầng lớp trung lưu trong thời điểm hiện nay, người Việt đang lạc quan hay ảo tưởng thái quá? Song vẫn không thể phủ nhận, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có sự bùng nổ mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và đây chính là nền tảng quan trọng để có thể đạt được mục tiêu được đặt ra đến năm 2035.
Cẩm An
Theo Trí thức trẻ