Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa công bố việc từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã mua từ thị trường trong nước khoảng 7 tỷ USD để “tăng quỹ dự trữ ngoại hối”.
Hình Internet
Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng cho biết Ngân hàng nhà nước tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72,000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016.
Như vậy, một khả năng có thể là từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng nhà nước đã phải tung ra thị trường một lượng tiền đồng khá lớn – lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng – để mua vào ngoại tệ. Lượng ngoại tệ được mua vào lại tập trung phần lớn ở các ngân hàng thương mại chứ không phải từ các nguồn trôi nổi tự do.
Chính lượng tiền này đồng mà Ngân hàng nhà nước tung ra đã khiến trong khoảng vài tháng qua xuất hiện tình trạng dư thừa tạm thời tiền đồng của các ngân hàng thương mại, do vậy nhiều ngân hàng đã phải tìm cách “đẩy” tiền ra kênh cho vay, bất kể rủi ro thường trực khó hoặc không thể thu hồi vốn.
Lượng tiền đồng mà Ngân hàng nhà nước tuôn ra thị trường cũng đang khiến bắt đầu xuất hiện một quan điểm “chấp nhận mức lạm phát khoảng 5% trong năm 2016”, nghĩa là cao hơn rất nhiều so với mức lạm phát báo cáo chỉ có 0.63% trong năm 2015.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Ngân hàng nhà nước phải tung tiền đồng để “gom” USD trong thời gian qua? Nhằm tăng quỹ dự trữ ngoại hối hay còn mục đích gì khác?
Gần đây, có thông tin về quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, tức thấp hơn khá nhiều so với con số xấp xỉ 40 tỷ USD vào năm 2015 mà chính thống đốc Ngân hàng nhà nước lúc đó là Nguyễn Văn Bình đã “khoe”.
Có khả năng sự sụt giảm hàng chục tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối là để trả nợ nước ngoài.
Trong năm 2015, Việt Nam phải trả nợ cho các chủ nợ quốc tế như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) và một số quốc gia như Nhật Bản… đến hơn 20 tỷ USD (chứ không phải chỉ khoảng 7 tỷ USD như con số báo cáo thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).
Còn trong năm 2016, tuy chưa có con số cụ thể, nhưng mức trả nợ nước ngoài của Việt Nam cũng khó thấp hơn 20 tỷ USD.
Theo đó, nhu cầu trả nợ đến hạn của nước ngoài là tất yếu. Tuy nhiên Việt Nam không thể lấy một đồng tiền quá yếu là VND để trả nợ, mà phải quy đổi sang USD.
Vậy trong tình cảnh ngân sách gần như rỗng tuột, lấy đâu ra tiền đồng để mua vào USD?
Có lẽ đây mới là câu trả lời đơn giản nhất đối với Nhà nước Việt Nam: In tiền.
Trong thời gian qua, đã nổi lên hiện tượng nhiều cán bộ hưu trí được lãnh lương hưu bằng tiền mới cứng, toàn loại mệnh giá 500,000 đồng. Nhiều người đang tỏ ra nghi ngờ và lo ngại về việc Ngân hàng nhà nước cho in tiền quá nhiều sẽ dẫn đến mặt bằng giá sinh hoạt đội hẳn lên và làm cho đời sống người về hưu vốn đã khó khăn thì nay còn khó khăn hơn.
Nếu bài toán của nhà nước là in tiền ồ ạt và dùng loại tiền giấy có nội lực yếu ớt ấy đổi lấy ngoại tệ mạnh là đồng USD, sẽ chẳng mấy chốc lượng USD trong dân và tại các ngân hàng giảm mạnh, đẩy nhanh tình trạng khan hiếm USD và tất yếu làm tăng mạnh lạm phát.
Lê Dung / SBTN