Chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn bản tin của HTV7 lúc 18h52’41’’ ngày 07/12/2015 như sau:
Phát thanh viên nam: Hôm nay lực lượng An ninh, Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành lập biên bản xử lý và tịch thu tang vật của một đối tượng có hành vi truyền đạo trái phép.
Phát thanh viên nữ: Trước đó qua công tác nắm tình hình lực lượng an ninh huyện Cam Lộ phát hiện bà Nguyễn Thị Khuyên sinh năm 1959 trú tại phường Đồng Sơn, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đến tạm trú tại nhà chị ruột ở thôn Quật Xá, xã Cam Nghĩa, Huyện Cam Lộ. Trong thời gian tạm trú bà Khuyên đã mua nhiều cuốn sách, đĩa VCD có nội dung liên quan đến Pháp Luân Công, một đạo trái phép có xuất xứ từ nước ngoài, để phát tán tuyên truyền lôi kéo người dân trên địa bàn tham gia với mục đích chữa bệnh. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra xác minh làm rõ lai lịch quá trình hoạt động, thu thập củng cố chứng cứ về hành vi vi phạm của đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy công an huyện Cam Lộ không hề cho rằng việc giới thiệu Pháp Luân Công là hành vi “truyền đạo trái phép”, hay Pháp Luân Công là “đạo trái phép”. HTV7 đã quá bất cẩn và vội vàng trong khâu xác minh để rồi đưa tin sai sự thật cho vụ việc này, làm rùm beng quyết định xử phạt vẫn còn đang trong vòng tranh luận ở một huyện xa xôi của tỉnh Quảng Trị.
Nói về khái niệm đạo và tôn giáo, thông thường một đạo hay tôn giáo được biết đến với các đặc điểm như thờ phụng thần linh, có nghi thức tôn giáo, có nơi thực hành nghi thức tôn giáo và có phân chia cấp bậc. Theo tìm hiểu của Báo Việt Đại Kỷ Nguyên, Pháp Luân Công không có những đặc điểm này. Pháp Luân Công là một môn khí công tu dưỡng thân thể và tinh thần gồm 5 bài tập nhẹ nhàng và các bài giảng dạy đạo đức theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Như vậy, việc bà Khuyên truyền các sách và đĩa có nội dung liên quan đến Pháp Luân Công cho những người khác có được xem là hành vi “truyền đạo” hay không? Hay chỉ đơn thuần bà Khuyên cảm thấy môn khí công này tốt nên muốn chia sẻ nó với những người khác? Theo các học viên ở TPHCM, HTV7 nói bà Khuyên “truyền đạo” là nhà đài đã bị sai về khái niệm, càng không tồn tại việc bà Khuyên truyền một “đạo trái phép” mà thực chất là bà chỉ muốn phổ biến cho người khác một môn khí công mà bản thân bà đã trải nghiệm được tác dụng của nó.
Chị Nguyễn Thiên Hà, một người tập Pháp Luân Công ở Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích: “Một môn khí công cũng như các môn tập khỏe người, là hoạt động hợp pháp mà công dân mặc nhiên được thực hiện, không phải xin phép. Trong khi đó “đạo” hay “tôn giáo” là chỉ tổ chức, là cần phải xin phép thì mới được hoạt động hợp pháp. Khí công và đạo là hai khái niệm không liên quan gì đến nhau”. Sau đó, chị Hà đưa ra thắc mắc: “Không lẽ cả một BBT dày dặn kinh nghiệm như HTV7 lại không thể phân biệt được sự khác nhau giữa tôn giáo và khí công hay sao?”.
Việc bà Khuyên không bị xử phạt vì giới thiệu Pháp Luân Công cho người khác đã nói lên rằng việc giới thiệu hay phổ biến Pháp Luân Công cho mọi người là không vi phạm pháp luật. Và thực tế, xét trên góc độ pháp luật, Nhà nước Việt Nam không có một quy định nào về việc phải xin phép khi giới thiệu một bộ môn khí công cho người khác, cụ thể là Việt Nam không ban hành văn bản pháp luật nào cấm Pháp Luân Công hay nói rằng giới thiệu Pháp Luân Công là phải đăng ký xin phép. Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Tấn Dũng, trong thông điệp chào năm mới 2014 từng nói rằng: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Anh Phan Hoàng Linh, một học viên Pháp Luân Công ở quận 9, TPHCM kết luận: “Vậy, cũng dễ hiểu khi việc bà Khuyên giới thiệu Pháp Luân Công cho người khác không bị công an Cam Lộ xem là trái phép, bởi giới thiệu Pháp Luân Công là quyền hợp pháp của bà. Và quyền đó đã được pháp luật bảo vệ”.
Anh Trương Văn Tân, người đã có quá trình 6 năm tập luyện Pháp Luân Công, hiện đang cư trú tại Q.Tân Bình, TPHCM chia sẻ: “Bản thân tôi đã hưởng được nhiều lợi ích to lớn từ việc tập luyện Pháp Luân Công và luôn muốn chia sẻ điều này với những người mà tôi biết. Cho nên, việc bà Khuyên chia sẻ môn tập khí công này với bà con hàng xóm cũng là điều dễ hiểu.”
Qua cuộc tiếp xúc trên điện thoại với bà Nguyễn Thị Khuyên, bà cho biết trước khi tập luyện Pháp Luân Công, bà đã mắc rất nhiều loại bệnh. Nhưng sau một thời gian tập luyện, “chừ trong người cô á, tất cả bệnh chi cũng hết” … “những người xung quanh đây họ thấy cô khoẻ ra, mà còn công nhận trẻ ra nữa, chứ không phải như hồi trước cô đang làm việc, người cô già mà cảm thấy khắc khổ dữ lắm”… “cho nên là họ tìm tới cô để họ hỏi đó, rồi để họ học đó”. Bà Khuyên cho biết chỗ bà ở là nơi hẻo lánh, dân nghèo khổ, bà có nguyện vọng phổ biến Pháp Luân Công đến xóm giềng xung quanh vì mong: “cho họ có một cuộc sống đỡ phải vất vả hơn vì khỏi phải chi phí kinh tế đồ nì khác về việc đau ốm chi!”.
Anh Tân thắc mắc: “Lẽ ra HTV7 cần đưa tin trung thực về vụ việc, nhưng không hiểu vì động cơ gì mà HTV7 đã xuyên tạc việc giới thiệu một môn khí công tốt cho bà con hàng xóm của một người phụ nữ lớn tuổi thành hành vi truyền Đạo trái phép?”
Cho đến nay, Việt Nam không có một tuyên bố chính thức nào xác định Pháp Luân Công là một “đạo trái phép”. Vào năm 2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Dũng tại thời điểm đó đã nói rằng: “Hiện tại Việt Nam không có Pháp Luân Công. Các hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân luôn được tôn trọng trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam”. Xét trên phương diện quản lý nhà nước thì câu nói “Hiện tại Việt Nam không có Pháp Luân Công” có nghĩa là không có tổ chức nào tên là Pháp Luân Công tại Việt Nam. Và việc Nhà nước Việt Nam tôn trọng “các hoạt động rèn luyện sức khỏe của người dân trên cơ sở tuân thủ luật pháp Việt Nam” cho thấy quan điểm của Việt Nam đối với tất cả các môn tập rèn luyện sức khỏe là bình đẳng như nhau
Thông thường những kênh truyền thông như HTV7 – một kênh truyền thông chính thống hoạt động dưới sự quản lý và giám sát của Nhà nước Việt Nam – sẽ đưa thông tin theo các chủ trương, chính sách của Việt Nam. Đặc biệt là các thông tin được phát ra từ một cơ quan chính phủ đại diện cho Việt Nam như Bộ Ngoại giao có vai trò giống như kim chỉ nam trong cách đưa tin của các nhà đài. Tuy vậy điều đáng ngạc nhiên là kênh HTV7 có thể tuyên bố ngược lại với những thông tin chính thức mang tính định hướng của Bộ Ngoại giao. HTV7 khẳng định rộng rãi với lượng khán giả khổng lồ đang xem đài trong khung giờ vàng rằng Pháp Luân Công là một “đạo trái phép”, liệu đó có phải là phủ nhận những phát ngôn của ông Lê Dũng và tuyên bố rằng tại Việt Nam đang có tồn tại một tổ chức tôn giáo tên là Pháp Luân Công? Dĩ nhiên, Pháp Luân Công không phải là một tổ chức tôn giáo, song, việc đưa tin hoàn toàn trái ngược với quan điểm Nhà nước này đã khiến cho nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Chị Nguyễn Thiên Hà cũng bày tỏ quan điểm: “Bằng việc tuyên truyền sai sự thật rằng môn khí công Pháp Luân Công là một “đạo”, HTV7 đã dựa vào đó để tiếp tục đưa tin thiếu căn cứ rằng Pháp Luân Công là “trái phép”. Không biết là HTV7 vô ý hay cố ý nhưng đã để lại hậu quả là xúc phạm đến tín ngưỡng của người dân học Pháp Luân Công, từ đó gián tiếp gây ảnh hưởng đến danh dự của những người dân này. HTV7 là một kênh truyền hình có lịch sử phát sóng hơn 40 năm. Đối với bà con miền Nam nói riêng và cả nước nói chung thì HTV7 không chỉ là kênh thông tin tổng hợp bổ ích, mà đã trở thành hình ảnh quen thuộc như thể một người bạn của khán giả yêu truyền hình. Tôi cho rằng HTV7 nên đưa tin cải chính để khôi phục lại hình ảnh kênh thông tin uy tín và thể hiện sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của mình trong mắt khán giả từng theo dõi và ủng hộ kênh này nhiều năm qua”.
Như vậy, HTV7 đã thông tin sai cho khán thính giả về vụ việc tại Cam Lộ, Quảng Trị. Một sự việc nhỏ bé tại một miền quê xa xôi hẻo lánh, song, rất nhanh chóng được HTV7 và một số báo đài khác lập tức khai thác để xuyên tạc và khiến cho khán giả Việt không khỏi có một cái nhìn tiêu cực về Pháp Luân Công, một môn khí công đang được yêu mến và ủng hộ tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng lại bị đàn áp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Người Việt Nam tập Pháp Luân Công cảm thấy khó hiểu với những hành động xuyên tạc này và đặt một dấu hỏi về nhân tố Trung Quốc khi HTV7 thực hiện bản tin trên. Và đây có lẽ là vấn đề cần quan tâm.