Rất nhiều những điều hay ho đẹp đẽ vì người lao động, vì một tương lai tốt đẹp đã được quan chức BHXH đồng thanh nói tới khi ngay ngày 1.1.2016, Luật BHXH mới có hiệu lực. Nào là mức lương hưu sẽ cao hơn. Nào là đảm bảo đời sống khi về già, lúc hết tuổi lao động. Nào là cao hơn đáng kể mức trợ cấp rủi ro, đau ốm, thất nghiệp, thai sản… Nhưng từ phía nhân dân, từ doanh nghiệp (DN) cho đến người lao động, toàn chỉ thấy kêu ca, toàn những điều lo lắng.
Kêu ca khi ngay ngày mai, cái bụng sẽ xẹp hơn, cái gánh sẽ nặng hơn. Lo lắng, khi “Cứ 10 đồng lương, DN phải trả 2,2 đồng BHXH. Cứ 10 đồng lương, người lao động phải móc ra 0,8 đồng cho… tương lai”. Đúng là toàn chỉ thấy nói chuyện tương lai. Trong khi tương lai có tốt hơn không, còn là chuyện ở… thì tương lai.
Và nỗi lo ấy không phải không có lý khi lạm phát cộng dồn trong 30-35 năm (đóng BHXH) không biết chừng sẽ biến 50.000 đồng mua được tô phở hôm nay sau 30 năm chỉ còn mua được bát nước lèo.
Nhớ trong phiên họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về quỹ BHXH, có những chi tiết thật sự khiến những người đang bị buộc phải nhìn tương lai giật mình.
Chẳng hạn trong khi đòi xử lý hình sự người lao động không đóng BHXH thì “chúng ta” đem tiền của họ cho vay, và làm thất thoát, nhưng lại không ai chịu trách nhiệm (lời ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân).
Chẳng hạn chi phí quản lý quỹ đang tăng chóng mặt. Từ 2007-2013, chi phí quản lý tăng gấp 5 lần, từ 815 tỉ đồng lên tới 3.718 tỉ đồng. Riêng năm 2013, chi phí bộ máy quản lý tăng 24%, điều mà một ĐBQH ngay hôm đó, gay gắt “Các đồng chí có định chế riêng hay sao!”. Và không thể không nói tới 1.052 tỉ đồng quỹ BHXH coi như mất trắng khi khoản tiết kiệm cho… tương lai được đem cho vay, được đầu tư y như là… đánh bạc.
Ai cho phép và tại sao lấy tiền của người lao động cho vay, đầu tư? Tại sao chi phí quản lý đẻ theo cấp số nhân? Vậy thì ai chịu trách nhiệm trước những khoản “mất trắng”?
Từ hồi đó, chưa có ai chính thức trả lời cho người lao động cả. Chúng ta không thể an ủi cái gánh nặng mà cả doanh nghiệp và người lao động phải gánh hôm nay bằng một cái bánh vẽ trong tương lai. Hãy chứng minh số tiền đó được quản lý và sử dụng thế nào, những nguy cơ “mất trắng” hay “đổ vỡ” đã được tính toán, lường trước ra sao! Và kể cả vấn đề chịu trách nhiệm nữa.
Chứ không thì lời than “thế này thì chết” không chỉ là chuyện của hôm nay!
Theo Lao Động