Chuyện lương “khủng” của quan chức ở những công ty xổ số kiến thiết (XSKT) các tỉnh tiếp tục được xới lên, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Hôm 7-1, Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm trong chi trả lương tại Công ty TNHH MTV XSKT Tiền Giang, trong đó có nêu từ năm 2012 đến 2014, thu nhập bình quân của công chức, viên chức tại công ty này là 730 triệu đồng/năm, tức là 60,8 triệu đồng/tháng. Mới đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh này có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB-XH khẳng định tiền lương, thu nhập của người lao động và viên chức quản lý của công ty này làm đúng nguyên tắc, đúng quy định!
Nhìn vào thu nhập bình quân tháng nói trên, không ai có thể tin đó là mức bình thường. Đặc biệt, XSKT là ngành “có nhiều lợi thế, ít cạnh tranh, ít rủi ro, lợi nhuận tăng trưởng đều đặn”, tức là mặc nhiên được hưởng những đặc quyền trong kinh doanh rồi (thực ra là độc quyền) thì lãnh đạo các công ty đó có phải nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ gì đâu mà thu nhập cao ngút trời vậy?!
Để “đúng nguyên tắc”, “đúng quy định” thì có gì khó. Vấn đề là các cơ quan phê duyệt quỹ lương có giám sát được việc công ty XSKT áp hệ số lương đúng hay sai, số lượng lao động định biên bị kê khống hay không… Thường thì với những công ty là “gà đẻ trứng vàng” của tỉnh nhà như XSKT thì chẳng mấy địa phương làm gắt gao. Đó là một kẽ hở lớn để các công ty XSKT muốn trả bao nhiêu thì trả, lại hào phóng đài thọ cho quan chức tỉnh nhà đi du lịch nước ngoài.
Hiện trạng ấy làm méo mó mục đích tốt đẹp ban đầu của xổ số là kiến thiết. Khi thu nhập của những lãnh đạo công ty quá cao thì khoản tiền nộp cho ngân sách địa phương sẽ ít đi, tức là ảnh hưởng tới vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho các công trình dân sinh. Tỉnh, thành nào cũng có công ty xổ số, như các tỉnh ĐBSCL, năm nào cũng báo lãi hàng trăm tỉ đồng từ bán vé số nhưng hầu hết đều xin miễn nghĩa vụ nộp ngân sách cho trung ương, điện – đường – trường – trạm thì thiếu trăm bề; học sinh bỏ lớp; nông dân bỏ ruộng… Thế mà lãnh đạo những công ty XSKT vẫn hưởng thu nhập “khủng”, các vị có thấy áy náy không?
Người dân mua vé số là vì ba lẽ chính: cầu may, ích nước – lợi nhà và cảm thương người bán vé số, chứ không phải để góp một phần cho túi tiền của lãnh đạo công ty xổ số đầy thêm. Đội quân bán vé số – lực lượng phân phối chủ lực của hệ thống XSKT toàn quốc hiện nay – hầu hết là người nghèo, thất học, cơ nhỡ, tàn tật, quanh năm dầm mưa dãi nắng song mấy ai khấm khá nhờ bán vé số! Vậy, khi đút túi những khoản lương kếch xù, lãnh đạo các công ty XSKT có thấy bất nhẫn không?
Cũng cần phải nói thêm về những mặt trái của XSKT, trước hết là nạn lô đề – “hang ổ” của nhiều tệ nạn xã hội kéo theo khác – và một bộ mặt xã hội kém văn minh. XSKT có thể tạo ra thu nhập cho người nghèo nhưng đó không phải là việc làm bền vững và càng không thể nói đất nước phồn vinh khi vẫn còn đạo quân bán vé số cực đông, lang thang suốt ngày đêm, đâu đâu cũng gặp.
Những bất cập trên đòi hỏi bàn tay can thiệp của nhà nước để XSKT trở về đúng nghĩa của nó. Muốn triệt tiêu tình trạng bất bình đẳng đã nêu, phải dùng đến những thiết chế pháp lý chặt chẽ chứ đừng trông chờ vào lòng tự trọng của một số cá nhân vì nếu biết áy náy, xấu hổ thì họ đã không ngồi mát ăn bát vàng trên nỗi cơ cực của bao người.
Theo NLĐ