Việt Nam Thời Báo

Xã hội dân sự trẻ nhìn từ sự chuyên nghiệp

Từ câu chuyện “sức mạnh” của mạng xã hội đến chiến dịch cộng đồng, một năm nhìn lại cho thấy: ngược lại với phong trào cộng đồng thế giới, phong trào cộng đồng ở Việt Nam đang đi lên; nhưng cũng đòi hỏi từ đó tính chuyên nghiệp hơn.
Trẻ trung, sôi nổi, hài hước, tọa đàm “Chiến dịch cộng đồng – một năm nhìn lại: Bức xúc không làm ta vô can” do nhóm Hành động vì Sơn Đoòng tổ chức chiều ngày 10.1.2016 không chỉ tạo ra một không gian gần gũi, mà còn “châm lửa” được rất nhiều trái tim bạn trẻ mong muốn được đóng góp tiếng nói của mình như là một quyền lợi lẫn trách nhiệm với cuộc sống xã hội xung quanh mình.

Biến “liên kết yếu” thành “liên kết mạnh”

Được đánh giá là đạt “kết quả trọn vẹn nhất” khi góp phần vào thay đổi quyết định của chính quyền Hà Nội trong vụ chặt cây xanh, Chiến dịch Cứu 6700 cây Hà Nội do bạn trẻ Hoàng Đức Minh khởi xướng trên mạng xã hội là một minh chứng khá điển hình cho sự “thức tỉnh xã hội dân sự ở Việt Nam”. Chia sẻ, Hoàng Đức Minh cho biết, với nhiều nghiên cứu về tác động của mạng xã hội, bạn nhận thấy động tác “lik” và “share” còn như là một sự quy đổi mang giá trị kinh tế, trong đó chắc chắn “share” mang giá trị lan tỏa và có “sức mạnh” hơn rất nhiều so với “like”.

Thiên hương trình bày dự án của nhóm. Ảnh: T.Văn

Giản dị hơn, Lê Nguyễn Thiên Hương, trưởng nhóm #SaveSonDoong với mục phản đối dự án cáp treo vào hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng, dí dỏm: mạng xã hội đã đưa được hơn 200 bạn trẻ đến với tọa đàm này, để cùng hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động xã hội, cách nào để họ trở thành nhân tố tạo nên sự thay đổi cho chính mình và cho xã hội.

Tuy nhiên, tỉnh táo hơn, TS Đặng Hoàng Giang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES – Hà Nội), cho rằng  gần đây nhiều nhà nghiên cứu cũng tỏ ra khá nghi ngờ về khả năng dân chủ hóa của mạng xã hội. Trước đây người ta nghĩ lãng mạn các nhà độc tài sợ người dân sử dụng facebook, nhưng thực ra các nhà độc tài còn dùng nó giỏi hơn người dân. Mạng xã hội ảo trở thành nơi tranh chấp giữa quyền lực và những người không có quyền lực.

Đồng thời, ông Giang cũng cảnh báo “chúng ta phải tránh hết sức ngồi một chỗ like rồi đi ngủ”. Đó chỉ mới là một liên kết yếu, và như vậy nó không thể tạo ra được một sự thay đổi. Thực tế để tạo ra một sự thay đổi rất cần một liên kết mạnh, giữa những con người ngồi lại với nhau, tương tác thực ngoài đời.

Hoạt động xã hội cần chuyên nghiệp

Có thể nói, năm 2015 là một năm chứng kiến sự ra đời và phát triển của hàng loạt các chiến dịch xã hội, như #SaveSonDoong, 6700 người vì 6700 cây xanh, Trả lại đường lên Bà Nà, Todocabi (Tớ đố cậu biết), Bảo vệ Tê Giác, Bảo vệ sông Đồng Nai, Cứu biển Nha Trang,… Tuy nhiên, TS. Nguyễn Phương Mai, giảng viên ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan) cho rằng, các phong trào cộng đồng ở Việt Nam chỉ mới dừng lại là trào lưu, chưa trở thành nếp sống, thái độ sống nhất định trong xã hội. Điều này là một điểm rất khác biệt so với các phong trào cộng đồng trên thế giới: có tác động đến mọi tầng lớp cộng đồng trong xã hội.

Đông đảo bạn trẻ tham dự tọa đàm. Ảnh: T.Văn
Tuy nhiên, nếu như hiện nay các phong trào cộng đồng trên thế giới đang đi xuống – khi mà sau sự phát triển lớn mạnh của nó từ những năm 1960 với sự ra đời đầu tiên ở Mỹ, hơn 86% thanh niên bắt đầu thấy rằng làm giàu mới là việc quan trọng nhất – thì ở Việt Nam, phong trào cộng đồng đang lớn mạnh hơn mỗi ngày. Và điều dễ nhận thấy nhất ở các phong trào cộng đồng ở Việt Nam  là sức trẻ: chất liệu trẻ, khuôn mặt trẻ, trái tim trẻ, được thể hiện qua hàng loạt phong trào từ bảo vệ môi trường, động vật hoang dã cho đến quyền được lắng nghe của người trẻ…

“Mạng xã hội đang lớn mạnh không ngừng và nó như là một xã hội dân sự, những cái tưởng là ảo nhưng không ảo. Đây là một điều đáng mừng ở Việt Nam. Nhưng có một yếu tố khác, khi các phong trào cộng đồng trên thế giới tìm đến các giải pháp kinh tế và chính trị thì ở Việt Nam, hai “giải pháp” này vẫn còn xa lạ và còn bị “từ chối” ở các phong trào cộng đồng của Việt Nam”, bà Mai nói thêm. Theo bà  Mai, chiến dịch cộng đồng sẽ khó bền vững về lâu dài nếu thiếu đi hai yếu tố này.

Cũng nói về tính chuyên nghiệp, ông Giang chia sẻ: vấn đề lớn nhất của người làm xã hội là thuyết phục được đám đông. Vì vậy hoạt động xã hội ngày sẽ càng đòi hỏi hơn một sự bức xúc chuyên nghiệp, tức không nên bức xúc quá nhiều mà cần học nhiều hơn về “kĩ thuật”  từ quản lý, tổ chức, làm việc xã hội, đánh giá rủi ro,…

Điều đó cũng có nghĩa là, theo những vị khách mời của tọa đàm, những người trẻ thay vì tiêu cực thì chúng ta thêm vào những điều tích cực; đừng bắt chước ai, phải rèn luyện tinh thần phản biện, luôn đặt câu hỏi nghi ngờ về mọi việc và đi tìm câu trả lời;… Và chắc chắn rằng, mỗi người luôn cần những đốm lửa dù yếu ớt, bởi sự im lặng là sự tạo nên đám đông im lặng, bạc nhược trước những bất công, đáng sợ vẫn còn trong xã hội…


Ý kiến cho rằng lựa chọn hay quyết định của số đông chưa hẳn đã đúng, vậy quyền lực thực sự thuộc về ai?
TS Đặng Hoàng Giang: chuyên chế đám đông có cái nguy hiểm là nó tước mất quyền của những người thiểu số. Có nghĩa là, nhiều khi đám đông lấy ý kiến, lợi ích của họ để họ đàn áp, tước đi những quyền lợi của thiểu số.

Nguy hiểm thứ hai liên quan trực tiếp đến chúng ta hiện nay: liệu quyết định của đám đông về xã hội hay quốc gia lúc nào cũng đúng? Bây giờ mà đặt câu hỏi, thì đa số đều muốn rằng có xe hơi, giàu có, đi du lịch thật nhiều, mà không ai quan tâm đến chuyện trái đất nóng lên, CO2 thải nhiều. Như vậy chính phủ có nên đi theo điều đó bằng mọi cách hay không? Đấy là một câu hỏi khó.

Nói thể để nói rằng, dân chủ rất khó thực hiện, nhưng về cơ bản: những ý kiến khác nhau được quyền lên tiếng. Có những diễn đàn để mà thuyết phục người khác, đi theo hướng của mình, và chúng ta phải có những chứng cứ, số liệu thống kê cụ thể, thuyết phục, để khẳng định những quyết định nào đó là sai và phải điều chỉnh nó. Phương Tây họ cũng làm nhiều điều sai trong mấy trăm năm phát triển, họ cũng tàn phá rất nhiều, và họ cố gắng điều chỉnh. Và chúng ta cũng sẽ mắc nhiều sai lầm, nhưng tôi nghĩ, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt sẽ là cái cơ bản để chúng ta đạt được sự thông tuệ hơn trong ngôn luận.

TS Nguyễn Phương Mai: Tôi muốn chia sẻ ý kiến của một người được giải Nobel, là chúng ta dựa trên những giá trị nhân văn, lấy những giá trị nhân văn làm tiêu chí quyết định xem vấn đề gì chúng ta cần phải giải quyết và giải quyết thế nào.

Sẽ không phải là sự chuyên chế độc đoán của số đông, vì đó là mặt trái của dân chủ. Chúng ta biết dân chủ cũng không phải là chế độ tuyệt vời nhất, nó cũng chỉ là một trong những lựa chọn mà chúng ta đang có mà thôi.

Chúng ta thường nói là đầy đủ ăn mặc đã rồi hẵng nói về dân chủ. Tất cả những sự phát triển về mặt kinh tế, dân chủ, văn hóa phải đi liền với nhau. Không phải là cái này có trước cái kia có sau. Không phải đủ ăn đủ mặc mới lo tới vấn đề khác.

Lê Nguyễn Thiên Hương, trưởng nhóm #SaveSonDoong :

Thức tỉnh trách nhiệm mỗi cá nhân

Một số người bạn nước ngoài nói với tôi về hang Sơn Đoòng, khiến tôi giật mình nghĩ: có một nơi kỳ diệu như vậy ở Việt Nam mà mình không biết. Tôi dành tiền, tập thể dục ròng rã ba năm trời để đi Sơn Đoòng. Đi rồi mới nhận ra, giá trị lớn nhất của Sơn Đoòng là không chỉ là hang động lớn nhất thế giới mà là tính nguyên sinh của nó. Hàng triệu năm tuổi hình thành mà chỉ mới được phát hiện hơn năm năm nay. Giá trị đó sẽ bị ảnh hưởng nếu làm du lịch đại trà, kiểu ăn xổi.  Lúc bắt đầu chiến dịch, tôi gửi thư cho nhiều cơ quan hữu quan từ Trung ương tới địa phương, cho UNESCO… Tôi nhận ra thư mình viết, mình mình đọc, thành ra nếu không có tiếng nói của cộng đồng thì không ai quan tâm đến hết.

Lê Nguyễn Thiên Hương

Tuy nhiên, bức xúc trước một vấn đề là một chuyện. Thực tế, rất nhiều người viết trên facobook đầy bức xúc: người Việt không dừng đèn đỏ, không có văn hóa xếp hàng. Tuy nhiên bức xúc đó không khiến cho bạn không phải là người Việt. Thành ra, từ giận dữ đó phải biến thành hành động, và tôi đặt ra hai mức trách nhiệm: bạn phải làm đúng, trái với điều người ta đang làm sai; bước thứ hai là không phải chỉ mỗi mình làm đúng, mà phải tìm cách lan tỏa điều đúng đó ra cộng đồng mình sống.

Trách nhiệm với cộng đồng, tôi nghĩ, rất nhiều bạn trẻ có ý thức tự thân, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Hiện khi có những mô hình khởi xướng, hi vọng họ sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân. Từ đó họ sẽ làm tốt hơn.
T.Văn ghi


Theo Người đô thị

Tin bài liên quan:

Dân bắt đầu làn sóng ‘cạnh tranh’ quyền ứng cử với đảng viên?

Phan Thanh Hung

APF 2015: Cơ hội cho các Tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam

Phan Thanh Hung

(VNTB)-Vì sao Đảng Cộng sản luôn sợ sệt Xã hội dân sự? (Bài 2)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.