Lữ Hành Gia (VNTB) Đại hội 12 của Đảng sắp diễn ra, càng lúc càng khiến những người quan tâm rất nôn nao vì cuối cùng nó cũng đã đến.Vậy mới biết rằng chính trị tại Việt Nam là một lĩnh vực rất bí ẩn đặc biệt là càng lên trên cao thì càng bí ẩn và điều này cũng không lạ lẫm gì điều nếu nhìn dưới con mắt tri thức thì trên thực tế nhân dân ta đã quen với điều này hàng ngàn năm nay tức là Việt Nam vẫn quen với đường lối chính trị tập trung, tức là mọi quyết định quan trọng tối cao đều dồn tụ tại một chóp đỉnh duy nhất của khối quyền lực chứ chưa san sẻ sang những các góc cạnh khác cũng tương tự như thời phong kiến thì có vương quyền nắm giữ quyền lực, xuống hơn nữa thì việc làng là có lý trưởng hương hào quản lĩnh, còn nếu là về gia đình thì có việc chú việc bác còn hàng con cháu thì không thể can dự vào.
Dường như chính trị tại Việt Nam từ xưa đến nay là như vậy, thế nên Đại hội Đảng sẽ bầu ra những nhân sự nằm ở những chóp đỉnh thì tố chất, bản lĩnh, tư cách và tầm nhìn của những người ở đó là một yếu tố tối quan trọng, lấy một ví dụ như một người nào đó muốn than phiền về tập thể là vô ích bởi vì cả một bộ máy là rất nhiều người không thể quy trách nhiệm hết tất cả được vì đó là một tập thể mà thật ra quy trách nhiệm về tập thể là một chuyện dễ đi đến huề cả làng vì trách nhiệm sẽ san sẻ đều với nhau thì họ có khi vẫn dửng dưng trước sự than phiền của người đó vậy thì thay vào đó thì người ấy chỉ cần chất vấn những người đứng đầu bộ máy, bởi vì đó là chóp đỉnh quyền lực mà cũng nơi ấy sẽ thể hiện ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt của cả một tập thể, mà điều này thì không lạ ở nước ta khi mà quyền lực lãnh đạo vẫn còn tụ lại ở một cực như từ xưa đến nay đã trải qua và suy rộng ra hơn nữa thì chẳng những có tầm ảnh hưởng đến bộ máy mà còn sẽ có ảnh hưởng lớn lao đến đất nước và nhân dân.
Những ngày vừa qua lại có nhiều tin tức rằng qua kỳ Đại hội này thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được bầu làm Tổng bí thư của Đảng nhưng thiết nghĩ rằng có lẽ cũng chẳng cần phải quá quan trọng hóa thông tin này bởi vì thật ra vấn đề nằm ở chỗ đây là một khối dư luận được tạo nên bởi sự tò mò của xã hội cũng tương tự như sau hội nghị trung ương 14 thì lại có một số thông tin về việc ông Dũng đã không có cơ hội quay lại ở nhiệm kỳ mới vậy và lúc này hai khối dư luận này tồn tại song song với nhau tức là biểu hiện rằng nó là 50/50 mà chưa có gì chắc chắn xác thực cũng giống như là việc trông chờ vào một vị lãnh đạo nào nhất định thì điều đó cũng rất mong manh bởi vì họ có thể có hoặc sẽ không có mặt ở nhiệm kỳ sau mà thay vào đó nên hy vọng rằng bất cứ vị nào cũng có thể được nếu như tầm nhìn, tố chất, khả năng của họ khi ở chóp đỉnh quyền lực đó phải mang đến thúc đẩy rõ rệt.
Thiết nghĩ rằng từ khoảng năm 2006 đến nay Việt Nam có sự chuyển biến lớn mà song hành theo đó là những sự kiện hội nhập vào quốc tế, vì như từ năm 2007 thì Việt Nam đã được gia nhập WTO và 9 năm sau lại có một sự kiện quan trọng về hội nhập đó là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và liền theo đó là việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN mà thực chất có thể thấy rằng tự thân Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi những yêu cầu khi tham gia sân chơi quốc tế, chính những yêu cầu đó tạo điều kiện cho việc Nhà nước buộc phải cải cách sâu rộng từ kinh tế đến chính trị
Ví dụ như về Công đoàn và xã hội dân sự nói chung thì trước nay tất cả là thuộc quyền quản hạt của nhà nước mà nó phục vụ cho lợi ích nhà nước nếu quy chiếu theo đặc trưng về chính trị tại Việt Nam hiện nay nhưng áp lực từ các điều khoản của Hiệp định TPP cũng như các thỏa thuận quốc tế khác thì đòi hỏi phải có một Công đoàn thật sự chỉ phục vụ cho tính xã hội của người lao động mà giảm thiểu(hoặc không bị ảnh hưởng) từ các yếu tố chính trị nhà nước và cả những tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp khác từ các lĩnh vực như báo chí truyền thông, văn hóa nghệ thuật, kinh tế kỹ thuật cũng phải được hiện thực hóa bằng luật pháp tức là đảm bảo những quyền về lập hội phải được giải quyết như vậy thì khi những thiết chế xã hội dân sự thuộc về tính xã hội được đảm bảo thì mới là cơ sở cho việc nảy mầm những quyền tự do khác, tức là có thể thấy rằng những yêu cầu về hội nhập sẽ khiến cho xã hội Việt Nam vận hành được tự do linh hoạt hơn và giảm tính lợi ích của nhà nước hay nói cách khác nhà nước chỉ có thể là trọng tài chứ không thể là mãi chủ trì phần lớn các yếu tố, nhu cầu trong xã hội nữa.
Hoặc như vấn đề về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp thì phải nghiêm túc và chơi đúng luật đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư bởi vì những quốc gia trong Hiệp định đặc biệt là những nước phát triển thì họ rất quan trọng sở hữu tư khi bàn về hợp tác kinh tế nhất là những quốc gia có mức độ tự do hóa kinh tế tư bản tư nhân cao như Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ là những nền kinh tế lớn và sau này sẽ là đối tác quan trọng của Việt Nam cũng như là trong Hiệp định và có thể thấy những thương hiệu lớn về thực phẩm như McDonald, Kentucky ,Lotteria hoặc là về bán lẻ như Walmart đều là về tư nhân ….thế nên phải để những doanh nghiệp tư nhân nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có đất sống và doanh nghiệp nhà nước trong sự cạnh tranh với doanh nghiệp tư sẽ phải tuân thủ những quy luật thị trường tức là mỗi bên phải có trách nhiệm bởi khả năng làm ăn có lãi hoặc thua lỗ phá sản và đến ngay cả doanh nghiệp nhà nước vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa cho các thành phần khác tham gia vào việc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, tức là phải tiến hành tư nhân hóa một chút cho khu vực sở hữu khác được tham dự.
Hơn nữa là tại chương 26 của toàn văn Hiệp định TPP về sự minh bạch và chống tham nhũng có những điều khoản rất rõ ràng về các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường liêm chính trong công chức và đặc biệt là điều 26.10 về sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội có nói đến việc tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội tham gia chống tham nhũng nhất là các vấn đề làm ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư quốc tế, vậy thì một lần nữa lại nhấn mạnh đến vấn đề xã hội dân sự.
Tất cả những cái nêu trên đều nhằm chỉ ra rằng trong quá trình hội nhập vào các thiết chế, sân chơi quốc tế không chỉ riêng TPP mà tất cả đều tồn tại những ý nghĩa mà nó làm điều kiện để xã hội nước ta cải thiện và chấn chỉnh lại khu vực công mà khuyến khích những yếu tố tư nhân trong xã hội để sao cho đạt được sự cân bằng giữa lợi ích nhà nước và lợi ích xã hội, vậy nên sự đi lên của Việt Nam là quá trình mà xã hội được tự do vận hành mà nhà nước chỉ có nhiệm vụ duy nhất là làm trọng tài bằng quy định pháp luật chứ không thể can thiệp vào mọi chi tiết mà vẫn phải để cho xã hội có sự tự chủ của nó.
Thế nên hy vọng đối với vấn đề nhân sự Đại hội chính là có thể có những nhân vật làm cho sự hội nhập của Việt Nam thêm sâu đậm để luôn luôn đặt nước ta trong tình thế giải quyết những vấn đề về kinh tế – chính trị – xã hội để được “nhập hội” với thế giới và chỉ những nhân vật này mới đủ tầm vóc lãnh đạo đất nước trong thời gian sắp tới nếu dùng khía cạnh hội nhập quốc tế làm tiêu chuẩn quy chiếu. Sau cùng là tất cả mọi người nên cố gắng có một chút để tâm về những triển vọng thật sự có thể đến với Việt Nam về mọi mặt trong tương quan với sự kiện nhân sự Đại hội Đảng này chứ không thể cứ ngồi bàn tán mãi về vấn đề nội bộ trong chính trị Việt Nam mà không có những yêu cầu, kỳ vọng đối với nó hoặc là buông xuôi cho rằng “mèo vẫn hoàn mèo” hoặc là “ai lên rồi cũng thế cả thôi”.