Tháng 10/2012 là lúc Thủ tướng Nguễn Tấn Dũng có nguy cơ bị phe đảng kỷ luật nhưng vẫn vượt qua ngoạn mục với hơn 70% ủy viên trung ương không tán thành kỷ luật ông. Nhưng ở vào thời điểm đó, khó ai có thể hình dung vị thế chính trị của ông Dũng lại nguy hiểm như hiện nay.
Related news:
Ngay vào ngày khai mạc đại hội 12 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, hãng tin Pháp AFP còn nhận định “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chết lâm sàng”.
Sau Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012, ông Dũng đã có bước tiến thần kỳ trên con đường chinh phục chức vụ tổng bí thư. Tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, nhiều nguồn tin cho biết ông Dũng đã chiếm được vị trí cao nhất trong cuộc thăm dò “tín nhiệm” trong Ban chấp hành trung ương, trong khi ông Nguyễn Phú Trọng – được coi là đối thủ chính hiện thời của ông Dũng – chỉ đứng thứ 8.
Nhưng có lẽ dó là tất cả những gì mà ông Dũng đạt được. Sau hàng loạt cuộc “luân chuyển cán bộ” do “kiến trúc sư” Tô Huy Rứa thực hiện từ sau Hội nghị trung ương 10 đến gần tận quý 3 năm 2015, có dấu hiệu cho thấy phía Thủ tướng Dũng mất đến ít nhất 50 người, do vậy đã làm giảm hẳn tỷ lệ ủy viên trung ương ủng hộ ông Dũng.
Sau Hội nghị trung ương 13 vào tháng 10/2015, ngược chiều với một luồng thông tin vẫn ra sức cổ vũ ông Dũng và cho rằng ông vẫn nắm đến 80-90% cơ hội trở thành tổng bí thư, một dư luận khác lại đánh giá thực ra Thủ tướng Dũng chỉ còn khoảng 20-30% cơ hội.
Sau Hội nghị trung ương 14 vào tháng 12/2015, dư luận ủng hộ ông Dũng đã trở về vị trí 50/50 cơ hội cho ông. Trong khi đó, cơ hội thực tế của ông Dũng đột ngột lao dốc dưới mốc 10%.
Vào những ngày diễn ra đại hội 12, có dư luận cho rằng cơ hội dành cho ông Dũng chỉ còn vài phần trăm.
Tuy nhiên, những ủng hộ viên của ông Dũng, vốn vượt hẳn về số lượng so với số ủy hộ viên của ông Sang và ông Trọng, vẫn còn nước còn tát. Thậm chí có tác giả còn đề nghị xem lại việc ông Dũng đã là… phật tử, có nhiều công đức với phật pháp…
Tuy nhiên, bài toán cuối cùng là phiếu bầu. Nhưng muốn thay đổi thái độ đối với phiếu bầu, giới viết lách lại cần tác động trực tiếp vào não trạng hơn 1,500 đại biểu và sau đó là 200 ủy viên trung ương dự đại hội 12. Song khả năng này lại đang bị bó hẹp đáng kể. Ngay từ khi đại hội 12 khai mạc, tất cả điện thoại của đại biểu đã bị thu giữ. Điều đó cũng có nghĩa là trừ những đại biểu thuộc dạng “đặc biệt”, tuyệt đại đa số còn lại đều không thể “lướt web”. Do vậy, cánh blogger của ông Dũng có viết bao nhiêu vào thời gian này thì hiệu ứng cũng chỉ rất thấp.
Khả năng bầu bán gần nhất là ngày 26/1 – bầu Ban chấp hành trung ương mới. Chẳng cần phải chờ đến ngày 27/1 bầu tổng bí thư, chỉ cần biết ông Nguyễn Tấn Dũng có tên trong danh sách ban chấp hành mới hay không thì sẽ biết ngay số phận ông ra sao.
Nếu có tên, phía trước ông Dũng sẽ là bầu trời rộng mở. Ông sẽ lao thẳng đến cuộc chiến đấu cuối cùng.
Còn nếu không có tên, định mệnh chính trị của ông đã an bài. Hậu vận ông sẽ lao về đâu?
Lê Dung / SBTN