Cuộc chiến “Hai hoa hồng” thời Trung cổ – giữa phe đảng và phe chính phủ ở Việt Nam, kéo dài từ những năm 2010-2011 cho đến nay, đã chính thức chấm dứt.
Hình Internet
Nhìn vào dàn nhân sự mới của Bộ chính trị Việt Nam, có thể cho rằng giờ đây đã không còn khái niệm phe đảng và phe chính phủ nữa. Cũng không còn những cái tên thủ lĩnh cá nhân của từng phe như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn sang hay Nguyễn Phú Trọng.
Giờ đây, chỉ còn duy nhất cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Loại được Nguyễn Tấn Dũng là một thành công quá lớn của cá nhân ông Trọng, cho dù vì thế mà cả các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Tô Huy Rứa đều phải kéo nhau nghỉ. Tất cả quyền lực giờ đây hầu như tập trung vào Nguyễn Phú Trọng.
Có thể không quá để cho rằng từ thời tổng bí thư Nông Đức Mạnh, chưa bao giờ quyền lực lại “rất tập trung” vào tay một tổng bí thư như ông Trọng. Bên cạnh ông hiện thời là những người tương đồng đối gần gũi như Trần Đại Quang, Ngô Xuân Lịch và có thể cả Tô Lâm – người được hứa hẹn sẽ giữ chức bộ trưởng công an.
Ban bí thư và các ban đảng cũng được tăng cường mạnh mẽ hơn. Vương Đình Huệ rốt cuộc đã vào được Bộ chính trị. Phạm Bình Minh cũng thế. Số lượng ủy viên bộ chính trị cũng vì thế tăng lên tới 19 nhân vật, gấp gần 3 lần Bộ chính trị của Trung cộng, cho dù lãnh thổ Việt Nam chỉ bằng 1/30 lần Trung Hoa và dân số bằng 1/15.
Đông nhưng không tinh là bức tranh có thể nhận ra rõ rệt ở Bộ chính trị mới của đảng cầm quyền. Mặc dù quân số được tăng cường, nhưng không có bất cứ một khuôn mặt nào khả dĩ mới hơn, sáng tạo hơn. Tất cả vẫn là những khuôn mặt cũ.
Bức tranh trên đã khiến nhiều người trong giới trí thức và giới cán bộ về hưu ở Việt Nam chán ngấy. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người, cho dù không thể đồng thuận với một Nguyễn Tấn Dũng quá nhiều tai tiếng, nhưng sau này lại dồn tình cảm cho ông ta. Đơn giản là người ta đã quá chán Nguyễn Phú Trọng.
Vậy ông Trọng sẽ làm gì để chuyển biến tình thế? Hay vẫn ôm chặt pho kinh viện Mác Lê của ông cùng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Khó mà biết được.
Một vài trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy dường như bộc lộ đôi chút hy vọng vào Nguyễn Phú Trọng về một số thay đổi, dù không lớn. Vài người khác hy vọng ông Trọng sẽ “lặng lẽ làm cách mạng”.
Quả thật, chưa có gì chắc chắn cho thấy ông Trọng sẽ thay đổi. Nhưng với vài việc ông đã làm vào năm 2015 như chuyến công du đặc biệt đến Mỹ và chấp nhận định chế Công đoàn độc lập, sự đổi thay của ông có vẻ là một ẩn số so với nhiều nhân vật khác hầu như đã rõ là chưa làm gì cả.
Nhưng làm gì thì làm, trước mắt của Bộ chính trị Việt Nam là triển vọng rất gần của cuộc khủng hoảng kinh tế và ngân sách. Hãy chờ xem họ giải quyết bài toán đó như thế nào.
Lê Dung (SBTN)