Đổi 1 triệu đồng tiền thật được 5 triệu đồng tiền giả, cam đoan giống 98%, mua hai tặng một, mua ba tặng hai… Dịch vụ rao đổi tiền giả đang hoành hành.
Đó là lời quảng cáo mà các đối tượng kinh doanh tiền giả rao tràn lan trên mạng xã hội vào những ngày cuối năm.
Công khai?
Chỉ cần gõ từ khóa “tiền giả” trên các mạng xã hội, người dùng sẽ tìm thấy hàng loạt tài khoản cá nhân, nhóm, fanpage với những mức giá giao dịch tiền giả khác nhau.
Một tài khoản Facebook tên Kiệt Nguyễn đăng tải nhiều hình ảnh tiền polymer ở chế độ công khai: “1 triệu tiền thật đổi 4 triệu tiền giả. Bạn nào muốn kiếm tiền xài tết, mua xe, xây nhà, chăm lo gia đình thì về đội mình. Không phải đi làm nhiều, chỉ việc ăn rồi xài thôi” (?).
Tài khoản tên Ông Chủ Buôn với thông tin cá nhân ở Gia Lâm, Hà Nội đưa ra mức giá: “2 triệu tiền thật đổi 10 triệu tiền giả. Có đủ mệnh giá từ 10.000 đồng đến 500.000 đồng. Kín đáo, không lừa đảo”.
Fanpage “Mua bán tiền giả huy tính” cũng có lời quảng cáo tương tự. Tuy nhiên, trang này nhấn mạnh “mua 2 tặng 1”. Trong một bài đăng khác trên trang này, chủ trang bổ sung thêm: “Mua 2 tặng 2, mua 3 tặng 2. Giống 98% bạn yên tâm”.
Một nhóm kín “Mua bán tiền giả (98%) – Uy tín” hiện đã có gần 500 thành viên.
Anh Tuấn Hùng (Q.9, TP.HCM) hoang mang: “Không hiểu sao tiền giả bán tràn lan và công khai như vậy?”.
Nhận tiền thật rồi mất tăm
Liên lạc với số điện thoại được cung cấp trên một tài khoản cá nhân, chúng tôi nhận được câu trả lời từ người đàn ông tự nhận mình đã giao dịch thành công hàng trăm vụ: “Tiền giả giống tiền thật đến mức chỉ có máy quét mới phát hiện. Tin thì mua, không tin thì thôi, khỏi tốn thời gian đôi bên”.
Người này cho biết có hai cách để mua tiền giả là chuyển khoản toàn bộ số tiền (nếu tin tưởng) hoặc chuyển một phần, sau khi nhận được tiền giả thì trả số còn lại. Đặc biệt, dịch vụ mua bán tiền giả còn giao hàng tận nơi, miễn phí trong một vài khu vực nội thành.
Người này còn cho hay: “Nếu sợ thì đừng xài nhiều tiền một lần, chia nhỏ và xài ở vùng quê sẽ không ai phát hiện”.
Theo nội dung tin nhắn giao dịch giữa chủ tài khoản ngân hàng Techcombank chi nhánh quận 1 (TP.HCM) tên Đặng Văn Đậm với người mua tiền giả, sau khi chuyển tiền, đối tượng Đậm cho biết đã gửi tiền bằng xe Phương Trang.
Tuy nhiên, nhiều ngày sau người này vẫn không nhận được, khi liên hệ với Đậm thì điện thoại đối tượng này liên tục bận hoặc khóa máy.
Nhiều trường hợp tương tự cũng được các “khách hàng” từng bị lừa khi giao dịch đăng tải lên các fanpage kèm theo hình ảnh minh chứng.
Quy định mới xử lý nghiêm khắc hơn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho biết:
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 nêu rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước ta. Điều 23 luật này cũng liệt kê các hành vi bị cấm gồm làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả…
Tại điều 27 nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định mức phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.
Về mặt hình sự, điều 180 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-12 năm.
Trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã cụ thể hóa điều 180 của Bộ luật hình sự.
Đối với người nhiều lần làm, tàng trữ, vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự.
Điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2016) quy định mức xử phạt về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo hướng rất nghiêm khắc.
Cụ thể: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm; trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm; trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đặc biệt, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về mua bán tiền giả
“Hành vi sản xuất, vận chuyển, lưu hành tiền giả… là vi phạm pháp luật, phá rối an ninh tiền tệ và có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc”- đó là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánhTP.HCM.
“Sau khi có thông tin trên chúng tôi đã thông tin cho cơ quan công an, quản lý thị trường để vào cuộc điều tra đồng thời cảnh báo người dân”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Tuy nhiên theo ông Minh, phản hồi từ cơ quan chức năng cho thấy nhiều khả năng đây là hành vi lừa đảo do các đối tượng quảng cáo đổi tiền giả không giao dịch trực tiếp mà thông qua thẻ cào và rất khó liên lạc với đối tượng.
Trong trường hợp nếu việc mua bán tiền giả là có thật thì rủi ro cũng rất lớn cho người mua do hình phạt rất nặng.
“Dù rơi vào trường hợp lừa đảo hay là có mua bán thật thì cũng hết sức rủi ro, do vậy người dân cần cẩn trọng”, ông Minh cảnh báo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ trưa 26-1, lãnh đạo Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục 2) Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã thông tin cho phía cơ quan công an để tiến hành điều tra việc này.
Ánh Hồng
|
Mạnh Khang