Việt Nam Thời Báo

Dự án nghệ thuật đóng cửa vì ‘bị thắt chặt’

BBC

Image copyrightSan Art
Image captionSàn Art là nơi tập trung các nghệ sĩ trong và ngoài nước, với các chương trình giáo dục kết hợp với trường đại học
Sàn Art – một trong những tổ chức nghệ thuật nổi tiếng nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh – thông báo ‘tạm ngừng hoạt động’ chương trình quan trọng và kéo dài nhất của họ.
Dự án ‘Phòng thí nghiệm Sàn Art’ mở từ năm 2012, tuyên bố ngừng hoạt động với lý do ‘chính quyền thắt chặt chính sách quản lý” và “ba triển lãm đã không được cấp phép và 1 buổi nghệ sĩ nói chuyện gần đây được Công An Văn Hoá cảnh báo không được tổ chức do khán giả có người nước ngoài”.
Bà Nguyễn Bích Trà, quản lý Sàn Art cho BBC biết ba triển lãm “Nghệ sĩ lưu trú”, “Xin chào chàng trai trẻ” và “Bóng đước đổ sương” đã được lập kế hoạch diễn ra từ 2015, nộp hồ sơ xin giấy phép tại Sở văn hóa – Thể thao – Du lịch và không được cấp phép.
Bà Trà cho biết sở đưa ra lý do là “không có hướng dẫn để duyệt nghệ thuật trình diễn”, hoặc “đây không phải tác phẩm nghệ thuật”.
Với triển lãm “Xin chào chàng trai trẻ”, bà Bích Trà cho biết nhận được trả lời là “vị trí tổ chức triển lãm không hội đủ quy định về vị trí tổ chức triển lãm”. Bà không được hướng dẫn về vị trí tổ chức nào là phù hợp.
Và triển lãm thứ ba cũng được từ chối với lý do tương tự, nhưng trước đây Sàn Art đã nộp hồ sơ cho ba triển lãm tương tự và đã được cấp phép tại cùng địa điểm này, bà Trà cho biết.
Image copyrightSan Art
Image captionMột chương trình của Sàn Art tại Đại học Hoa Sen tại Thành phố Hồ Chí Minh
Buổi nói chuyện của nghệ sĩ Lena Bùi về quá trình nghiên cứu sáng tác tại Nepal cũng được thông báo không diễn ra.
Bà Bích Trà giải thích: “Mình được hướng dẫn sẽ không cần xin giấy phép. Nghệ sĩ người nước ngoài thì cần xin giấy phép và Sàn Art luôn xin giấy phép. Nhưng Lena Bùi là người Việt Nam, nên Sàn Art không xin giấy phép thì người cảnh báo là anh công an văn hóa đã làm việc với Sàn Art thời gian gần đây. Anh cảnh báo là trong đối tượng khán giả có người nước ngoài thì cũng phải xin phép, và nói không nên tổ chức .”
Bà Zoe Butt, Giám tuyển nghệ thuật của Sàn Art cho biết: “Trước đây chúng tôi chưa bao giờ phải xin giấy phép cho các buổi nói chuyện của nghệ sĩ Việt Nam cả”.
“Anh [công an] có điện thoại nói là nếu muốn làm thì cứ làm mà hễ có gì thì ảnh vô anh làm liền” – Bà Trà cho biết và coi như đó là nguyên nhân họ không thể tổ chức buổi nói chuyện.
“Chương trình San Art Laboratory” thực ra là một chương trình nghệ thuật kết hợp sáng tác do Sàn Art tổ chức từ năm 2012.
Nghệ sĩ trẻ nộp đơn, khi được tham dự sẽ được cấp chỗ ăn ở, nơi sáng tác, làm việc trong vòng sáu tháng.
“Công việc sẽ song song với việc nói chuyện, nói với các nghệ sĩ khác nhau, nói chuyện với người cộng tác, và nghệ sĩ có hai lần nói chuyện với công chúng về quá trình sáng tác.”
“Chương trình dựa trên phần trao đổi rất lớn. Nếu việc tổ chức các buổi nói chuyện đó quá khó khăn, đến nỗi là có người nước ngoài tham dự cũng phải xin phép thì điều đó không giúp ích gì cho nghệ sĩ.” – Bà Trà giải thích lý do họ công bố ngừng chương trình.
Các nghệ sĩ của Sàn Art từng bị cáo buộc “tụ tập trái phép” khi họ tổ chức một buổi thảo luận nhóm tại nhà riêng.
Bà Zoe Butt nói: “Việc kiểm duyệt với Sàn Art cực kỳ nặng nề từ tháng 10/2015”
Sàn Art là tổ chức nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh, do họa sĩ Dinh Q Le đồng sáng lập từ 2007. Đây là nơi tập trung các nghệ sĩ trẻ trong nhiều lĩnh vực, với nhiều triển lãm, dự án nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật cho công chúng nghệ thuật và sinh viên.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.