Việt Nam Thời Báo

VNTB- Làm sao để vi phạm chế độ một vợ một chồng?

Nguyễn Cao


(VNTB) – Trên thực tế, hoàn toàn không dễ để có thể “vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo cách hiểu của luật pháp Việt Nam.
Trang fb của Văn phòng Chính phủ vào chiều ngày 1-3 có đăng bài khuyến cáo rằng từ ngày 01-07-2016, nếu vi phạm chế độ một vợ một chồng dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 01 năm. Căn cứ pháp lý: Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01-7-2016.
Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 có nội dung: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Chung sống như vợ chồng được hiểu như thế nào?
Điểm 3.1 khoản 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn như sau: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…
Như vậy những trường hợp ngoại tình ngoài phạm vi nêu trên sẽ không bị xử phạt.
Trước hết, nói về điều kiện “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, ở góc độ pháp lý, trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là ngoại tình, bắt tại trận nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được vì họ không có con chung, tài sản cũng không, cơ quan, láng giềng ai cũng biết đó chỉ là chuyện bồ bịch. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự?
Có một đề tài về ngoại tình được nghiên cứu sinh Nguyễn Khánh Linh cùng giáo sư Jack Dash Harris thực hiện. Theo nghiên cứu này, ở phương Tây chỉ có 3 khái niệm cho các mối quan hệ ngoài vợ chồng là: Nhân tình, qua đường, gái điếm. Trong khi đó, ở Việt Nam có đến ít nhất 8 nhóm khác nhau như vợ nhỏ, em út, tình nhân cho đến các dạng “ăn bánh trả tiền” từ rẻ tiền đến cao cấp và cả thể loại tình yêu không tình dục nơi công sở. Những kiểu quan hệ ngoài vợ chồng này thường được đội cái mũ chung là “hành vi mua dâm” – một cách để vui bạn bè, kết thân các nhóm nam, thậm chí đơn giản chỉ là khẳng định nam tính. Thế nên, theo hai nhà nghiên cứu, chuyện ngoại tình rất phổ biến ở Việt Nam, “phổ biến đến mức khiến đa số người nghĩ đó là chuyện có thể chấp nhận”. Nhưng tất nhiên, chỉ với đàn ông mà thôi vì phụ nữ Việt vẫn bị thuyết tam tòng, tứ đức đè nặng.

Một khi “hậu quả nghiêm trọng” vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp
Theo luật, nếu việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều đáng nói là hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu theo cách vật chất như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát… Nhưng về thực chất, đó đâu phải là cách hiểu đầy đủ nhất về “hậu quả nghiêm trọng” do hành vi ngoại tình gây ra, mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa.
Trên thực tế, có rất nhiều gia đình chồng/vợ ngoại tình, tuy không đến nỗi khiến đối phương phải tự sát nhưng sự suy sụp tinh thần dẫn đến bỏ việc, đau buồn, chán đời, đổ bệnh mà chết là có. Nhưng liệu thân nhân của họ có đủ hiểu biết để khởi kiện, và nếu có khởi kiện thì cơ quan điều tra nào, Tòa án nào sẽ đủ kiên nhẫn để chứng minh những cái chết đó là hậu quả của ngoại tình?
Thế nên mới có chuyện tại rất nhiều tòa án, đứng trước một vụ ly hôn vì lý do ngoại tình thì Hội đồng xét xử chỉ cho ly hôn chứ không xử lý hình sự. Người có lỗi (ngoại tình) cũng không bị “trừng phạt” gì về mặt tài sản hay nghĩa vụ, quyền lợi… khi tòa giải quyết ly hôn. Về vấn đề này, nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình vì họ cho rằng khi hôn nhân bị tan vỡ do người chồng/vợ ngoại tình, trong khi người còn lại không có bất kỳ lỗi gì, mà người chồng/vợ đó không bị pháp luật áp dụng chế tài gì thì thật là bất công!
Có vi phạm nhân quyền khi qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm?
Vài năm trước có vụ diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc Ok Sori đã bị án 8 tháng tù treo vì tội ngoại tình. Tại Hàn Quốc, ngoại tình là một tội hình sự theo luật có từ rất nhiều năm trước vì làm “phá hỏng rường mối xã hội”. Campuchia cũng đã từng đưa ra dự luật hình sự hóa tội ngoại tình với hình phạt tù từ 1 tháng tới 1 năm cho những mối quan hệ ngoài hôn nhân.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm là có dấu hiệu vi phạm nhân quyền. Bởi con người sinh ra đều có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do yêu đương, bày tỏ tình cảm và kết hôn. Mặt khác, hôn nhân thực chất chỉ là một sự ràng buộc pháp lý mang tính hành chính, thủ tục, chứ không phải và không thể ràng buộc được về mặt tình cảm, ý chí của mỗi con người.
Theo một cuộc điều tra nghiên cứu quốc gia về gia đình của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), về nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%), tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo hành gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%).

Hiện tượng ly hôn đang tăng lên chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thủy của cả hai giới… Tuy nhiên chưa ghi nhận trong số “25,9% ngoại tình” có trường hợp nào “người ngoại tình” bị bỏ tù hay không?

Tin bài liên quan:

VNTB – Một ngàn bốn trăm mười lăm tỷ đồng là bao nhiêu tiền thuế của dân?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thầy cô giáo không còn là… công chức

Phan Thanh Hung

VNTB – Quyền lập hội nhìn từ quan điểm của Hồ Chí Minh

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo