Trần Thành
(VNTB) – Nếu đã khởi tố ông Kim Quốc Hoa và tờ báo Người cao tuổi vi phạm Điều 258, Bộ Luật Hình sự, thì cũng có thể khởi tố về hành vi tương tự đối với Tổng biên tập Nguyễn Như Phong và tờ báo Năng Lượng Mới; đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang cận kề bầu cử Quốc hội khóa 14.
Đề cập về bài viết “Quốc hội không phải phường chèo” trên tờ Năng Lượng Mới, Việt Nam Thời Báo có bài “Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới vi phạm Luật Báo chí”, trong đó nêu quan điểm của tác giả Trần Thành, rằng báo Năng Lượng Mới đã có dấu hiệu vi phạm vào Điều 87 Bộ luật hình sự: “Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội”.
Tuy nhiên còn một vế sau mà bài viết chưa đề cập, đó là khó lòng “thưa ra tòa”, khi mà các đương sự chưa qua thủ tục “khiếu nại hành chính”. Đây cũng chính là một thủ tục mà ngành tòa án “tranh cãi” nhau suốt từ năm 1990 – thời điểm Luật Báo chí hiệu lực, cho đến nay.
Kiện báo chí: Có cần khiếu nại trước?
Tại những lần hội nghị tổng kết công tác ngành tòa án, nhiều thẩm phán đã nêu lại vướng mắc về điều kiện khởi kiện đối với án loại này và kiến nghị TAND Tối cao có hướng dẫn thống nhất. Trước những cách hiểu khác nhau, TAND Tối cao cho hay chưa thể có hướng dẫn ngay, mà còn phải tiếp tục… nghiên cứu.
Theo Luật Báo chí, báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận này. Trong trường hợp cơ quan báo chí không đăng, không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật Báo chí; không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì họ có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản của báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện ra tòa.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 năm 2002 (quy định chi tiết Luật Báo chí), sau ba lần đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự thống nhất giữa hai bên…, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện ra tòa.
Tòa vẫn lúng túng
Dù luật quy định như vậy nhưng theo các thẩm phán, thực tế hiện vẫn đang có hai luồng quan điểm trái ngược nhau về chuyện này.
Luồng quan điểm thứ nhấtcho rằng khi người dân đã nhiều lần yêu cầu cơ quan báo chí giải quyết việc đăng tin không đúng sự thật, mà báo chí không trả lời thì có thể coi như báo chí đã không giải quyết. Lúc này, công dân có quyền lựa chọn một trong hai cách: Khiếu nại lên cơ quan chủ quản của báo, hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu báo cải chính, bồi thường thiệt hại. Với những trường hợp này, tòa án phải nhận đơn, thụ lý. Bởi lẽ khi báo chí không trả lời yêu cầu, nếu tòa không nhận đơn thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự.
Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai lại nói rằng theo theo khoản 3 Điều 3 Quy chế cải chính trên báo chí (ban hành kèm Quyết định 03 năm 2007 của bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin), thì với những yêu cầu này bắt buộc cơ quan báo chí phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do không đăng cải chính, xin lỗi. Đến lúc này, cá nhân, tổ chức mới có quyền khởi kiện. Nếu vẫn chưa có văn bản trả lời của cơ quan báo chí mà đương sự khởi kiện thì tòa không được phép thụ lý mà phải trả lại đơn kiện vì chưa đủ điều kiện. Nhiều tòa ở địa phương đã chọn quan điểm thứ hai để… “giảm thiểu đụng chạm”, vì thưa gửi này đa phần được coi là có nội dung “nhạy cảm”.
Riêng ở TP.HCM, nhiều tòa từ trước đến nay vẫn nhận đơn khởi kiện trực tiếp của đương sự, không buộc đương sự phải có khiếu nại đến báo rồi mới chấp nhận thụ lý. Lý giải, lãnh đạo các tòa này cho hay họ xác định đây là tranh chấp dân sự. Các đương sự thường đòi báo cải chính, xin lỗi, bồi thường danh dự, uy tín bị xâm hại…, có tính chất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chiếu theo pháp luật dân sự, ai thấy mình bị thiệt hại thì có quyền đòi bồi thường. Tòa thấy đơn kiện có căn cứ thì thụ lý chứ không đòi đương sự phải khiếu nại, phải có trả lời của cơ quan báo chí… hoặc những thủ tục “tiền tố tụng” như trong án hành chính.
Ông Tổng biên tập Kim Quốc Hoa bị khởi tố theo điều luật 258 Bộ Luật hình sự với bên “bị hại” là “Nhà nước”, nhưng không chỉ ra được cụ thể “Nhà nước” bị hại về những điều cụ thể gì.
“Quốc hội không phải phường chèo” của Tổng biên tập Nguyễn Như Phong, có nội dung “thông tin sai lệch” khiến người dân “nghĩ xấu” về Quốc hội – cụ thể là cuộc bầu cử đang trong giai đoạn ứng cử; người bị hại tiếp theo là ông Nguyễn Công Vượng, một công dân tự ứng cử.
Như vậy, từ những “án lệ Kim Quốc Hoa” nói trên, có thể vận dụng để yêu cầu khởi tố vụ án báo Năng Lượng Mới đã có bài viết “Quốc hội không phải phường chèo”, vi phạm vào Điều 10.1 và 10.4, Luật Báo chí 1989: “Những điều không được thông tin trên báo chí. Để quyền tự do ngôn luận trên báo chí được sử dụng đúng đắn, báo chí phải tuân theo những điều sau đây: 1- Không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; (…); 4- Không được đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân”.
Hành vi vi phạm ở Điều 10.1 và 10.4, Luật Báo chí thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 258, Bộ Luật Hình sự: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bi phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Nếu tôi là công tố viên…
Từ những vụ án liên quan về “Điều 258”, tác giả bài viết này thử khoác áo công tố viên cho cáo buộc Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới vi phạm vào Điều 258 qua bài viết “Quốc hội không phải phường chèo”. Xin nói rõ, các nội dung tiếp theo đây chỉ là “vận dụng quan điểm” của các phiên xét xử trước đó về “Điều 258”.
“Chúng ta phải khẳng định một điều rằng, nhà nước ta chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật được quy định là tội phạm trong bộ luật hình sự Việt Nam. Chúng ta áp dụng luật tuân theo nguyên tắc hành vi, không có việc truy cứu trách nhiệm về mặt tư tưởng mặc dù trong tư tưởng cũng đã hình thành ý định thực hiện những hành vi phạm tội, những chỉ khi nào nó biểu hiện ra bên ngoài hành vi khách quan thì khi đó chúng ta mới được phép áp dụng luật. Và điều 258 Bộ luật hình sự được áp dụng trong thực tiễn bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Chỉ khi nào người thực hiện hành vi phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện về mặt pháp lý được quy định trong điều luật, thì khi đó hành vi phạm tội đó mới được gọi là tội phạm, và người thực hiện hành vi khi đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ thể của tội này là bất kỳ ai có năng lực chịu trách nhiệm hình sự (năng lực pháp luật và năng lực hành vi) và đủ tuổi theo quy định của Bộ Luật này (cụ thể ở tội này là người đủ 16 tuổi). Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của chính mỗi chúng ta bằng chính hành vi của mình (hành vi có thể hành động hoặc không hành động) thực hiện tội phạm mà không bị chi phối, hạn chế về mặt nhận thức hay tâm lý.
Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Các lợi ích này có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất (tinh thần). Nếu là lợi ích vật chất thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được vật chất đó là gì (tính mạng, sức khỏe công dân, tài sản, đồ vật, giá trị thiệt hại quy ra tiền, vàng hoặc quy ra thóc,…). Nếu là lợi ích phi vật chất thì cơ quan tố tụng cũng phải chứng minh đó là thiệt hại như thế nào về mặt tinh thần, từ thiệt hại đó gây ra hậu quả gì…
Nếu nói một cách khái quát thì người thực hiện tội phạm này có hai hành vi chính, đó là hành vi lợi dụng và hành vi xâm phạm. Lợi dụng và xâm phạm là hai hành vi cần và đủ, nếu lợi dụng nhưng chưa xâm phạm hoặc xâm phạm nhưng không lợi dụng thì chưa phải là hành vi phạm tội này.
Tuy nhiên, hành vi lợi dụng và xâm phạm lại không giống nhau, mà tùy thuộc vào quyền mà người phạm tội lợi dụng và lợi ích bị xâm phạm, nên tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể thực hiện một trong những hành vi cụ thể sau: Lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; Lợi dụng quyền tự do hội họp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Ở đây, Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới đã “lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cần chứng minh là hành vi lợi dụng các quyền tự do báo chí đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước – “ở đây là vấn đề của quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử”; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân là lợi ích gì – “ở đây là quyền tự ứng cử”. Nội dung bài viết “Quốc hội không phải phường chèo”khiến cho người đọc hiểu bầu cử thực ra không dân chủ, người tự ứng cử dễ dàng bị công kích, bị đấu tố từ khi chuẩn bị làm hồ sơ ứng cử.
Người phạm tội lợi dụng các quyền tự do báo chí ở đây đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý (có thể với lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp), tức là về mặt lý trí, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; còn về mặt ý trí họ đã thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Người phạm tội có thể vì động cơ, mục đích khác nhau tùy thuộc vào hành vi lợi dụng quyền cụ thể và ý thức của người phạm tội xâm phạm đến lợi ích nào. Việc xác định động cơ, mục đích đối với tội phạm này là rất quan trọng vì nó là dấu hiệu để phân biệt với các hành vi tương tự nhưng nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân quy định tại chương XI về các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Hơn nữa đây là tình tiết để tăng nặng hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội”.