Ngay sau chuyến làm việc tại Hà Nội của bà Christine Lagarde – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà đã không hứa hẹn bất cứ khoản cho vay mới nào đối với giới lãnh đạo Việt Nam, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA vào ngày 22/3/2016 tại Hà Nội.
Họp báo Chuyên đề ODA tại Bộ Tài chính
Cuộc họp báo này thấm màu u ám: Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế Trương Hùng Long thông báo: Một trong những điều khoản khi Việt Nam không còn được vay theo điều kiện ODA vào năm 2017 là các khoản vay hiện nay sẽ phải rút ngắn thời gian trả nợ hoặc chịu trả mức lãi suất cao hơn so với cam kết trước đây.
Dẫn chứng là giai đoạn trước 2010, thời hạn vay bình quân khoảng 30 – 40 năm, với chi phí vay khoảng 0.7 – 0.8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn.
Nhưng giai đoạn 2011 – 2015 thì thời gian vay bình quân chỉ còn từ 10 – 20 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên.
Ông Long thông tin: “Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% – 3.5%”.
Điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất đương nhiên có thể gây sốc cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới.
Vậy nợ phải trả trong thời gian tới là bao nhiêu?
Theo chính báo cáo của Bộ Tài chính, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016, các khoản phải trả nợ và đảo nợ chiếm hơn 24% trên tổng chi ngân sách, riêng trả nợ là 14.7% tức là tương đương trên 150 nghìn tỷ đồng. Còn lại khoản đảo nợ là 95,000 tỷ đồng.
Trước cuộc họp báo trên của Bộ Tài chính, tại Hội thảo Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14/3/2016, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam – đã phải thốt lên: “Ngân sách năm gay rồi, dự báo năm sau sẽ tiếp tục gay thì ảnh hưởng thị trường tài chính của Việt Nam”.
Vào cuối năm 2015, ông Bùi Quang Vinh – Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư phát lộ “Ngân sách trung ương chỉ còn 45,000 tỷ đồng” của. Tại thời điểm đó, ngay một số quan chức cấp cao cũng phải thừa nhận “tình hình ngân sách là cực kỳ căng thẳng”. Sau đó, người ta chứng kiến phía chính phủ chỉ đạo Bộ tài chính phải vay mượn khoảng 30,000 tỷ đồng từ Ngân hàng nhà nước “để cân đối khó khăn ngân sách”, còn Bộ tài chính phải thoái vốn tại hàng loạt ngân hàng và cả những doanh nghiệp đầy màu mỡ như Vinamilk…
Bội chi ngân sách đã vượt trần nguy hiểm từ lâu. Vào năm 2013, bội chi ngân sách đã lên đến 6.3% GDP. Còn cuối năm 2015, để “lập thành tích chào mừng đại hội đảng 12”, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết bội chi ngân sách năm 2015 sẽ không vượt quá 5% GDP. Nhưng rốt cuộc, con số phải thừa nhận tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ quốc hội tháng 2/2016 là 5.7% GDP (thực tế còn có thể cao hơn).
Lê Dung / SBTN