VOA
29.03.2016
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên của năm 2016 tuột dốc mạnh so với chỉ tiêu toàn năm. Lý do chính được cho là do ảnh hưởng của thiên tai, cụ thể là tình trạng hạn hán đang tác động tiêu cực lên nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, khiến Việt Nam càng thêm lệ thuộc vào láng giềng Trung Quốc, nước có ưu thế nằm ở thượng nguồn và sở hữu gần nửa chiều dài sông Mekong.
Báo cáo trước chính phủ hôm 26/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý đầu năm 2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 6,7% của năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm, nhưng lý do chính được Bộ này đưa ra là vì tác động nặng nề của hạn hán và tình trạng ngập mặn đối với nông, lâm và ngư nghiệp.
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa của cả nước, trong quý đầu năm đã sụt giảm đến 700.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng của nông, lâm, ngư nghiệp giảm 1,23% so với quý đầu năm 2015.
Nước ở đồng bằng sông Cửu Long thì rõ ràng phụ thuộc rất lớn ở trên (thượng nguồn), chỉ có 5% ở dưới thôi, tức là toàn bộ chừng 89% lượng nước ở sông Mekong nằm ở các quốc gia láng giềng từ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, còn có 6% ở Tây Nguyên và 5% ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, nói.
Một số ý kiến cho rằng Việt Nam đã quá chậm chân so với các nước láng giềng, cụ thể là Thái Lan, trong việc chuẩn bị đối phó với những gì đang xảy ra hiện nay, dẫn đến phải chịu tác động nặng nề, có thể là còn nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai gần.
Tuy nhiên Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, cho rằng câu chuyện về nguồn nước ở sông Mekong phức tạp hơn nhiều so với những diễn tiến có thể thấy trên bề mặt.
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Việt Nam trước hết chịu rất nhiều thiệt thòi vì nằm ở hạ nguồn.
“Nước ở đồng bằng sông Cửu Long thì rõ ràng phụ thuộc rất lớn ở trên (thượng nguồn), chỉ có 5% ở dưới thôi, tức là toàn bộ chừng 89% lượng nước ở sông Mekong nằm ở các quốc gia láng giềng từ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, còn có 6% ở Tây Nguyên và 5% ở đồng bằng sông Cửu Long”.
Đối với các con sông quốc tế, vấn đề cân bằng quyền lợi đòi hỏi phải có sự hợp tác rất lớn giữa các nước chia sẻ nguồn nước chung của con sông thông qua các định chế quốc tế. Nhưng định chế duy nhất hiện nay là Ủy hội sông Mekong (MRC) lại không có hiệu quả ràng buộc đối với tất cả các nước chia sẻ con sông. Tiến sĩ Đào Trọng Tứ cho biết thêm:
“Tuy nhiên ở sông Mekong cũng có những thách thức. Trong 6 nước thì chỉ có 4 nước thành lập Nghị hội sông Mekong, còn lại 2 nước là Trung Quốc và Myanmar thì không nằm trong Nghị hội. Câu chuyện về vấn đề Trung Quốc xây các đập lớn là không nằm trong khuôn khổ Hiệp định Mekong 1995 nên họ xây dựng là việc của họ. Trong câu chuyện đấy, bạn biết là khi xây dựng các đập thì rõ ràng là có các tác động. Xây đập càng lớn thì các tác động ở hạ lưu càng lớn, kể cả khi chứa nước trong mùa lũ lẫn xả nước trong mùa khô”.
Việc Trung Quốc trong nhiều năm qua đã xây dựng 5 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong đã gặp nhiều chỉ trích. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh đã tùy tiện xây dựng, xem con sông chung giống như ‘ao nhà’ và lợi dụng ưu thế nằm ở thượng nguồn, biến sông Mekong thành một trong những công cụ khống chế các nước láng giềng ở hạ nguồn.
Trước tác động nghiêm trọng của đợt hạn hán được xem là lịch sử trong 100 năm qua, Việt Nam trong tháng này đã yêu cầu Trung Quốc giúp xả lũ chống hạn. Bắc Kinh sau đó cho biết sẽ bắt đầu xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng của nước này từ ngày 15/3 -10/4 để giúp giảm bớt tình trạng hạn hán ở các nước hạ nguồn như Việt Nam.
Họ nói là họ xả nước từ trên xuống, giúp tăng lượng nước xả từ thượng nguồn Trung Quốc xuống để giúp Việt Nam chống hạn. Đấy cũng là động thái đáng hoan nghênh bởi vì như thế coi như cũng có câu chuyện hợp tác. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó đến đâu thì rõ ràng là thấy rất khó. Bởi vì lượng nước ở trên thì nhỏ, mà lượng nước ở trên xả xuống đi qua khoảng trên 3.000 cây số xuống đến đồng bằng sông Hồng thì cũng hao hụt đi nhiều, mà phải 3 tuần mới đến thì cái đấy cũng sẽ không giải quyết được vấn đề hạn hán…
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ nói.
Trên truyền thông cũng như tại hội nghị thượng đỉnh Mekong – Lan Thương vừa diễn ra tuần trước giữa 6 nước chia sẻ sông Mekong là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh đến hành động ‘nghĩa hiệp’ xả nước cứu giúp các nước láng giềng ở hạ nguồn.
Tuy nhiên, TS. Đào Trọng Tứ và nhiều chuyên gia khác cho rằng việc xả nước của Trung Quốc có tác dụng rất ‘mỏng manh’ trong việc chống hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, khi ước tính Việt Nam có thể nhận chưa đầy 5% lượng nước xả từ đập của Trung Quốc.
“Họ nói là họ xả nước từ trên xuống, giúp tăng lượng nước xả từ thượng nguồn Trung Quốc xuống để giúp Việt Nam chống hạn. Đấy cũng là động thái đáng hoan nghênh bởi vì như thế coi như cũng có câu chuyện hợp tác. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó đến đâu thì rõ ràng là thấy rất khó. Bởi vì lượng nước ở trên thì nhỏ, mà lượng nước ở trên xả xuống đi qua khoảng trên 3.000 cây số xuống đến đồng bằng sông Hồng thì cũng hao hụt đi nhiều, mà phải 3 tuần mới đến thì cái đấy cũng sẽ không giải quyết được vấn đề hạn hán. Câu chuyện nó hơi xa vời, cũng có tác dụng rất mỏng manh”.
Trong khi những căng thẳng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam đang ngày một gia tăng, việc xả nước cứu hạn của Bắc Kinh được giới phân tích quốc tế xem là một động thái xoa dịu tình hình, đồng thời đánh lạc hướng dư luận về những tác hại của các con đập mà Bắc Kinh đã xây dựng trên sông Mekong. Nhưng mặt khác, nó cho thấy sự phụ thuộc thêm nữa của Việt Nam vào láng giềng Trung Quốc khi nằm ở vị trí hạ nguồn đầy bất lợi.
Để khắc phục hậu quả của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, ngoài biện pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp như đề nghị của một số chuyên gia, TS. Đào Trọng Tứ cho rằng một giải pháp rất quan trọng là tăng cường hợp tác trong khu vực. Nhưng theo ông, chuyện hợp tác trên sông Mekong là một vấn đề ‘dài hơi’, phụ thuộc rất nhiều về địa chính trị, mối quan hệ và sự tương tác giữa các quốc gia với nhau trong quá trình phát triển.
“Khi thiện chí hợp tác tốt thì sẽ giải quyết giảm thiểu những tác động. Còn trong tình hình phức tạp thì có thể tạo ra những xung đột về lợi ích. ASEAN nếu thành một khối chẳng hạn thì có thể sẽ tìm cách giải quyết. Năm nay là một bài học, lần đầu tiên xảy ra câu chuyện lớn”.
Hội nghị Mekong – Lan Thương tuần rồi kết thúc với sự ra đời của cơ chế hợp tác sông Mekong – Lan Thương, có sự tham gia của cả 6 nước. Đây được xem là một sáng kiến của Trung Quốc với các nước hạ nguồn sông Mekong. Tuy nhiên trả lời báo chí hôm 28/3 bên hành lang Quốc hội về câu hỏi nếu Trung Quốc tiếp tục xây đập trên sông Mekong thì sao, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định “không có cơ chế như Ủy hội sông Mekong với Trung Quốc và Myanmar” nên “không có cơ chế nào để kiểm soát các nước thượng nguồn”.