Ông Trần Minh Lợi – một người nổi tiếng chống tham nhũng tại Đắk Lắk khi lập Facebook Trần Minh Lợi “chống giặc nội xâm” – đã bị công an tỉnh Đắk Nông bắt vào ngày 22/3/2016 để điều tra về “hành vi môi giới hối lộ”.
Ông Trần Minh Lợi đang đưa ra tài liệu tố cáo một vụ tiêu cực – Ảnh: Trung Chuyên
Trước đó, ông Lợi đã viết đơn tố cáo trung úy Bình và thiếu tá Y Nam (đội phó đội điều tra) và trung úy Trần Thanh Hải (cán bộ điều tra) cũng thuộc Công an huyện Đắk Mil đến cơ quan chức năng.
Có một tình tiết đáng chú ý mà ông Trần Minh Lợi cung cấp cho báo chí trước hôm bị bắt, là trung úy Bình đã tới nhà ông Lợi đưa cho ông 200 triệu đồng để mua “im lặng”. Ông Lợi đã ghi hình và có nêu trong đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Đắk Nông, nhưng khi báo chí đề cập vấn đề này với Công an tỉnh Đắk Nông thì được trả lời là: “chưa xác định được”.
Một luật gia ở Việt Nam nhận định: nếu nhìn qua lăng kính tố tụng, có thể thấy rằng vụ việc khởi tố và bắt khẩn cấp ông Trần Minh Lợi khiến người dân cho rằng đây là đòn đánh “dưới thắt lưng”, nhằm “hù dọa” để ông Lợi không dám tố cáo tiếp những vụ việc khác – như vụ trung úy Bình mua sự im lặng của ông Lợi với giá 200 triệu đồng.
Bộ Luật Hình sự nói rằng người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Ở đây, ông Lợi không dàn cảnh chung – chi, mà thực tế vụ việc “diễn ra khách quan” và đã được người dân chủ động ghi nhận bằng hình ảnh, tiếng nói để làm bằng chứng tố cáo.
Luật gia trên cũng cho biết giới luật sư ở Sài Gòn dự đoán kịch bản sắp tới là cơ quan điều tra sẽ nói rằng ngoài việc giúp người dân tố cáo một số vụ án liên quan đến các cơ quan chức năng, ông Trần Minh Lợi còn lợi dụng điều này để trục lợi cá nhân, vay mượn tiền nhiều người sau đó không chịu trả… hoặc ông Lợi bị bắt vì những đơn tố cáo này của nhiều người…
Tương tự vụ việc ông Trần Minh Lợi, vào tháng 8 năm 2015, một công dân chống tham nhũng đã bị bắt tại Thanh Hóa. Đó là ông Đinh Tất Thắng, 72 tuổi.
Ông Đinh Tất Thắng bị công an Thanh Hóa bắt
Trong đơn ‘kiến nghị khẩn cấp’ của ông Thắng, ông đề cập: “Báo Người cao tuổi ngày 12/12/2014 cũng vạch mặt Phòng PC14 – CA tỉnh Thanh Hóa ăn hối lộ của bọn tội phạm làm thương binh giả ở xã Quảng Đông, TP. Thanh Hóa, để đe dọa báo chí không được phanh phui, chính từ chỗ này đường dây thương binh giả, chất độc da cam giả ở tỉnh Thanh Hóa ngày càng nghiêm trọng hiện nay.”
Cũng trong đơn trên, ông Thắng chỉ đích danh ‘người bảo kê tham nhũng’ là bà Phạm Thị Hải Chuyển – Bộ trưởng – Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Ông cũng liệt kê các cán bộ tỉnh Thanh Hóa vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên như: Bí thư huyện ủy Thọ Xuân ông Lê Công Minh và trưởng công an huyện Thọ Xuân – ông Lê Bá Lương đã ‘bảo kê’ cho người nhà là bà Lê Thị Kết làm giả hồ sơ thương binh. Anh ruột của thiếu tướng Giám đốc công an tỉnh Thanh Hóa là thương binh giả…
Lê Dung / SBTN