Hôm 28/3, tờ Wall Street Daily dẫn bình luận của chuyên gia kinh tế có tiếng của Mỹ, ông Carl Delfeld, cho rằng, tăng trưởng Trung Quốc trong 30 năm qua đã đến hồi kết khi công thức cơ bản cho sự phát triển đã không còn tác dụng.
Trong 3 thập kỉ qua, Trung Quốc đã phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Sự phát triển đó được biểu hiện bằng những con số đáng kinh ngạc. Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới vào năm 1978, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm chỉ bằng kim ngạch xuất khẩu trong một ngày của năm 2010. Năm 1980, nền kinh tế Trung Quốc chỉ có kích thước ngang bằng với Hà Lan, nhưng chỉ trong năm 2013, Trung Quốc bổ sung thêm kích thước của một nền kinh tế Hà Lan. Năm 1990, nền kinh tế của Trung Quốc tương đương với Đài Loan, nhưng bây giờ lớn hơn gấp 12 lần Đài Loan.
Tăng trưởng của Trung Quốc đã đến hồi kết? |
Thành công của Trung Quốc không phải là một bí ẩn. Nó được xây dựng trên một công thức đã được thử nghiệm và đơn giản. Thứ nhất, lĩnh vực sản xuất phát triển nhanh chóng do lao động giá rẻ, đất giá rẻ, và nhu cầu mạnh mẽ từ nước ngoài. Thứ hai, đầu tư lớn vào hạ tầng, bất động sản, và các nhà máy nhờ có đầu tư nước ngoài và các khoản tín dụng giá rẻ.
Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo và có thể tích lũy được khối tài sản lớn. Đó là một thành công khổng lồ. Tuy nhiên, không may, các công thức cho sự thành công đó đến nay lại là nguồn gốc của những vấn đề mà hiện tại Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông Carl Delfeld đặt câu hỏi: Giới giàu có Trung Quốc đang lo lắng, vậy bạn (các nhà đầu tư nước ngoài) có nên vậy không?
Ông cho hay, nhiều người nghĩ rằng, với tiến độ và đà phát triển kinh tế như vậy, giới giàu có Trung Quốc sẽ tràn đầy tự tin về tương lai của đất nước họ.
Tuy nhiên, họ lại nhận ra rằng hai xu hướng thúc đẩy Trung Quốc tăng trưởng hai con số trong quá khứ đang dần mất đi.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang ngày càng mất giá. |
Giá nhân công không còn rẻ sau khi tăng với mức bình quân 10% một năm. Các khoản tín dụng giá rẻ không còn là công cụ hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng, còn đầu tư nước ngoài cũng đang chậm lại đáng kể.
Trong ngắn hạn, tiền thay vì chảy vào Trung Quốc thì lại đang chảy đi. Đồng nhân dân tệ đang yếu dần càng thúc đẩy thêm dòng chảy này.
Shaun Rein, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group, nhận xét: “Các công ty không muốn đồng nhân dân tệ và các cá nhân cũng vậy. Đồng nhân dân tệ đã từng được tin tưởng trong một thời gian dài, nhưng giờ không phải như vậy nữa. Rất nhiều người không muốn sở hữu nhân dân tệ”.
Theo ông Carl Delfeld , tờ Financial Times vừa có một bài viết với tiêu đề “Trung Quốc nghi ngờ về con đường phía trước”. Trong đó trích dẫn lời của một nhân viên ngân hàng Trung Quốc có quan hệ gần gũi với một số gia đình giàu có và quyền lực cho rằng: “Có cảm giác chúng tôi đang tiến tới một điểm đổ vỡ không thể tránh khỏi. Khi đó các áp lực trong xã hội sẽ sôi sục”.
Người này cho biết thêm: “Tham nhũng đang ngày càng tệ hơn…Khoảng cách giàu nghèo đang rất lớn và ngày càng tăng”.
Ông Carl Delfeld nhận định, từ đó có thể thấy, giới giàu có Trung Quốc đang thấy rất bất an.
Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Trung Quốc đồng tài trợ cho thấy, 60% số người có từ 1,6 triệu USD trở lên đang bắt đầu hoặc chuẩn bị chuyển ra nước ngoài.
Một nghiên cứu của Công ty Tư vấn Bain & Company cho thấy, số người Trung Quốc di cư đang tăng đáng kể. Người giàu Trung Quốc đang tìm mua bất động sản và đầu tư ở nước ngoài để bảo vệ tài sản của họ.
Cũng trong bài viết của Financial Times, ông trùm ngành xuất bản và thời trang Hung Huang nói: “Bạn có thể cảm nhận được sự lo lắng của giới siêu giàu. Họ cảm thấy sự giàu có hoặc tài sản của họ không được đảm bảo, và rằng tài sản của họ có thể mất bất cứ lúc nào”.
Trung Quốc đang “đốt cháy” nguồn dự trữ ngoại tệ với tốc độ cao để ổn định đồng nhân dân tệ. Nguồn dự trữ ngoại tệ đã giảm 700 triệu USD trong vòng 7 tháng qua.
Động thái trên là nhằm đạt được sự phục hồi cần thiết để dập tắt những nghi ngại đang ngày càng tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Wall Street Daily của Mỹ, một hãng tin độc lập chuyên có những bài phân tích về tài chính toàn cầu.
Theo Infonet