Trúc Mai – Nguyên Bình
(VNTB) – Đây là vấn đề đặt ra sau chuyến khảo sát thực tế về công tác phòng, chống hạn mặn tại huyện Giồng Trôm, do PGS.TS Phan Thanh Bình – Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác gồm các nhà khoa học là lãnh đạo các trường, viện thành viên.
Lưu trữ nước mưa
Trong vấn đề về giải quyết nguồn nước ngọt, PGS. TS Mai Thanh Phong – phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa cho rằng, trước mắt biện pháp kỹ thuật khả thi nhất là sử dụng thiết bị RO (nhập từ Mỹ) để khử mặn từ nước mặn và nước lợ. Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý tái chế nước thải sử dụng lại (qua nghiên cứu của Đại học Bách Khoa, chi phí vận hành của hệ thống này sẽ tốn khoảng 10 ngàn đồng/m3 nước ngọt, chưa tính chi phí đầu tư và tiêu hao thiết bị).
Một giải pháp khác mà PGS.TS Phong đánh giá rất cao đó là thu gom và lưu trữ nước mưa. Đây là giải pháp dễ tiến hành nhất bởi chi phí nhẹ nhất và có thể làm ở từng hộ hoặc cụm hộ, ngoài dùng các thiết bị lưu trữ như lu, hồ thì túi nhựa PVC có thể tích lớn là khả dĩ nhất (giá đầu tư khoảng 300 ngàn đồng/m3 nước ngọt và túi càng lớn giá càng thấp, tuổi thọ túi này sử dụng trong hơn 10 năm). Trường hợp, nếu lượng nước mưa thu gom không đủ sẽ dùng các túi nhựa này lên thượng nguồn kéo nước ngọt về.
“Người dân Bến Tre đang rất lãng phí nguồn nước mưa vì đã để cho chúng chảy ra sông biển một cách đáng tiếc”, GS. TS Nguyễn Văn Phước – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên nói. Theo ông, mỗi người dân nên được trang bị sổ tay để biết thu gom và sử dụng nước mưa. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc các biện pháp kỹ thuật khác như tận dụng nguồn chất đốt thừa tại địa phương để chưng cất nước mặn hoặc khử mặn bằng Ion – các biện pháp kỹ thuật này chi phí thấp hơn dùng thiết bị thẩm thấu ngược RO.
“Tôi vẫn đánh giá cao nhất là giải pháp thu gom nước mưa và dùng túi nhựa PVC. Trường hợp nếu muốn đắp các đập tạm ngăn mặn, dùng túi nhựa PVC vẫn là khả dĩ nhất. Hiện nay, tại TP. Hồ Chí Minh, ngành xây dựng đã hướng đến việc chỉ phê duyệt các công trình xây dựng bắt buộc phải có hạng mục xây hầm chứa nước mưa. Tôi nghĩ Bến Tre cũng cần thiết cân nhắc việc này. Còn trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tiêu tốn một lượng nước ngọt rất lớn nên tranh thủ các dự án BOT” – GS.TS Nguyễn Văn Phước phân tích.
Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, hiện nay, các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh chỉ lắng, lọc, khử vi sinh chứ chưa khử mặn được, vì vậy trong đầu tư các thiết bị khử mặn cần tận dụng được các đường ống của các nhà máy nước này để giảm chi phí vận chuyển.
Căn cơ nhất vẫn là tạo nguồn sinh kế
Các giải pháp để có nguồn nước ngọt vẫn chỉ là giai đoạn đầu để có điều kiện ứng phó với hạn mặn, quan trọng hơn vẫn là tạo được một thị trường hấp dẫn, phù hợp với các sản phẩm từ sinh kế của người dân trong điều kiện mặn và biến đổi khí hậu.
Vấn đề này, ThS Hồ Phi Long – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu cho rằng, sự chủ động thích ứng và thay đổi mô hình sinh kế từ người dân vẫn là vô cùng quan trọng. Nhưng để thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả thì Nhà nước cần phải điều tiết sao cho thị trường phải hấp dẫn được người dân – đây là điểm then chốt của các kế hoạch trung hạn.
“Qua theo dõi thực tế, vùng đất huyện Thạnh Phú vốn khó khăn vì xâm nhập mặn hơn huyện Ba Tri, nhưng sự chuyển đổi mô hình sinh kế để phù hợp với điều kiện sống của người dân Thạnh Phú nhanh hơn nên hiện nay đa số họ có cuộc sống ổn định hơn người dân Ba Tri. Tuy nhiên, nhìn trên tổng quan thì thích nghi, chuyển đổi của người dân Bến Tre còn rất chậm so với diễn tiến tiêu cực của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn” – ThS Long đánh giá.
Cũng theo ThS Long, sự chuyển đổi này quy định trực tiếp về năng lực tài chính và sự ổn định kinh tế – xã hội của địa phương. Nếu Nhà nước không cùng lúc đầu tư về hệ thống thủy lợi và tạo thị trường hấp dẫn sẽ rất khó chuyển các mô hình sinh kế vốn không còn phù hợp nữa của người dân.
Phân tích về những vấn đề mà Bến Tre cần phải nhanh chóng thực hiện các kế hoạch trung hạn, ThS Long nói: “Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ chiếm khoảng 8% lượng nước của sông MeKong, trong khi Trung Quốc chiếm 30%, nhiều nhất là Lào, Thái Lan nhưng hiện các quốc gia này đã tận dụng triệt để nguồn nước để phục vụ kinh tế – xã hội cho họ.
Nếu muốn được nguồn nước từ thượng nguồn sông MeKong chảy về đến ĐBSCL thì trên bàn đàm phán, Việt Nam sẽ không tránh khỏi thiệt thòi lớn và thậm chí sẽ không có nhiều hy vọng để được họ chia nguồn nước này. Tôi cho rằng, sắp tới, chúng ta sẽ tránh khỏi “cuộc chiến vì nước ngọt” nếu sớm thực hiện những kế hoạch trung hạn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và khô cạn trên sông MeKong. Trong đó, phải rạch ròi giữa các vùng mặn, ngọt, lợ để áp dụng các mô hình sinh kế phù hợp”.
Cùng với đó, TS Phạm Ngọc – Khoa Xây dựng, Đại học Quốc tế cho rằng, mọi dự án công trình trước hết cần được quy hoạch phù hợp với các đồ án quy hoạch vùng, khu vực. Tránh vết đổ 63 tỉnh là 63 nền kinh tế mà ông Vương Đình Huệ đã đề cập trong một hội thảo mới đây.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Bến Tre sẽ được chọn làm vị trí trung tâm để gắn kết đào tạo giữa đơn vị này với khu vực ĐBSCL. Trước mắt, giao Đại học Bách Khoa làm đầu mối nghiên cứu chi tiết các giải pháp và phối hợp với địa phương. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ dự thảo sẵn kế hoạch thực hiện cho Bến Tre, kinh phí thực hiện sẽ lấy từ nguồn vốn nghiên cứu của tổ chức này, các chương trình thực hiện tại ĐBSCL, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bến Tre.
Cũng theo PGS.TS Phan Thanh Bình, trước mắt, địa phương không nên xem mặn là nguy cơ mà nên giữ tâm thế rằng đây là cơ hội để rạch ròi giữa các vùng mặn, lợ, ngọt để đa dạng kinh tế cho tỉnh.
Cụm ảnh: Nhà vườn ở Giồng Trôm, ngày 5-4-2016.