Phương Thảo
(VNTB) – Các vị lãnh đạo cao cấp mới tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp liệu có giữ được sống lưng thẳng khi đương đầu với Trung Quốc trong khi tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam hay không, hay lại cũng như những nội các trước đó, chỉ chăm lo cho bản thân cầu vinh cầu lợi?
Ứng viên duy nhất cho chức Thủ tướng của Việt nam Nguyễn Xuân Phúc đã có được 446 phiếu bầu chọn trong tổng số 490 phiếu bầu và trúng cử vào vị trí này đã có lễ tuyên thệ nhận chức hôm thứ năm. Buổi tuyên thệ được truyền đi trên truyền hình khi ông Phúc tuyên thệ sẽ “trung thành với tổ quốc, nhân dân và với Hiến Pháp.” Ông cũng thề sẽ tiếp tục cải cách và chống tham nhũng cũng như “kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” Những thách thức mà ông Phúc sẽ phải đối diện từ di sản của ông Nguyễn Tấn Dũng theo tờ Bloomberg là sự căng thẳng với Trung Quốc, nạn hạn hán và sự thiếu hụt ngân sách.
Dẫn lời các nhà phân tích, các tác giả bài báo cho rằng ông Phúc sẽ phải nhanh chóng thực hiện cải cách và thu hút đầu tư khi đang bị kẹt giữa tranh chấp lãnh thổ với đối tách thương mại lớn nhất là Trung quốc và Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương trong mùa bầu cử mới ở Hoa Kỳ. Ngoài ra không như người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng có xu hướng mở rộng quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ và mở cửa nền kinh tế, ông Phúc cùng với những lãnh đạo khác sẽ có xu hướng quay trở lại nguyên tắc đồng thuận sau khi triều đại tập trung quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng kết thúc.
Với tham vọng đạt được sự tăng trưởng kinh tế ở mức 6.7% trong năm 2016 là một thách thức lớn cho nội các của ông Phúc khi miền Nam đang phải đương đầu với nạn hạn hán mà hệ quả sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể sản lượng nông sản- mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt nam. Thêm vào đó giá dầu giảm cũng làm cho thu nhập ngân sách bị thiếu hụt. Kết quả là trong quý một năm 2016, mức tăng trưởng GDP của Việt nam chỉ ở mức 5.46% so với mức 7.01% của quý tư năm 2015. Ngoài ra thâm hụt kinh tế trong quý một 2016 ở mức 2 tỷ đô la và thanh toán nợ tăng lên mức 5.3%. Điều này dù cho việc mức tang trưởng GDP có thể sụt giảm theo mùa vụ thì ông Phúc cũng không có đủ tài lực để thực hiện gói kích cầu khi cần thiết.
Cũng theo các nhà quan sát thì dù cho sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy Hà nội tới gần Hoa kỳ hơn với chuyến đi Washington của ông Trọng năm 2015 và tới đây sẽ là chuyến công du của Obama tới quốc gia cộng sản ở Đông Nam Á, thì những người lãnh đạo mới của Việt nam cũng sẽ chỉ tìm cách thắt chặt mối quan hệ với Hoa Kỳ nhằm cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc. Việc đu dây này có thể do sự lo ngại TPP đang bị chỉ trích trong mùa bầu cử có thể sẽ không được Lưỡng viện Hoa kỳ thông qua sau khi Obama hết nhiệm kỳ tổng thống.
Thế nhưng sự lo ngại lớn hơn mà chính quyền Việt nam đang e sợ dù biết cải cách là cách thức để thúc đẩy kinh tế là sự suy yếu ảnh hưởng của Đảng đối với nền kinh tế. Một khi kinh tế tăng trưởng, tầng lớp trung lưu tăng lên sẽ đòi hỏi lộ trình dân chủ và trách nhiệm giải trình, và đó là một tình huống khó xử: không thể đàn áp tầng lớp trung lưu mà cũng không thể để cho họ có yêu cầu quá nhiều về dân chủ cũng như trách nhiệm giải trình.
Như đã bắt thóp được sự sợ hãi của Hà Nội, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã dự báo rằng Việt nam dưới sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo mới sẽ cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác là không đi theo Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc mà sẽ có thái độ thận trọng với cả hai bên. Chưa hết họ cũng đã tỏ thái độ rung cây nhát khỉ không cần giấu diếm về những nguy cơ mà chính quyền Việt nam sẽ phải đương đầu một khi Hà Nội chọn Washington.
Những lý do họ đưa ra là Việt nam sẽ bị các giá trị phương Tây chi phối mà đó là dân chủ, là nhân quyền, là trách nhiệm giải trình, minh bạch… – những điều mà Hoàn Cầu Thời Báo cho là các khác biệt về tư tưởng và hệ thống chính trị sẽ tác động đến đảng cộng sản. Để làm cho lập luận của họ được vững chắc hơn, Hoàn Cầu Thời Báo nhai lại điệp khúc Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đặc biệt về ý thức hệ, thương mại và văn hóa. Họ cũng đã đề cập đến Myanmar như một lời nhắc nhở và không quên đe rằng: sự biến động về chính sách của các quốc gia láng giềng cần phải được Trung Quốc quan tâm.
Các vị lãnh đạo cao cấp mới tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp liệu có giữ được sống lưng thẳng khi đương đầu với Trung Quốc trong khi tiến hành cải cách nhằm thúc đẩy nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt nam hay không, hay lại cũng như những nội các trước đó, chỉ chăm lo cho bản thân cầu vinh cầu lợi? Người Việt nam có quyền hi vọng không hay lại chỉ chua chát chấp nhận sự đổi mới, cải tổ thật sự chỉ có thể diễn ra sau khi lớp lãnh đạo bảo thủ giáo điều già nua đi theo Các Mác Lê Nin và lãnh thổ để cho đời con cháu đi đòi?