Việt Nam Thời Báo

Ám ảnh lễ hội!: ‘Đừng đẩy nữa, sắp chết ngạt rồi’ *

Theo thống kê năm 2009, Việt Nam có 7.966 lễ hội, hiện nay thì đã vượt quá con số 8.000. Nhiều nhất là lễ hội dân gian, kế đến là tôn giáo, lịch sử. Có những lễ hội rất xưa, hơn cả ngàn năm như lễ hội Tịch Điền từ thời vua Lê Đại Hành – năm 987 – và cũng có những lễ hội mới vài tuổi, du nhập từ nước ngoài như lễ hội té nước (của các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia), lễ hội hoa anh đào (Nhật Bản)… Nhiều lễ hội phát sinh sau này, kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”, chào mừng các sự kiện, được gọi bằng mỹ từ festival cho có vẻ hội nhập.

Hội cướp phết. Ảnh: LÃ ANH

Việt Nam có lẽ là nước có nhiều lễ hội nhất. Bình quân cứ 9 giờ có một lễ hội. Lễ hội nào cũng tốn kém. Ít thì năm bảy trăm triệu, nhiều thì cả trăm tỉ. Tiền của ai cũng là tiền. Không ai phản đối lễ hội. Người dân chỉ phản đối những lễ hội đốt tiền, bạo lực, man rợ, lai căng, khoe khoang… làm khổ dân, làm nghèo đất nước.

Buồn
Thường thì vui phải nói trước nhưng vì buồn nhiều hơn nên phải ưu tiên. Tôi và nhóm CBT (Community Based Tourism) vừa đi khảo sát Bến Tre để phát triển du lịch cộng đồng kiểu “made in Việt Nam”. Gặp bà con, ai cũng thân thiện, hiếu khách. Nhưng đằng sau sự niềm nở là những câu chuyện đắng lòng về thảm họa mặn hóa nguồn nước, là câu chuyện các con sông lớn đang từng giờ bị hủy hoại, cuộc sống bị đe dọa. Cùng lúc, tối ngày 10-4, lễ hội Năm Du lịch quốc gia 2016 với chủ đề “Khám phá đất phương Nam” được khai mạc trọng thể tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Chỉ riêng khách mời, là quan chức các tỉnh và trung ương đã không dưới 500, thử hỏi tiền vé máy bay, chi phí đi lại và ăn ở cho chừng đó con người tốn hết mấy tỉ? Đây là lễ hội lớn nhất của ngành du lịch với 14 lễ hội của trung ương, 38 lễ hội của các tỉnh thành, 13 lễ hội của Kiên Giang; kéo dài gần chín tháng.
Năm Du lịch quốc gia 2015 được tổ chức tại Thanh Hóa với chủ đề “Kết nối các di sản” có 6 lễ hội của trung ương, 21 lễ hội của các tỉnh thành, 5 lễ hội của Thanh Hóa. Tổng kết, bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch vừa miễn nhiệm cho biết “Nhờ sự kiện năm quốc gia, du lịch Thanh Hóa tăng 45% doanh thu”. Theo đà này, năm 2016, doanh thu du lịch Kiên Giang chắc phải tăng 100% vì quy mô gấp đôi.
Dù doanh thu tăng 45%, cao nhất cả nước, nhưng Thanh Hóa không nằm trong tốp 10 điểm sáng của du lịch Việt Nam. Cũng xin nói thêm, năm 2015, du lịch inbound (người nước ngoài vào Việt Nam) chỉ tăng 0,9%, thấp nhất ASEAN và thấp nhất trong biểu đồ tăng trưởng giảm liên tục từ 2009 đến nay.
Các lễ hội (nhiều nơi gọi là festival) kiểu mới do Nhà nước khởi xướng luôn hoành tráng về mặt tiền bạc nhưng tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả) và nghèo nàn về nội dung nên chẳng giúp gì cho người dân lẫn ngành du lịch.
Lễ hội nào cũng kính thưa dài dòng, phát biểu lê thê, sân khấu hóa và truyền hình trực tiếp… na ná theo công thức chung. Chẳng nước nào làm vậy. Tôi được làm khách mời VIP của một số lễ hội và ngao ngán. Chẳng du khách nào bỏ tiền mua tour để dự những lễ hội hành xác kiểu đó. Toàn là bao cấp, khoa trương.
Dư luận xã hội ngày càng bất bình về những lễ hội dã man như đâm trâu (Tây Nguyên), chọi trâu (Hải Phòng), chém lợn (Bắc Ninh)… Chọi xong, giết sạch cả trâu thắng lẫn trâu thua, bán giá trên trời, như một kiểu đầu cơ giá? Nhiều người cũng bức xúc về những lễ hội bạo lực như cướp phết (Phú Thọ), cướp lộc (trong lễ hội Khai Ấn đền Trần, Nam Định)… Đã là cướp, sao có thể nói chuyện phải trái, đàng hoàng, lịch sự? Rồi các lễ hội tâm linh biến tướng, buôn thần bán thánh, hối lộ thần linh… nhân danh truyền thống ngày càng nhức nhối.
Vui
Giữa ngổn ngang màu xám lễ hội, vẫn có nhiều điểm sáng bất ngờ, cần được gìn giữ và phát huy. Đó là lễ hội Minh Thề (còn gọi là Minh Thệ) ở Hải Phòng. Lễ hội được tổ chức để quan chức thề liêm chính, có từ thế kỷ 14, đời nhà Mạc. Được phục hồi sau mấy chục năm gián đoạn, lễ hội là điểm son, nhất là trong thời buổi đại họa tham nhũng như hiện nay. Tiếc là lễ hội chỉ mới dừng lại ở cấp làng. Chưa có quan chức nào tham dự và thề với trời đất. Tương tự là lễ hội Tịch Điền ở Hà Nam, có từ thời vua Lê Đại Hành (cuối thế kỷ thứ 10), gắn liền với kỷ nguyên độc lập của Đại Việt. Hai cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang từng khai hội.
Lễ hội đua bò ở An Giang sôi động, dân dã mà rất nhân văn. Cùng là gia súc nhưng trâu chọi thì bị làm thịt, còn bò đua ở đây thì được yêu quý, thắng được giải, thua thì năm sau đua tiếp, vui vẻ mà chẳng mất gì. Các lễ hội tín ngưỡng dân gian như Lễ Cầu ngư, Nghinh ông ở phía Nam; Lễ hội Katê của người Chăm; Lễ hội trái cây Nam bộ (TPHCM) cũng rất hấp dẫn mà ít tốn kém. Lễ hội Hoa Tam Giác Mạch (Hà Giang), chỉ mới năm đầu tiên nhưng để lại nhiều ấn tượng tốt. Các lễ hội dân gian ở Hội An được du khách nước ngoài đánh giá cao. Các lễ hội Đống Đa (Hà Nội), Khao Thề (Quảng Ngãi)… gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm rất sinh động và hiệu quả. Trong khi Tết Nguyên đán và Trung thu bị biến tướng thì các lễ hội Thanh Minh, Đoan Ngọ, Vu Lan… cùng một số lễ hội ngành nghề vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng.
Một số lễ hội mới cũng có nhiều điểm cộng như các festival bắn pháo hoa, đua thuyền (Đà Nẵng), thả diều (Bà Rịa Vũng Tàu)… đều thu hút đông đảo du khách, cả nội địa lẫn quốc tế.
Thời đại Internet, cách làm tiết kiệm và hiệu quả nhất là mở các diễn đàn để tiếp nhận các hiến kế rồi tổng hợp theo tinh thần hội nghị Bình Than để đưa ra các quốc sách như cách mà vua Trần Nhân Tông chủ trì năm 1282.
Kỳ vọng
Truyền thống không phải cái nào cũng tốt đẹp. Tự thân các lễ hội không hề có lỗi. Mục đích lễ hội nào cũng tốt đẹp, kể cả những lễ hội du nhập từ nước ngoài, vấn đề là chúng ta biết “gạn đục khơi trong”, kế thừa tinh hoa và hội nhập để phát huy tinh thần các lễ hội. Đó là việc cấp bách cần làm.
Các lễ hội phải lấy cộng đồng và du khách (chứ không phải các nhóm lợi ích hay đám đông cuồng tín) làm chủ thể. Nhà nước chỉ tham gia với vai trò quản lý và giám sát. Các doanh nghiệp, nhất là ngành du lịch sẽ đồng hành, hỗ trợ quảng bá và đưa khách tới. Đoạn tuyệt với các lễ hội khoe khoang, hối lộ thần linh, buôn thần bán thánh. Chỉ cần chừng vài phần trăm lễ hội hiện có được tổ chức tiết kiệm, thiết thực, gắn với nhu cầu chính đáng của cộng đồng và du khách chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ bội thu.
Chất lượng và sự độc đáo sẽ quyết định hiệu quả các lễ hội. Số lượng quá nhiều, trở thành lạm phát lễ hội. Một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa như Việt Nam không thể để lễ hội thành vấn nạn xã hội như hiện nay.
Vấn đề là chúng ta có thật lòng muốn giải quyết triệt để hay không.

Theo TBKTSG
* VNTB đặt lại tiêu đề
* Tiêu đề gốc: Ám ảnh lễ hội

Tin bài liên quan:

VNTB – Mới ngó ngó mà phán như… đúng rồi…

Do Van Tien

VNTB – Phóng sự ảnh: Phố ông đồ ngày cuối năm

Bùi Ngọc Dân

VNTB – U mê đầu tư vào quá khứ, rẻ rúng tương lai 

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo