Đỗ Đăng Bắc
(VNTB) – Cá chết hàng loạt, trải dài dọc bờ biển Miền Trung hàng trăm km. Biển đã chết thực sự, nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa đlại tổ chức cái lễ hội ấy “biển hát” ấy…
“Hàng nghìn người đội mưa xem khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn”.
Đó là cái tít với hàng chữ đậm của VOV điện tử (Bản tin điện tử Đài tiếng nói VN), đưa tin về cái lễ hội được gọi tên “Sầm Sơn bừng sáng tương lai”.
Bản tin còn cho biết chi tiết thêm: sau khai mạc 20 phút, trời đổ mưa…, (và hàng nghìn người hiếu kỳ kia đang xem “Sầm Sơn bừng sáng tương lai” trong cơn mưa đó)…
Không mưa sao được, khi cách đây chưa lâu, có hàng vạn ngư dân cửa biển Sầm Sơn không còn có thể khóc, vì nỗi đau bị mất biển bởi một doanh nghiệp.
Không mưa sao được khi mà hàng triệu con người đang không còn nước mắt để mà khóc, bởi biển của họ, biển ngàn đời của cha ông để lại, đã và đang chết. Cá chết hàng loạt, trải dài dọc bờ biển Miền Trung hàng trăm km. Biển đã chết thực sự. Còn ngư dân, những người bạn của biển khơi sẽ sống ra sao?
Trong khi một sự kiện vô cùng bức xúc, chấn động cả xã hội đầy bí hiểm như thế đang xảy ra, có lẽ chỉ xếp sau sự kiện nợ công, nạn tham nhũng và tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền; thì UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cái lễ hội trên.
Tiền ở đâu, cơ quan nào tài trợ mà Lễ hội “Sầm Sơn bừng sáng tương lai” được tổ chức hoành tráng thế? Tiền của UBND tỉnh Thanh (cũng tức là tiền thuế của Nhân Dân, trong đó có đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của ngư dân T.H) bỏ ra, hay tiền “tài trợ” của tập đoàn FLC- đối tượng vừa làm cho hàng vạn ngư dân tỉnh Thanh sống dở chết dở với việc bờ biển neo đậu tàu thuyền của họ bao đời nay bị cướp mất?
Tổ chức một lễ hội hoành tráng như thế tại một địa điểm “nhạy cảm”; trong lúc biển đang bị hãm hại cả ngoài khơi đến ven bờ, là một hành động hết sức phản cảm. Nó không chỉ phản cảm, mà hơn thế, nó còn như một lời thách thức, hay thách đấu với Nhân Dân Thanh Hóa, với Nhân Dân cả nước.
Nó hoành tráng không chỉ ở sân khấu dựng công phu, mà còn ở số lượng các quan chức là khách mời, từ “đỉnh cao trí tuệ” BCT, tới quan chức địa phương “ăn theo”, nhiều tới mức đôi MC thay nhau “trân trọng giới thiệu” không dứt…
Với các quan lại, từ hàng tỉnh tới trung ương thì vẫn vậy. Họ vô cảm tới nhẫn tâm, chẳng nói làm gì.
Nhưng đáng trách là ở những ca sỹ kia. Họ là một bộ phận cấu thành nên một giới mà người ta vẫn gọi là giới văn nghệ sỹ; nó gần gũi, có “họ hàng” thân thuộc với giới trí thức. Họ hát, họ cười. Họ trưng diện lộng lẫy trong ánh đèn muôn màu chớp nhóa. Họ uốn éo, lả lơi… Họ nghĩ rằng chức năng mà cuộc đời trao cho họ là hát, là múa, là đàn ca sáo nhị, chứ không phải đi ra ngoài trùng khơi để bắt cá về? Dù cá có chết trải dài không chỉ hàng trăm km dọc duyên hải Miền Trung, mà dọc dài từ Bắc chí Nam, cũng có hề hấn gì với họ?
Chưa bao giờ sự ác cảm mà có lẽ dư luận dành cho giới ca sỹ lại nhiều đến thế. Tôi có ác cảm với cái định kiến từ xưa: “Sướng ca vô loài”; Nhưng mà ô hay, sao hôm nay nó lại hiện lên trong óc tôi “tự nhiên” và tức thì đến vậy? (Tôi phải xin lỗi ca sĩ Khánh Ly, Như Quỳnh, Thanh Tuyền… và nhiều ca sỹ khác nữa-những danh ca luôn hát bằng cả trái tim…). Bài hát “Biển hát chiều nay” được chọn làm tiết mục mở màn, với giọng ca nổi tiếng hát về chiến tranh, có dàn diễn viên múa nam nữ tới vài chục người phụ họa, với đạo cụ nhiêu khê.
“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao
Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào
Môi cười rất xinh lung linh màu áo”.
Giọng ca véo von. Những son phấn trên những khuôn mặt với “Môi cười rất xinh, lung linh màu áo” là của những “con hát” đêm nay; nó đối lập với những khuôn mặt sạm đi vì nắng gió đại dương của anh ta, những khuôn mặt héo đi vì âu lo của chị ta, những ánh nhìn đầy âu lo của em ta hướng ra biển, mong ngóng phía chân trời sự trở về của những con thuyền tả tơi trong dông lốc của thiên tai, của nhân tai…
“Ôi biển Việt Nam ôi sóng Việt Nam
Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng”(!!!).
…
Những câu hát được hát lên trong bối cảnh hôm nay về biển, như những lời nói dối trắng trợn và mặt dày. “Ca sỹ” không còn biết xấu hổ. Họ hát vì tiền. Không bao giờ biết hát bằng sự rung động. “Biển hát chiều nay”! Có thật BIỂN hát không, hay là ai hát? Hát cái nỗi gì, khi biển đang chết? Biển đang khóc. Đang gào thét thì có. “Sầm Sơn bừng sáng tương lai”. Bừng sáng cho ai? Còn với em ta, mẹ ta, thì bát cơm đang vơi đi. Tương lai là con đường em ta tới trường cũng đang khép lại…
Đây, nếu là BIỂN hát, biển phải hát thế này cơ, vì BIỂN MẶN CHÁT, chứ BIỂN không ngọt…
“Cao ngất Trường Sơn
Ôm ấp tình thương nước ra sông buồn
Tìm về Biển Đông
Tình yêu thành sóng Thái Bình Dương.
Rồi từng đêm sương,
Sóng vỗ về ru giấc quê hương;
Nhưng quê hương chưa ngủ,
Khi bom đạn tơi bời còn nhục nhằn dưới ruộng trên nương.
Tôi thức từng đêm
Thơ ấu mà nghe muối sa trong lòng.
Mẹ là mẹ trùng dương
Gào than từ bãi trước ghềnh sau…
…
Lời của Biển là thống thiết, bi thương, là day dứt khôn nguôi, vì quê hương còn bom đạn tơi bời…
Ấy vậy mà, BIỂN quê hương trải bốn mươi năm, “sạch bóng quân thù”, giờ ra nông nỗi này đây!…