Được nới rộng biên độ, “con lắc” tỷ giá USD/VND từ cuối tháng 8/2015 đến nay đã chuyển động mạnh hơn. Những biểu hiện căng thẳng liên quan không hẳn chỉ từ yếu tố tâm lý.
Cung – cầu luôn tác động trực tiếp tới tỷ giá. Ở góc độ cân đối này, báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam do HSBC công bố cuối tuần qua nhìn sâu hơn vào một “tin tốt” đang thể hiện.
“Sự trở lại của thâm hụt kép sắp sửa diễn ra”, báo cáo đặt tiêu đề, như một dự báo, hoặc cảnh báo cũng là một cách hiểu.
Thực tế, thâm hụt thương mại nới rộng là diễn biến mà HSBC nhấn mạnh và dự tính, khi nhìn về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2015 và đầu 2016.
Về định nghĩa, thâm hụt thương mại nới rộng phản ánh sự thực rằng hoạt động nhập khẩu vượt xa xuất khẩu. Sau 11 tháng đầu năm, cân đối này đã thể hiện rõ, tạo khác biệt lớn so với 2014. Đây cũng chính là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ giá.
Xuất khẩu của Việt Nam, theo từ mà báo cáo HSBC dùng, có thể sẽ vẫn ở trạng thái uể oải suốt quý 1/2016, sau khi tốc độ tăng trưởng kém đi trong 11 tháng đầu năm nay; đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp trong bốn tháng qua.
HSBC dự báo, từ mức thặng dư ước tính 0,2% trong năm 2015 và 5,1% trong năm 2014, cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ rơi vào ngưỡng thâm hụt tương đương khoảng 1,6% GDP trong năm 2016. |
Ngược lại, nhập khẩu vẫn thể hiện đà tăng mạnh hơn. “Tin tốt” mà HSBC nói tới nằm ở đây, gắn với một chuyển biến rõ nét trong năm nay: cầu nội địa mạnh lên một phần nhờ tín dụng.
“Thâm hụt thương mại đang mở rộng chủ yếu là do nhu cầu trong nước dồi dào và chính điều đó là kết quả của vay nợ trở lại”, báo cáo lý giải. Nó gợi nhớ lại một quan điểm/góc nhìn từng có trong năm 2012-2013 rằng, tỷ giá USD/VND được bình ổn một phần do kinh tế khó khăn và nhu cầu nhập khẩu trong nước hạn chế đi.
Nay, 11 tháng đầu năm 2015, cầu trong nước phục hồi và dồi dào như HSBC nói. Nền kinh tế vay nợ đã trở lại, qua tốc độ mạnh lên rõ nét của tín dụng. Nói cách khác, lãi suất dễ chịu hơn, vốn được đẩy mạnh hơn đã hỗ trợ cầu.
Báo cáo của HSBC cũng lưu ý, cần xem xét kỹ hoạt động nhập khẩu một chút. Và tin tốt là một phần quan trọng của con số tăng 13,7% từ đầu năm đến nay của hoạt động nhập khẩu có liên quan đến nhu cầu nhập khẩu thiết bị cố định.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu, nhập khẩu máy móc thiết bị vẫn duy trì mức tăng mạnh trong năm 2015 và vẫn đang trên đà phát triển gần mức tăng trưởng 25% của năm ngoái.
Tin tốt nằm ở chỗ, diễn biến trên đại diện cho hoạt động đầu tư nhằm mục đích xây dựng năng lực sản xuất. Thêm nữa, hoạt động nhập khẩu máy móc đã thực sự đi song song với nguồn vốn FDI được thực hiện.
Như trên, tín dụng tăng trưởng mạnh đã góp phần kích thích sức cầu, trong đó có ở hoạt động nhập khẩu. Với diễn biến 11 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đang hướng tới mục tiêu 17%, thậm chí cao hơn.
Dù không lớn, chỉ thêm khoảng 1% vào tăng trưởng nhập khẩu từ đầu năm đến nay, nhưng nhập khẩu thiên về tiêu dùng cũng là một diễn biến đáng chú ý.
Điển hình như nhập khẩu ôtô liên tục tăng mạnh trong năm nay, vượt trội so với những năm trước. Ở đây, theo báo cáo của HSBC, nó phản ánh tăng trưởng có thật ở lĩnh vực kinh doanh xe hơi trong nước mà đã được cứu vớt bởi môi trường tín dụng dễ chịu hơn.
Không có trong bản báo cáo trên, nhưng sẽ là thiếu sót khi nhìn nhận về thay đổi của nhập khẩu, nhất là gắn với diễn biến tỷ giá hiện nay, có trong một tin tốt khác: ở kênh chính ngạch, những năm gần Việt Nam đã cắt bỏ được một phần nhu cầu ngoại tệ níu kéo từ hoạt động nhập khẩu vàng.
Về tổng thể, báo cáo HSBC nhìn lại từ năm 2011, Việt Nam có mức thặng dư tài khoản vãng lai khá thoải mái nhờ vào sự thay đổi mạnh trong cán cân thương mại hàng hóa và nguồn kiều hối ổn định. Tuy nhiên, cán cân thương mại hàng hóa bị xói mòn đã dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai ngày càng thu hẹp lại.
Trong quý 1/2015, cán cân tài khoản vãng lai đã rơi vào ngưỡng thâm hụt 1 tỷ USD, mức thâm hụt đầu tiên trong gần bốn năm qua. Sự sụt giảm này mang tính thời vụ. Tuy nhiên, quan điểm của HSBC cho rằng những mức thâm hụt đó sẽ dần trở nên bình thường trong những quý tới dựa vào những đánh giá về nhu cầu trong nước mạnh hơn và sự hiện diện của thâm hụt thương mại ngày càng nới rộng.
“Trong năm 2016, chúng tôi dự đoán cán cân tài khoản vãng lai sẽ rơi vào ngưỡng thâm hụt tương đương khoảng 1,6% GDP từ mức thặng dư ước tính 0,2% trong năm 2015 và 5,1% trong năm 2014”, HSBC dự báo về một áp lực đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có vấn đề tỷ giá.