Việt Nam Thời Báo

VNTB – Án lệ và dân oan: Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng (bài 2)

Thảo Vy (VNTB) Nhóm tư vấn luật của VNTB xin giới thiệu những nội dung về các bản án sẽ được đưa vào tập án lệ, được quy định tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng trước khi xét xử nhưng Tòa án và một bên đương sự không biết thì có thể coi đây là tình tiết để giải quyết vụ án theo thủ tục tái thẩm hay không?
(Vụ án tranh chấp đất giữa bà Đào Thị Mia và ông Cao Văn Lâm tại Đồng Tháp).
Năm 1996, ông Lê Văn Giàu (chồng bà Đào Thị Mia) và ông Cao Văn Lâm ký thỏa thuận đổi đất, theo đó, ông Giàu đổi phần đất ruộng 68.000m2 để lấy 5.700m2 đất của ông Lâm; ông Giàu còn phải thanh toán chênh lệch giá đất cho ông Lâm là 114 chỉ vàng 24k.
VNTB – Án lệ và dân oan: Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng (bài 2)
Năm 1997, ông Giàu giao cho ông Lâm 94 chỉ vàng 24k, ông Lâm tháo dỡ nhà trên đất và hai bên đã bàn giao đất chuyển đổi cho nhau. Do việc đổi đất không được sự đồng ý của cơ quan quản lý đất đai tại địa phương nên đến năm 2000, ông Lâm, ông Giàu đã trả lại đất cho nhau.
Ông Giàu chết năm 2002. Sau khi ông Giàu chết, bà Mia yêu cầu ông Lâm tiếp tục thực hiện việc đổi đất, nếu hủy hợp đồng thì ông Lâm phải trả lại số vàng chênh lệch giá trị đất đã giao (94 chỉ) theo giá đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Ông Lâm chỉ đồng ý trả lại cho bà Mia 94 chỉ vàng 24k.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/DSST ngày 9-01-2004, TAND tỉnh Đồng Tháp đã hủy hợp đồng chuyển đổi đất giữa ông Giàu và ông Lâm, buộc ông Lâm trả cho bà Mia 94 chỉ vàng gốc và lãi là 26 chỉ 3 phân 2 ly vàng 24k.
Bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 96/DSPT ngày 6/4/2004, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định hủy hợp đồng chuyển đổi đất do ông Giàu và ông Lâm ký năm 1996 đồng thời buộc ông Lâm trả cho bà Mia 728 chỉ vàng 24k. Ông Lâm có khiếu nại. Bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TAND tối cao kháng nghị tái thẩm.
Tại phiên họp ngày 19-3-2014, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao cho TAND tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm lại. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng là:
Tại thời điểm đổi đất (năm 1996), ông Giàu và ông Lâm đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên hợp đồng đổi đất là vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm quyết định “hủy hợp đồng” là không chính xác, lẽ ra phải tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Khi giải quyết hậu quả của tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì giá đất là yếu tố quan trọng phải xác định để làm cơ sở tính hoàn trả các khoản tiền đã giao, thiệt hại phát sinh do tuyên bố vô hiệu (theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
Diện tích đất của ông Lâm đã có quy hoạch thu hồi để xây dựng công trình công cộng (trạm biến áp 110 KV) từ năm 2003. Khi định giá để xét xử sơ thẩm, hội đồng định giá vẫn định giá đất bình thường như những diện tích đất không có quy hoạch thu hồi. Gia đình bà Mia cũng không biết về việc này. Do đó, giá đất mà Tòa án xác định làm căn cứ xét xử chênh lệch rất lớn so với giá đất thực tế. Như vậy, tình tiết đất đã có quy hoạch thu hồi là tình tiết quan trọng có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án.
Có ý kiến cho rằng tình tiết đất đã có quy hoạch thu hồi không phải là tình tiết mới nên không phải là căn cứ tái thẩm (ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại phiên họp tái thẩm).
Theo quy định tại Điều 304 Bộ luật tố tụng dân sự thì tính chất của tái thẩm là trình tự xét xử đặc biệt do “có những tình tiết mới được phát hiện” chứ không phải là “tình tiết mới”. Do đó, những tình tiết, sự kiện đã xảy ra từ trước khi xét xử nay mới phát hiện thì cũng là tình tiết thuộc căn cứ tái thẩm. Việc kháng nghị tái thẩm phải căn cứ vào quy định cụ thể của Bộ luật tố tụng dân sự về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Điều 305). Một trong những căn cứ kháng nghị tái thẩm là “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” (Khoản 1 Điều 305 Bộ luật TTDS).
Vấn đề đặt ra là tất cả các đương sự đều không biết về “tình tiết quan trọng” ấy hoặc có thể có một hoặc một số đương sự vẫn biết về tình tiết ấy khi Tòa án xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Thực tế, những “tình tiết quan trọng” mà các đương sự đều không biết là rất hiếm. Hội đồng thẩm phán đã xác định những tình tiết quan trọng mà một bên đương sự không biết và Tòa án cũng không biết khi xét xử là tình tiết thuộc căn cứ tái thẩm quy định tại Khoản 1 Điều 305 Bộ luật TTDS. 
Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:
1. Đất tranh chấp đã bị quy hoạch xây dựng công trình công cộng là tình tiết có ảnh hưởng quan trọng đến việc giải quyết tranh chấp.
2. Quy định “mà đương sự đã không thể biết” không đòi hỏi phải là tất cả các đương sự không thể biết. Chỉ cần một trong các đương sự không biết và Tòa án không biết là thuộc căn cứ kháng nghị tái thẩm quy định tại Khoản 1 Điều 305 Bộ luật TTDS.

Tin bài liên quan:

VNTB – Tiếng kêu oan nghiệt thảm thiết từ Tiền Giang

Phan Thanh Hung

VNTB – Nói xấu Thích Nhật Từ cũng bị chụp mũ chính trị

Trương Thế Tử

Phiên tòa chớp nhoáng ‘chống người thi hành công vụ’ ngày 18/12/2014

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo