TS (VNTB) – “Quá dã man!” là câu nói của nhiều người dân địa phương Hải Dương cũng như cư dân mạng khi chứng kiến hình ảnh kẻ lái máy cẩu lạnh lùng cán qua nạn nhân, mặc cho những người dân kêu gào cảnh báo.
Nhưng các thế hệ chính quyền ở Hải Dương không chỉ rơi xuống đáy vô cảm mà còn có thể dã man hơn: “Về thông tin xe ủi của đơn vị thi công chèn qua người dân khi vào trong KCN Cẩm Điền, Trung tá Nguyễn Trọng Hiển – Phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng cũng khẳng định: “ Không có chuyện xe ủi cán qua người dân. Để khẳng định những hình ảnh người dân bị xe ủi chen qua bánh xích xe ủi thì phải chờ cơ quan chức năng giám định, kết luận” (báo Gia Đình).
Trong khi đó theo báo Giáo Dục: “Chủ tịch huyện Cẩm Giàng: Clip trên mạng, người ta cắt ghép kinh khủng quá”.
Sự thật ra sao?
Vừa có xác minh chính thức của báo Kiến thức: “Bà Lê Thị Thụy (SN 1962) là chị gái nạn nhân Châm cho biết: “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chứng kiến, khi Châm đang ở đầu máy xúc, người lái máy xúc nhảy xuống, sau đó có một đối tượng lạ mặt nhảy lên xe và điều khiển máy xúc lao thẳng về phía trước. Một lúc sau, thấy Châm ở dưới bánh xe xích của máy xúc nhiều người hô hoán. Khi đó, tôi như chết lặng. May mắn, sau đó người ta phát hiện Châm còn sống”.
Kẻ nào cắt ghép sự thật và kẻ nào ngụy biện dối trá trước hàng triệu người dân Việt Nam đang bị tống vào cảnh bần cùng hóa?
Chính quyền nào sẽ phải có trách nhiệm nghiêm trị những kẻ dối trá dã man trước thảm cảnh của đồng loại?
Những tin liên quan:
Người bị máy xúc cán qua người ở Hải Dương giờ ra sao?
(Kiến Thức) – Người phụ nữ bị máy xúc cán khi phản đối thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương bị gãy xương cẳng tay, cơ thể nhiều chấn thương ở vùng đầu.
Liên quan đến vụ việc, do phản đối đưa máy xúc vào thi công dự án trongKCN Cẩm Điền Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương) bị lái máy xúc cán qua người hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương.
Để tìm hiểu về sức khỏe nạn nhân Lê Thị Châm, PV Kiến Thức đã đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nơi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu ngay sau khi xảy ra vụ việc.
Trao đổi với PV, bác sĩ Vũ Tiến Thành, Khoa ngoại 1, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết, vào khoảng 11h trưa ngày 10/7, bệnh nhân Lê Thị Châm được đưa vào phòng cấp cứu Khoa ngoại 1 trong tình trạng gãy xương cẳng tay, Chấn thương hàm mặt, chấn thương vùng đầu, chấn thương nặng bên mắt phải dẫn đến khả năng nhìn kém. Ngoài ra chưa phát hiện tổn thương xương sườn. Hiện các bác sĩ đang hội chẩn thêm để có kết quả chính xác nhất.
Tìm đến phòng cấp cứu nơi bệnh nhân Châm đang điều trị, đến thời điểm chiều 10/7, bệnh nhân do sức khỏe yếu vẫn chưa nói được, mặt có nhiều vết thâm tím.
Bà Lê Thị Thụy (SN 1962) là chị gái nạn nhân Châm cho biết: “Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi cũng chứng kiến, khi Châm đang ở đầu máy xúc, người lái máy xúc nhảy xuống, sau đó có một đối tượng lạ mặt nhảy lên xe và điều khiển máy xúc lao thẳng về phía trước. Một lúc sau, thấy Châm ở dưới bánh xe xích của máy xúc nhiều người hô hoán. Khi đó, tôi như chết lặng. May mắn, sau đó người ta phát hiện Châm còn sống”.
“Rất may, khi bánh xe xích của máy xúc chèn qua, có lượng cát dày nếu không thì không biết điều gì đã xảy ra với bà Châm. Bởi khi xảy ra vụ việc bà ấy không nằm dưới rãnh như mọi người nghĩ mà nằm ngay trên nền đất cát.”, Bà Thụy cho hay.
Theo bà Thụy, bà Châm là người phụ nữ đơn thân dù năm nay đã 54 tuổi. Nạn nhân Châm có một sào ruộng trong diện được hỗ trợ đền bù nên cùng bà Thụy và người dân địa phương ra khu CN Cẩm Điền để đòi hỗ trợ hợp lý hơn thì xảy ra vụ việc.
“Quá dã man!” là câu nói của nhiều người dân địa phương cũng như cư dân mạng khi chứng kiến hình ảnh, lái máy cẩu lạnh lùng cán qua nạn nhân, mặc cho những người dân kêu gào cảnh báo.
Đến thời điểm chiều ngày 10/7, hàng trăm người dân địa phương vẫn tập trung ở cổng khu công nghiệp để bày tỏ sự bức xúc. Theo những người dân địa phương, thời điểm xảy ra vụ việc, người lái chiếc máy xúc khi bị người dân ngăn cản đã nhảy xuống. Tuy nhiên, một đối tượng lạ mặt đã nhảy lên máy xúc, cố tình lái chiếc máy này lao thẳng bất chấp có một số người dân đang đứng ở đầu máy. Khi người dân phát hiện bà Lê Thị Châm bị máy xúc cán qua người, hô hoán và nhiều người tham gia ngăn cản, đối tượng này mới dừng lại.
“Thời điểm xảy ra vụ việc, khi chứng kiến cảnh bà Châm giãy dụa nên nhiều người dân tưởng bà Châm đã tử vong nên mua hương về lập ban thờ. Rất may sau đó, người dân phát hiện bà Châm vẫn còn sống nên đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương”, một người dân chứng kiến vụ việc cho biết.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật…
Hải Ninh
Kiến thức
—————————
Vụ clip người dân bị máy xúc chèn qua người ở Hải Dương: Dân nói có, chính quyền bảo không
Như LĐO đã đưa tin, ngày 10.7 trên mạng xã hội lan truyền nhanh đến chóng mặt một clip ghi lại cảnh một chiếc máy xúc chèn lên một phụ nữ khi chị này cùng nhiều người dân khác ngăn cản máy xúc vào công trường tại Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (Dự án Vship Hải Dương). Ngay trong ngày, PV báo Lao Động đã về địa phương tìm hiểu, xác minh vụ việc.
Người dân: Máy xúc chèn lên người dân ngăn cản thi công
Chiều 10.7, PV Lao Động đã về KCN Cẩm Điền ghi nhận về vụ việc. Tại đây, vẫn còn hàng chục người dân đang đứng bảo vệ hiện trường, 1 chiếc máy xúc cũng được giữ lại. Hàng chục người dân đồng loạt tố cáo những người thuộc nhà thầu thi công đã bất chấp tính mạng của người dân, cho máy xúc lao thẳng vào người dân. Hậu quả làm bà Lê Thị Trâm, 56 tuổi, tại thôn Hoàng Xá bị máy xúc chèn qua người.
Bà Lê Thị Trâm đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương. |
Bà Lê Thị Hiền ở thôn Hoàng Xá kể lại: Chúng tôi là những người dân có ruộng đất tại khu vực triển khai dự án KCN Cẩm Điền – Lương Điền này, không đồng tình với việc đền bù giải phóng mặt bằng nên nhiều năm qua chúng tôi khiếu kiện khắp. Gần đây, mấy chục hộ dân chúng tôi kéo ra đây phản đối.
Tối qua, nhà thầu thi công thuê nhiều đầu gấu đến gây gổ đánh người dân. Tới sáng nay, họ đưa máy xúc, ô tô đến, dân chúng tôi ra ngăn cản thì người lái máy xúc và nhiều người khác xông tới.
Bà Nguyễn Thị Đông, 56 tuổi, ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền cũng bức xúc: Lúc máy xúc nhấn ga tiến vào, chị Trâm đang lúi húi nhặt mấy lá cờ không tránh kịp, bị máy xúc ủi lên người. Phải mất một lúc lâu, khi lái xe lùi lại, chúng tôi mới đưa được chị Trâm ra ngoài đưa đi cấp cứu. Rất may nơi chị Trâm bị máy xúc đè lên có một cái rãnh, phía trên là cát nên chị ấy chỉ bị thương, nếu không thì đã chết rồi.
Chính quyền: Không có việc chị Trâm bị máy xúc cuốn vào bánh
Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Lê Huy Kiên – Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền – cho biết: Lúc 8h chúng tôi nhận được thông tin giữa công ty với người dân xảy ra vụ việc làm chết người. Tuy vậy, sau khi xác minh tại hiện trường, lực lượng công an xã báo lại là không có chuyện người dân bị máy xúc chèn mà chỉ có vụ va chạm giữa người dân với lực lượng thi công. Một người dân va vào máy xúc, bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương với vết thương gãy khuỷu tay, chấn thương sọ não.
Chiều 10.7, trao đổi thông tin tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, PV Lao Động đã đặt câu hỏi về tính xác thực của clip người dân bị chèn nửa người dưới bánh xích đang lan truyền trên mạng Internet. Trung tá Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cho biết: “Để thẩm định tính xác thực của clip trên phải có cơ quan chuyên môn thẩm định”.
Trung tá Hiển cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện đã có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường. 2 người bị thương trong vụ việc là chị Lê Thị Trâm, 56 tuổi, tại thôn Hoàng Xá, được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Hải Dương; anh Nguyễn Văn Sinh, SN 1973 (công nhân lái máy xúc) hiện đang điều trị tại Viện quân y 7. Chúng tôi khẳng định không có việc xe máy xúc đè qua người dân. Xe máy xúc với trọng lượng 17 – 18 tấn chèn qua người thì không ai có thể sống sót được”.
Về việc người dân tố cáo từ ngày 9.7, đã có một số đối tượng xã hội đen đến đánh người dân, ông Hiển khẳng định: Lực lượng công an đã theo dõi sát tình hình, chúng tôi không ghi nhận được tình trạng trên.
16h40 ngày 9.7, đơn vị thi công có đưa 2 xe ô tô tải vào KCN và người dân ngăn cản, chúng tôi đã điều lực lượng đến nên không xảy ra bất cứ việc gì.
Theo ghi nhận của PV báo Lao Động tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, bà Lê Thị Trâm đang điều trị với vết thương gãy tay phải, chấn thương sọ não.
Lao động
————————
Hải Dương bác bỏ chuyện xe ủi cán qua một phụ nữ khi phản đối dự án
GiadinhNet – Trước sự việc xô xát xảy ra tại dự án VSIP thuộc KCN Cẩm Điền-Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) vào sáng 10/7, chính quyền tỉnh Hải Dương khẳng định không có chuyện xe ủi chèn qua người.
Tại cuộc họp khẩn chiều cùng ngày (10/7) tại UBND tỉnh, ông Nguyễn Mạnh Hiển – Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị liên quan tới dự án VSIP cũng như đơn vị công an tỉnh, huyện báo cáo toàn bộ sự việc, bàn hướng giải quyết.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Nguyễn Mạnh Hiển trù trì cuộc họp
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo từ phía các đơn vị chức năng, công an huyện, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu VSIP khẩn trương kiểm tra lại phương án thi công của nhà thầu.
Đồng thời yêu cầu, phía VSIP và UBND huyện Cẩm Giàng phải công khai phương án thi công, triển khai dự án cho người dân nắm rõ. Việc không công bố thời gian, phương án thi công của VSIP đã phần nào gây hiểu lầm trong dân dẫn đến xảy ra xô xát.
Ông Hiển cũng cho biết: “Việc xảy ra sáng nay giữa đơn vị thi công san ủi mặt bằng với người dân địa phương, dẫn đến bị thương là nằm ngoài tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Tôi yêu cầu, phía công an tỉnh nắm chắc diễn biến tình hình ở hiện trường, từ đó làm rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm của những người liên quan, đặc biệt làm rõ nguyên nhân vụ xô xát này…”.
Người dân trong xã cẩm Điền vẫn tập trung đông ở khu vực dự án VSIP phản ứng về vụ xô xát sáng nay
Về thông tin xe ủi của đơn vị thi công chèn qua người dân khi vào trong KCN Cẩm Điền, Trung tá Nguyễn Trọng Hiển – Phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng cũng khẳng định: “ Không có chuyện xe ủi cán qua người dân. Để khẳng định những hình ảnh người dân bị xe ủi chen qua bánh xích xe ủi thì phải chờ cơ quan chức năng giám định, kết luận”.
Trung tá Hiển nói: “Khi lực lượng công an huyện có mặt tại hiện trường thì nạn nhân Lê Thị Châm đã được người dân đưa đi viện. Tại hiện trường, qua xác minh cho thấy không có chuyện xe ủi chèn lên người bà Châm”.
Trung tá Nguyễn Trọng Hiển, phó trưởng CA huyện Cẩm Giàng xác nhận không có chuyện xe ủi chèn qua bà Châm
Đại diện chủ đầu tư VSIP cho biết: Vào sáng xảy ra sự việc, đơn vị thi công san ủi mặt bằng (công ty TNHH Xây dựng & Thương mại Thành Trung, trụ sở ở Ninh Bình) đang di chuyển phương tiện vào trong dự án chứ chưa tiến hành san ủi. Tuy nhiên, người dân đã kéo nhau chặn đường xe ủi và dẫn đến xô xát.
Cũng trong sáng nay, ngay sau khi sự việc xảy ra, phía VSIP đã cử đại diện tới bệnh viện thăm hỏi, động viên tinh thần bà Lê Thị Châm. Hiện tinh thần, sức khỏe bà Châm đã qua cơn nguy kịch”.
Vụ xô xát sáng 10/7 tại VSIp gây sự chú ý cho nhiều người dân quanh khu vực cũng như người qua đường
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thắng – Giám đốc BVĐK tỉnh Hải Dương thông tin: “Bệnh nhân Lê Thị Châm hiện đã tạm ổn định về sức khỏe. Bệnh nhân bị đa chấn thương, gãy cổ xương cánh tay và xương hàm”.
Trước đó, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 10/7, tại khu đất dự án VSIP (KCN Cẩm Điền) đã xảy ra vụ xô xát giữa những người dân trong xã Cẩm Điền thuộc huyện với đơn vị thi công Thành Trung.
Hậu quả, bà Lê Thị Châm, SN 1960 (trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền) bị thương tích. Cũng vào sáng cùng ngày, trên mạng xã hội đã xuất hiện một clip được coi là những ảnh ghi lại vụ xô xát sáng 10/7 tại dự án VSIP gây xôn xao dư luận.
Minh Lý/Báo Gia đình & Xã hội
———————-
Chủ tịch huyện Cẩm Giàng: Clip trên mạng, người ta cắt ghép kinh khủng quá
(GDVN) – Chiều nay (10/7), trên mạng internet bất ngờ xuất hiện clip “Máy xúc cán chết người ở Cẩm Giàng – Hải Dương”.
Công bố những nhận định ban đầu về hung thủ vụ thảm sát tại Bình PhướcDoanh nghiệp “cướp” biển của dân!
Trong đoạn clip là một cảnh tượng náo loạn khi có rất nhiều người dân hô hoán “chết người rồi, chết người rồi”. Dưới đất là hình ảnh máy xúc cán lên nửa người của một người dân.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với ông Vũ Hồng Khiêm – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng để xác minh sự việc trên.
Ông Khiêm cho biết, vào khoảng hơn 8h sáng nay, khi máy xúc của Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JSC) tiến vào san ủi mặt bằng tại Khu Công nghiệp Cẩm Điền thì có nhiều người dân tập trung phản đối.
Báo cáo ban đầu của Công an huyện Cẩm Giàng cho biết, gầu máy xúc va vào một người dân tên là Châm (SN 1960, là người ở xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) dẫn tới bị thương.
Sau đó, bà Châm được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Bà Châm được xác định là gãy xương bả vai và xây sát mặt, nhưng không bị nguy hiểm tới tính mạng.
Khi vụ việc xảy ra, một số người dân có mặt tại hiện trường đã đánh người lái máy xúc khiến anh này cũng phải nhập viện điều trị. Tuy nhiên, không có nguy hiểm tới tính mạng.
Ông Khiêm thông tin: “10h sáng nay lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương huyện Cẩm Giàng, chủ đầu tư và cả đơn vị thi công phải lên báo cáo vào chiều nay.
Tôi đã xem clip trên mạng, người ta đã cắt ghép kinh khủng quá, không đúng sự thật. Chúng tôi đang trên đường đến Ủy ban tỉnh và sẽ báo cáo cụ thể về việc này”.
Hình ảnh một người dân nằm dưới xe ủi được đưa trên clip, tuy nhiên Chủ tịch huyện UBND Cẩm Giàng nói rằng, đây là hình ảnh cắt ghép. |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, việc xét duyệt các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, nhưng do sự cố xảy ra trên địa bàn huyện nên chính quyền địa phương đang phải tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hiểu chính sách của tỉnh.
Ông Khiêm cũng bày tỏ lo ngại khi biết có đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình để cắt ghép clip, tung lên mạng, gây ra hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch ban đầu là hơn 208 héc-ta, tuy nhiên sau đó phải giảm xuống còn 150 héc-ta do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Phúc Hưng.
Vào tháng 4 vừa qua, Công ty TNHH Phúc Hưng đã làm các thủ tục chuyển nhượng dự án lại cho Công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.
Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng 7 năm qua, dự án này không thể đi vào hoạt động do người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường thu hồi đất. Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi thì hiện còn hơn 100 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có cả những hộ đã nhận tiền đền bù nhưng nay lại đòi phải đền bù ở mức cao hơn. Nhiều người dân còn mang cả chiếu ra khu vực cổng chào của dự án, ăn cơm tại chỗ để đấu tranh đòi quyền lợi. Người dân cho rằng mức đền bù 65 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp là quá thấp và yêu cầu trả 250 triệu đồng/sào ruộng.
Trong những năm gần đây, số vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới đất đai luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các vụ khiếu nại của cả nước. Nhiều trường hợp người dân tụ tập thành từng đoàn đông người kéo về các cơ quan Trung ương, vì không đồng tình với cách giải quyết của chính quyền địa phương.
Giáo dục