Việt Nam Thời Báo

Tư duy quân đội thời kỹ thuật số: “Không nghe, không xem, không đọc, không tin” *

Báo Quân đội nhân dân (QĐND) số ra ngày 26-1 đến 28-1-2015 đăng loạt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt”, phản ánh, phân tích hiện tượng tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ uy tín một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thời gian qua. Sau khi báo đăng, tòa soạn nhận được nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với nội dung báo nêu, đồng thời tiếp tục “hiến kế” thêm nhiều giải pháp đấu tranh. Báo QĐND xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc…

Đồng tình với chủ trương chủ động cung cấp thông tin

Theo dõi thông tin Báo QĐND và báo chí đưa về xử lý thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tôi đánh giá cao ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc phải tăng cường chủ động cung cấp thông tin, công khai, minh bạch hơn nữa. Nếu chúng ta chủ động làm rõ, cung cấp thông tin thì niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước càng được nâng cao. Việc Bác Hồ chỉ đạo xử lý và thông tin vụ án Trần Dụ Châu trước đây là một ví dụ. Gần đây, như vụ việc liên quan tới rơi máy bay trực thăng, chúng ta cũng chủ động cung cấp thông tin, không để thông tin mạng đồn đoán, lan truyền. Đó là cách làm tốt cần phát huy.

Các thủ đoạn tung tin xuyên tạc, bịa đặt đối với lãnh đạo cấp cao không mới. Thời tôi làm lãnh đạo Quân khu 3, rồi lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cũng có thông tin xuyên tạc, bịa đặt liên quan tới cán bộ lãnh đạo các cấp, thậm chí cả cá nhân tôi, nhưng cách ứng xử với chúng là tôi không cần lên tiếng vì nếu nó bịa đặt thì mình không sợ. Những thông tin đó tôi chủ động đề nghị và sẽ có cơ quan chức năng làm rõ, kết luận. Nhưng cũng phải xác định rõ một điều là nhiều việc cơ quan chức năng phải có thời gian xác minh, làm rõ thì mới có thông tin, không thể nóng vội. Điều quan trọng là cơ quan chức năng cũng phải trung thực.

Trước đây, chúng tôi cũng đã nhiều lần phải xử lý các vụ việc tương tự vào dịp chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Như vụ việc liên quan tới một nữ ủy viên Trung ương Đảng, họ cũng đưa thông tin giả. Sau đó, người tung tin bịa đặt đã bị xử lý, phải đi tù. Những vụ việc như thế nếu được công khai thì sẽ có tính răn đe đồng thời minh bạch thông tin tốt hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Ngụ, Chính ủy Binh chủng Pháo binh:

Thực hiện 4 không: “Không nghe, không xem, không đọc, không tin”    

Loạt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt” thể hiện sự nhạy bén, kịp thời và đã vạch rõ “bộ mặt” đen tối của các thế lực thù địch, sử dụng internet để đưa những thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm nói xấu lãnh đạo cấp cao, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đây chính là âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nếu chúng ta không tỉnh táo và chủ động đấu tranh thì rất dễ làm cho tư tưởng của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hoang mang, dao động. Chính vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải kiên quyết đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không để kẻ xấu kích động, mắc mưu chúng.

Trước những thông tin đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh đã kịp thời đề ra các giải pháp để ngăn sự tác động của những thông tin xấu độc này. Mục tiêu, giải pháp cơ bản, trọng tâm được xác định là phải tạo ra “hệ miễn dịch”, “tự đề kháng” của cán bộ, chiến sĩ trước âm mưu thủ đoạn này. Ban chỉ đạo phòng chống “Diễn biến hòa bình” của Đảng ủy binh chủng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội; thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin chính thống; thực hiện củng cố trận địa tư tưởng thông qua công tác thông tin, tuyên truyền nội bộ; phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phân tích, thông tin, phản bác lại những thông tin xuyên tạc bịa đặt. Đặc biệt, Đảng ủy Binh chủng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện 4 không: “Không nghe, không xem, không đọc, không tin” những thông tin bịa đặt, xuyên tạc… Chính vì vậy, đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Binh chủng Pháo binh đều có nhận thức rõ ràng, đúng đắn, không dao động, không mắc mưu trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, kích động của kẻ xấu.

Đại tá Cao Đắc Cử, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai:

Tỉnh táo, vững tin, tăng cường đoàn kết

Tôi đọc, theo dõi rất kỹ loạt bài đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt mà Báo QĐND nêu gần đây vì nó có tính thời sự cao và nội dung khá sâu sắc. Đây là âm mưu, thủ đoạn xấu thường xuất hiện trước đại hội đảng các cấp, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Việc chúng xuyên tạc, làm giảm niềm tin vào các đồng chí cán bộ lãnh đạo cấp cao, trong  đó có cán bộ của quân đội, không chỉ phá hoại nội bộ chúng ta, mà nghiêm trọng hơn là suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội. Không đâu xa, ngay trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cũng có hiện tượng tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt một số đồng chí lãnh đạo, trong đó có cả thông tin liên quan tới cá nhân tôi. Thậm chí, chúng còn mạo danh cán bộ này để nói xấu cán bộ khác. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ thì kẻ xấu tán phát thông tin “rút đơn, xin lỗi”… Qua những sự việc đó, tôi thấy điều quan trọng nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp phải tỉnh táo, tăng cường đoàn kết nội bộ, đề cao tự phê bình và phê bình thì sẽ làm thất bại âm mưu của kẻ xấu.

Với cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lào Cai, chúng tôi luôn chủ động giáo dục bộ đội, thông tin kịp thời để bộ đội hiểu rõ âm mưu xuyên tạc, gây mất đoàn kết nội bộ của các thế lực thù địch, để bộ đội vững vàng tư tưởng. Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn tin tưởng, ủng hộ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, không bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu và cao hơn là luôn có ý thức không tin, không đọc, không quan tâm tới những thông tin đó. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân về vấn đề này.

Đồng chí Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin  và Truyền thông tỉnh Bình Dương:

Nguy hại nhất là thông tin thật – giả lẫn lộn

Tôi rất chú ý theo dõi vệt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt”. Vệt bài đã phân tích khá sâu sắc những thủ đoạn gây nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thủ đoạn xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao hòng chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ. Điều nguy hại nhất là những thông tin xấu độc lại “núp bóng” thông tin khách quan, tôi đề nghị báo cần tiếp tục thông tin làm rõ từng thủ đoạn của dạng thông tin này. Nhiều trang mạng xã hội thường đưa nhiều thông tin đúng mà họ lấy lại trên báo chí chính thống, sau đó mới tung ra một vài tin xuyên tạc. Cách thức đưa tin như vậy khiến không ít độc giả bán tín, bán nghi, gây phân tâm xã hội.

Tôi cũng tán thành việc chủ động cung cấp thông tin chính thống lên mạng xã hội. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, chúng tôi sẽ chú trọng hơn nữa việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho báo chí chính thống; góp phần giữ vững thế chủ động trên mặt trận thông tin và coi đó như một biện pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của tỉnh.

Bà Vũ Thị Minh Nghĩa, Ủy viên thường trực Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định:

Thế hệ trẻ cần bình tĩnh sàng lọc thông tin

Tôi rất ủng hộ loạt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bịa đặt” của Báo QĐND. Loạt bài đã phân tích và đưa ra những luận chứng, quan điểm cụ thể, xác đáng về hành động tán phát, tuyên truyền những thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Cùng với quan điểm của bài báo, tôi nghĩ rằng các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền thông tin chính thống, chính xác, tin cậy cho mọi đối tượng. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân độc giả cần cẩn trọng khi tiếp cận thông tin “lạ” và phải bình tĩnh sàng lọc, phân biệt đúng sai.

Nhưng tôi vẫn lo lắng bởi những luồng thông tin bịa đặt, xuyên tạc trên mạng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới các tầng lớp độc giả. Nguy hiểm hơn là bạn đọc của các trang mạng hầu hết là giới trẻ- tương lai của đất nước. Nếu những bạn trẻ đó không có “màng lọc” tốt sẽ rất dễ bị tác động, ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của mình. Chúng tôi từng cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước nên chúng tôi rất mong muốn thế hệ đi sau tiếp tục truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông. Thế hệ trẻ cần tỉnh táo trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng và cũng hy vọng các bạn trẻ tiếp xúc, đọc được những bài viết như loạt bài trên của Báo QĐND. Mặt khác, các cơ quan chức năng, nhà trường, học viện, trung tâm đào tạo… cần quan tâm hơn nữa tới việc định hướng và giáo dục các em sinh viên, học sinh khi tiếp xúc với những loại thông tin xuyên tạc, bịa đặt.

Sinh viên Hà Thảo Anh, Lớp Báo in K31A2, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Nhiều kênh thông tin định hướng từ nhà trường, đoàn thể

 Do được học tập và giáo dục trong môi trường đào tạo báo chí nên ngay từ đầu chúng em đã được thầy cô dạy cách tiếp thu kiến thức và hầu hết sinh viên báo chí đều có cách đọc thông tin khá chắt lọc. Tuy nhiên, để sinh viên tự nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc cần có sự kết hợp của nhà trường và các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội sinh viên… Việc định hướng sẽ giúp sinh viên có ý thức tự chủ và chủ động trong việc tìm hiểu và đọc thông tin một cách chính thống, không bị những thông tin sai lệch làm ảnh hưởng. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có thêm một kênh rất tốt định hướng việc này là các trang mạng xã hội của trường và trên trang web chính thức của trường.

Anh P.T.H (Bình Định), một người từng vi phạm pháp luật do tán phát thông tin:

Đừng bao giờ tán phát thông tin xấu, độc

Lẽ ra tôi muốn “đào sâu chôn chặt” câu chuyện buồn của mình nhưng gần đây, tôi thấy có nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân đọc loạt bài trên Báo QĐND, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, tôi mạnh dạn chia sẻ câu chuyện buồn của mình cùng với lời khuyên mọi người, bất luận trong hoàn cảnh nào, đừng bao giờ tán phát thông tin xấu độc trên internet.

Tôi chính là “tác giả” của bức thư “Gửi bố ngoài đảo xa” từng gây “sốc” trên internet và mạng xã hội cách đây chưa lâu. Hồi tháng 8-2014, tôi có viết một bức thư với tựa đề “Thư gửi bố ngoài đảo xa”, sau đó chia sẻ trên trang mạng “Hội những người thích chuyện vui cười tiếu lâm Việt Nam”. Ban đầu tôi nghĩ, nội dung bức thư mang tính hài hước nên chia sẻ trên mạng xã hội với mục đích góp vui cùng với bạn bè trong hội, chứ không hề có ý gì khác. Tuy nhiên, sau khi bức thư được tán phát trên mạng đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến chính sách hậu phương quân đội, gây hoang mang tinh thần các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Tôi vô cùng ân hận về hành động của mình, vì đâu ngờ rằng, chỉ một phút cao hứng, nông nổi mà gây ảnh hưởng không tốt đến mọi người. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ đều là cán bộ quân đội, bản thân tôi luôn dành tình cảm, tâm huyết với công việc sáng tác, biểu diễn về hình tượng người chiến sĩ QĐND Việt Nam anh hùng. Vậy mà chỉ một lúc đùa thiếu nghiêm túc mà dẫn tới hậu quả khó lường… Tuy đã nghiêm túc nhận các hình thức xử lý kỷ luật của cơ quan nơi tôi đang công tác, song tôi vô cùng day dứt lương tâm. Nhân đây, tôi muốn gửi tới mọi người, nhất là các bạn trẻ hãy luôn tỉnh táo, cảnh giác với những thông tin xấu độc trên mạng; hãy lấy bài học của tôi để làm gương; tránh mắc mưu các thế lực thù địch, cảnh giác với các phần tử lợi dụng các trang mạng nói xấu chế độ; hãy luôn là một công dân tốt, có ích cho xã hội.

                                                                                                                        (Theo QĐND)

* Tựa đề do VNTB đặt

* Tựa đề gốc:  Hồi âm loạt bài “Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt”: Nhận thức rõ ràng, đúng đắn để không dao động, mắc mưu

Tin bài liên quan:

Mỹ, Đức phát thông điệp cứng rắn với Nga

Phan Thanh Hung

Biển Đông : Bắc Kinh cay cú trước hai đề nghị của Mỹ

Phan Thanh Hung

TBT Trọng sẽ công du Hoa Kỳ vào đầu tháng 7/2015 *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.