Việt Nam Thời Báo

Lãnh đạo bình chân, người dân còn khổ dài

Đêm 24-7-2015 đường ống nước sông Đà cung cấp cho thành phố Hà Nội bị vỡ lần thứ 12, hàng chục ngàn hộ dân tiếp tục bị đặt trong nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và chắc chắn tình cảnh này sẽ tiếp diễn lâu dài khi hiện nay, ngoại trừ người dân, có vẻ như ai cũng bình chân như vại.


Ba ngày sau sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 9 vào ngày 12-7-2014, ngày 15-7 UBND Hà Nội tổ chức họp khẩn, sau đó yêu cầu khởi công tuyến ống truyền dẫn nước sạch từ Quốc lộ 21 đến Đường vành đai 3, được gọi là tuyến đường ống nước sạch số 2, trước tháng 9-2014 để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định cho các hộ dân trong hè năm 2015. Tuyến số 2 cũng do Vinaconex làm chủ đầu tư. (1)

Một đoạn đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ trong một lần bị gặp sự cố – Ảnh: Lâm Hoài

Tuy nhiên thực tế cho thấy yêu cầu được UBND Hà Nội đưa ra như một giải pháp hạ nhiệt bức xúc của dư luận hơn là một đề xuất khả thi. Tính đến nay, hơn một năm đã trôi qua sau cuộc họp đó, tuyến đường ống số 2 vẫn chưa được khởi công mặc dù ngày 22-7-2014, Vinaconex đã có văn bản cam kết với Thành phố Hà Nội tập trung nguồn lực khởi công tuyến ống này trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9-2014 và cam kết hoàn thành toàn tuyến ống số 2 sau 12 tháng thi công.

Liên quan đến thời hạn khởi công tuyến số 2, trong một trao đổi với báo chí chiều 5-5-2015, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (Viwasupco), cho hay: tháng 6-2015 sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, sau đó sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm tra. Khi Bộ Xây dựng thẩm tra xong, công ty mới phát hành hồ sơ thầu và dự kiến tháng 8-2015 sẽ khởi công tuyến ống số 2. Công việc dự kiến hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8-2016, theo ông Thân Thế Hà, báo Vnexpress.net viết. (2)

Tính từ tháng 9-2014 đến tháng 6-2015, chín tháng đã trôi qua, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án chưa hoàn thành. Điều này cho thấy dường như Viwasupco vẫn rất bình thản với những khó khăn mà 70.000 hộ dân phải gánh chịu trong điều kiện việc cấp nước có thể bị ngưng bất cứ lúc nào do sự cố.

Với những gì đã diễn ra, có vẻ Viwasupco vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc huy động vốn của chủ đầu tư. Trong dự án đầu tiên, với tổng vốn đầu tư là 1.514 tỉ đồng thì chủ đầu tư sử dụng đến 80% vốn vay thương mại (3). Trong tình cảnh hàng loạt sự cố xảy ra, liệu việc huy động vốn có dễ dàng như ban đầu chăng?

Quay trở lại câu chuyện của tuyến đường ống số 1, trong một trả lời báo Công An Nhân Dân ngày 25-7, ông Tốn thừa nhận phía công ty cũng chỉ đang “chạy theo”, “vỡ ở đâu thì khắc phục ở đó”. “Đường ống nước sông Đà dài 46km, chúng tôi không thể đào tất cả lên để kiểm tra. Chúng tôi cũng đang bị động, không biết phải làm sao.” ông Tốn phân trần. (4)

Tại sao không thể đào lên tất cả để kiểm tra? Rõ ràng việc đào lên kiểm tra sẽ tốn rất nhiều chi phí, và có khi phải thay hết cả đoạn tuyến ống. Với động thái chờ vỡ và chạy theo, có lẽ ông Tốn kỳ vọng số đoạn ống chất lượng kém sẽ không nhiều, và muốn hạn chế chi phí khắc phục đến mức thấp nhất. Rõ ràng ông Tốn đang đặt quyền lợi của công ty lên trên khách hàng và đánh cược vào sự may rủi đối với việc cung cấp nguồn nước ổn định cho người dân.

Ai cũng biết nước là một nhu cầu thiết yếu cần sự ổn định. Đảm bảo nhu cầu dùng nước của người dân vừa là một sự tôn trọng lợi ích khách hàng, vừa phục vụ mục đích an sinh của nhà nước. Nhưng xem chừng, trước tình trạng này, nếu không có sự can thiệp mạnh tay, quyết liệt và triệt để của TP Hà Nội, người dân vẫn còn thấp thỏm và khổ dài dài.

Các nguồn tham khảo:
(1): http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lam-tuyen-duong-ong-nuoc-song-da-so-2-truoc-thang-9-736010.tpo
(2): http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vinaconex-lai-hua-khoi-cong-duong-ong-nuoc-so-2-trong-thang-8-3209424.html
(3): http://www.thesaigontimes.vn/118224/%E2%80%9CVo-ong%E2%80%9D-o-Vinaconex-va-nhung-dong-von-nha-nuoc.html
(4): http://cand.com.vn/Xa-hoi/Cao-Vo-duong-nuoc-song-da-lan-thu-12-Chi-biet-vo-den-dau-khac-phuc-den-do-359558/

Theo Thesaigontimes

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.