Việt Nam Thời Báo

VNTB- Dịch giả Phạm Nguyên Trường: “Không có tự do tư tưởng thì con người chỉ là những cây sậy vô hồn”

Tâm Don thực hiện

Images intégrées 1
Dịch giả Phạm Nguyên Trường phát biểu khi nhận giải thưởng dịch thuật năm 2012 của Quỹ Văn Hóa Phan Chu Trinh.

(VNTB) – “Mình luôn luôn cổ vũ cho chế độ dân chủ và đa nguyên, nhưng trong tranh luận thì thói độc quyền chân lí vẫn không bỏ được. Mình nghĩ đấy là đặc trưng có tính điển hình, nhưng có lẽ đấy cũng là truyền thống văn hóa của chúng ta, tức là văn hóa Khổng giáo, nhất nguyên. Chủ nghĩa cộng sản có thể đã làm cho nó mạnh lên, chứ cho rằng nó hoàn toàn chịu trách nhiệm thì có lẽ cũng hơi oan”.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trong giới dịch thuật Việt Nam bỗng nổi bật lên một dịch giả đầy nghĩa khí và trách nhiệm: dịch giả Phạm Nguyên Trường.

Vào năm 2012, dịch giả này đã được Quĩ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải về dịch thuật. Không phải ngẫu nhiên mà dịch giả này đã được giải.

Phạm Nguyên Trường là dịch giả của những trước tác khiến những người ủng hộ chế độ toàn trị trên toàn thế giới phải sợ hãi, điển hình là các trước tác lừng danh: Đường Về Nô Lệ của F. A. Hayek, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, do NXB Tri Thức ấn hành năm 2009; Chế Độ Dân Chủ: Nhà Nước Và Xã Hộicủa N. M. Voskresenskaia và N. B. Davletshina dịch từ nguyên bản tiếng Nga, do NXB Tri Thức ấn hành năm 2009; Về Trí Thức Nga, tập tiểu luận, dịch từ nguyên bản tiếng Nga, do NXB  Tri Thức ấn hành năm 2009; Catalonia – Tình Yêu Của Tôi của Goerge Orwell, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, NXB Lao Động ấn hành năm 2013; Chủ Nghĩa Tự Do Truyền Thống của L. V. Mises, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, NXB Tri Thức ấn hành năm 2013; Các Mô Hình Quản Lý Nhà Nước Hiện Đại của David Held, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, NXB Tri Thức ấn hành năm 2013.

Rất đặc biệt, dịch giả Phạm Nguyên Trường đã dành hết tài năng và tâm huyết, đã dũng cảm dịch ba tác phẩm nổi tiếng của thế giới nhưng bị cấm đoán ở Việt Nam: Trại súc vật của Goerge Orwell, dịch từ nguyên bản tiếng Anh, NXB Giấy Vụn ấn hành năm 2010; Vòng Tròn Ma Thuật của Arthur Koestler, do NXB Giấy Vụn ấn hành năm 2010;Quyền Lực Của Những Kẻ Không Quyền Lực – tập tiểu luận lừng danh của người cộng sản phản tỉnh Vaclav Havel, NXB Giấy Vụn ấn hành năm 2013.

Với dũng khí nhận thức, với sự dũng cảm chấp nhận chọn dịch những trước tác mà những người ủng hộ các chế độ toàn trị sợ hãi và ngăn cấm, Phạm Nguyên Trường xứng đáng được gọi là dịch giả khai sáng của một Việt Nam đang trong buổi giao thời đầy dông bão, và trong chừng mực nào đó, ông xứng đáng với danh vị học giả.

Phạm NguyênTrường sinh năm 1951, và đã từng học đại học ở Liên Xô. Nhưng trong ông gần như chỉ có tự do và khai phóng.

Trong nắng gió ào ạt ở Vũng Tàu, ông đã cởi lòng mình.
Thưa dịch giả Phạm Nguyên Trường, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghiệp dịch thuật?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Mình học ngành vật lý kĩ thuật, mà như bạn biết đấy, các nhà vật lý học thường cũng là những người thích văn học, triết học. Tuy chỉ là kĩ sư nhưng mình cũng không phải là ngoại lệ, tức là cũng thích văn chương và triết lý, nói chung. Mình đọc nhiều và khởi đầu tất nhiên là dịch văn học. Nhưng sau này, trước những biến động dữ dội của xã hội, phải nói rằng xã hội Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, mình bắt đầu đọc nhiều về các vấn đề xã hội và cũng muốn chia sẻ với bạn đọc.
  
Tác phẩm nào là tác phẩm dịch đầu tay của ông? Ông có hài lòng với đứa con tinh thần đầu lòng không?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Cuốn Trại Súc Vật của George Orwell, dịch từ năm 2003. Ban đầu mình nghĩ dịch cuốn này để trau dồi tiếng Anh và cho một số bạn bè tâm giao đọc. Thế rồi, do một sự tình cờ mình gửi bản thảo cho trang Talawas.org do nhà văn Phạm Thị Hoài điều hành. Điều bất ngờ đã xảy ra là nhà văn Phạm Thị Hoài đã cổ vũ hết lời và đăng ngay đầu năm 2004. Phải nói rằng mình tiếp tục đi trên con đường dịch thuật phần lớn là nhờ nhà văn Phạm Thị Hoài và Talawas. Mình nghĩ là mình hài lòng với tác phẩm đầu tay này vì có lẽ mình đã thể hiện được không khí của tác phẩm và nó đã được độc giả đón nhận một cách nhiệt tình. Bản dịch này được nhiều trang mạng đăng lại. Đầu năm 2013 mình mới đưa lên blog riêng, thế mà vẫn có đến hơn 1700 lượt người đọc.   

Trong số các tác phẩm dịch của ông, ông thích nhất là những tác phẩm nào? Tại sao vậy?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Thích nhất là cuốn Đường Về Nô Lệ của F. V. Hayek. Đây là tác phẩm giải thích cho người ta biết rõ rằng khi nhà nước nắm toàn bộ tư liệu sản xuất trong tay thì mọi người đều sẽ trở thành nô lệ, tức là quốc hữu hóa và tập thể hóa toàn bộ tư liệu sản xuất là con đường đưa loài người trở về chế độ nô lệ. Mình đã sống trong chế độ như thế, cho nên từng câu, từng chữ của tác phẩm như cũng do chính mình viết ra vậy, rất sống động và đầy sức thuyết phục. 

Tập tiểu luận Quyền Lực Của Kẻ Không Quyền Lực do ông dịch đang gây bão trong bạn đọc, ông biết điều đó không? Theo ông, những hấp lực của QLCKKQL nằm ở đâu?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Không, làm sao biết được. Đây là tác phẩm ngoài luồng, không có hội thảo, cũng chẳng có tờ báo nào nhắc tới, cho nên khó mà biết nó đã gây được dư luận. Mình nghĩ hấp dẫn ở chỗ nó nói về bất tuân dân sự trong chế độ mà Vaslav Havel gọi là “hậu toàn trị”, nó chỉ cho người ta những biện pháp nhẹ nhàng và đơn giản để những người người thấp cổ bé họng nhất thể hiện được quyền lực của mình, giải thoát mình ra khỏi tình trạng nô lệ về tinh thần, như chính tên gọi của nó: Quyền Lực Của  Kẻ Không Quyền Lực.

Tại sao ông lại chọn dịch một tiểu thuyết rất hay nên cũng rất khó nhằn là tiểu thuyết Vòng Tròn Ma Thuật? Có phải ông chấp nhận một thách thức khó khăn?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Mình thấy cuốn này nằm ở vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thế kỷ XX do Random House lập và chưa thấy ai dịch – đúng hơn là chưa được đọc bản dịch bằng tiếng Việt, sau này mới biết một người có bút danh Quốc Ấn đã dịch rồi – nên bắt tay vào dịch. Mỗi cuốn có một số khó khăn, thách thức riêng. Mình nghĩ cuốn này cũng không khó hơn những cuốn khác là mấy.
Theo ông, sự hấp dẫn của Vòng Tròn Ma Thuật chính là gì?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Theo mình cuốn tiểu thuyết này hấp dẫn ở chỗ, như Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Giấy Vụn đã viết: “Vòng Tròn Ma Thuật là câu chuyện thâm sâu và xúc động về một triết gia-chiến binh ngoại hạng, người đã chiến thắng những cuộc chiến tàn khốc nhất với kẻ thù để góp phần dựng lên Nhà Nước Cách Mạng, nhưng rốt cuộc lại bị chính Nhà Nước Cách Mạng đó kết án tử hình. Bi kịch của ông, đồng thời cũng là bi kịch của toàn bộ cuộc cách mạng vô sản, là một trong những bi kịch nhức nhối nhất của lịch sử nhân loại. Nhức nhối không phải vì cuộc cách mạng là sản phẩm của những kẻ độc ác hay ngu dốt, mà nó được hoài thai và tiến hành bởi những con người nhạy cảm và thông minh. Nhưng rốt cuộc, những người nhạy cảm và thông minh này lại dọn đường cho một chế độ toàn trị phi lý bậc nhất, nơi những kẻ lì lợm nhất, xảo trá nhất và tàn độc nhất nhảy lên vị trí lãnh đạo”. 

Trong văn học Việt Nam hiện đại cũng có một tiểu thuyết viết về lao tù, đó là tiểu thuyết Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn. Theo ông, có gì giống nhau và khác nhau giữa Vòng Tròn Ma Thuật và Chuyện Kể Năm 2000?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Thú thật, mình không phải là nhà phê bình văn học, xin dành câu hỏi này cho những nhà nghiên cứu, nhưng cũng xin được nói vài ý như sau. Mình nghĩ khó có thể so sánh hai cuốn sách này. Vì như đã nói, nhân vật chính của Vòng Tròn Ma Thuật là một triết gia-chiến binh ngoại hạng, trước cái cái chết đang hiển hiện trước mặt, ông chỉ nghĩ về những thứ lớn lao, những thứ vốn là lý tưởng của toàn bộ cuộc đời ông; còn Chuyện Kể Năm 2000 nói về cuộc sống của một con người bình thường, bị tù đầy oan, một người đã trải qua biết bao đau khổ, với một giọng văn bình thản và bao dung, cái hay của tác phẩm này có lẽ nằm ở chỗ đó.

Có nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ dịch giả ở Việt Nam quá mỏng về số lượng, quá yếu về chuyên môn và quá nhút nhát trong nhận thức và hành động dịch. Ông nghĩ gì về ý kiến này? Và tương lai của tầng lớp dịch thuật ở Việt Nam sẽ là gì?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Nói thật với bạn, mình sống ở nơi tương đối hẻo lánh thành ra ít được tiếp xúc với bạn bè trong giới cho nên hiểu biết về họ không nhiều. Nhưng có lẽ nhận xét “vừa thiếu vừa yếu” là khá chính xác, ngành nghề gì ở nước mình mà chả “thiếu và yếu”. Nhưng có lẽ nó đặc biệt đúng với giới viết lách vì dân mình ít đọc sách quá. Bạn thử nghĩ coi, một cuốn sách in một hai ngàn bản thì nhuận bút tất nhiên phải thấp. Cho nên những tác phẩm có hàm lượng tri thức cao thường chỉ do những người đã về hưu dịch. Nếu in được vài ba chục ngàn bản, tức là nhuận bút gấp độ năm hay mười lần hiện nay thì chắc là sẽ thu hút được nhiều dịch giả trẻ và giỏi và những người đó mới tâm huyết với nghề được. Mình nghĩ nền kinh tế thị trường và chế độ dân chủ sẽ buộc người ta phải đọc sách vì trong môi trường như thế, muốn thăng tiến trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải có hiểu biết và khi đó tầng lớp dịch thuật ở Việt Nam mới có tương lai. Hy vọng là thế.

Ông sống lâu trong môi trường cộng sản, vậy trong ông tồn tại những đặc trưng nào của xã hội và con người cộng sản? Và nó có mang tính điển hình không?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Mình nghĩ đấy thói độc quyền chân lí. Mình luôn luôn cổ vũ cho chế độ dân chủ và đa nguyên, nhưng trong tranh luận thì thói độc quyền chân lí vẫn không bỏ được. Mình nghĩ đấy là đặc trưng có tính điển hình, nhưng có lẽ đấy cũng là truyền thống văn hóa của chúng ta, tức là văn hóa Khổng giáo, nhất nguyên. Chủ nghĩa cộng sản có thể đã làm cho nó mạnh lên, chứ cho rằng nó hoàn toàn chịu trách nhiệm thì có lẽ cũng hơi oan.

Thưa ông, vào thời điểm nào trong cuộc đời ông nhận thức được rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ là ảo tưởng, và thiết chế xã hội của nó là man rợ và phi nhân? Tại sao ông có được nhận thức đó khi mà ngày ngày tháng tháng ông luôn sống trong lòng cộng sản?

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Thời còn đi học ở Liên Xô có hai việc mà mình thường xuyên nghĩ tới. Thứ nhất, đấy là năm 1969, lúc còn học dự bị đại học, mình nhìn thấy một nhóm sinh viên Mỹ, họ đến ở tạm trong kí túc xá của bọn mình. Đứng trên tầng 3 nhìn xuống, mình thấy đấy là một nhóm thanh niên rất sôi nổi và tự nhiên, không một chút gò bó nào, chẳng có một chút thù địch hay e dè nào. Trong khi đó, bọn mình mang tiếng là từ nước xã hội chủ nghĩa anh em tới nhưng không được đi xem phim tư bản, không được yêu nhau, thậm chí đến nhà thày cô giáo cũng phải đi thành nhóm, ít nhất là hai người. Thứ hai, sau này, khi đã học đại học, mình bắt đầu tìm hiểu tiểu sử của những nhà vật lí học lớn, trong đó có  Albert Einstein (1879-1955) và Enrico Fermi (1901-1954), hai ông này, cùng với nhiều nhà bác học lừng danh khác đã trốn chạy chủ nghĩa phát xít, nhưng không phải tới Liên Xô mà là tới Mỹ. Số người có tài tới Liên Xô có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, mình có đọc tiểu sử một nhà khoa học như thế, nhưng lâu rồi quên mất tên. Theo tuyên truyền lúc đó thì Liên Xô chính là tương lai của loài người, có đảng sáng suốt, lãnh tụ kính yêu lãnh đạo thế thì tại sao các nhà khoa học lớn không tới Liên Xô mà lại tới Mỹ? Mình có đem chuyện này thảo luận với các bạn sinh viên Liên Xô. Họ bảo rằng ở Mỹ điều kiện làm việc tốt hơn. Nhưng mình không tin.

Mãi sau này, tức là sau năm 1985, sách báo Liên Xô thời cải tổ tràn vào Việt Nam mình mới biết rằng sự khác biệt quan trọng nhất giữa bên này và bên kia bức Tường Berlin chính là: tự do tư tưởng và tự do thể hiện. Không có tự do tư tưởng thì con người chỉ còn là những cây sậy vô hồn. Và sau đó là những tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XX, dần dần mình mới nhận thức được rằng sở hữu tư nhân là cội nguồn và là điều kiện kinh tế của tự do. Trái ngược hẳn với mô hình chủ nghĩa xã hội. 

Cám ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở này! Chúc ông vui và an lành!

Tin bài liên quan:

VNTB – Hà Nội: một ngày 2 cuộc biểu tình

Phan Thanh Hung

VNTB- Quảng Bình: Thói lộng giả thành chân

Phan Thanh Hung

VNTB- ‘Ngày 20 -11 này, em sẽ không chường mặt ra nữa’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.