Lê Kiên (VNTB) Trong sáng 23/07, Thanh tra Chính phủ họp báo cho biết, tính đến ngày 10/07/2015, có 98 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản năm 2015. Theo đó, có hơn 1 triệu người đã kê khai (99,6%), có 998.827 (đạt 98,4%) bản đã công khai, 320.050 bản đã công khai theo hình thức niêm yết (đạt 32,4%), 668.777 bản đã công khai theo hình thức công bố (đạt 67,6%).
Với 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập, thì có 5 người bị phát hiện kê khai không trung thực. Như vậy, 1 triệu người kê khai, chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực.
Trong khi đó, một số liệu khác phản ảnh ngược lại với kết quả kê khai tài sản nêu trên. Đó là, trong 6 tháng đầu năm, theo Thanh tra Chính phủ thì cơ quan Công an đã thụ lý điều tra 225 vụ, 600 bị can phạm tội về tham nhũng. Đối với công tác phòng ngừa tham nhũng, trong 3.519 cơ quan, tổ chức được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, phát hiện 23 đơn vị vi phạm về công khai, minh bạch.
Trước đấy, theo báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2015 của Thanh tra Chính phủ, tính đến ngày 31/5/2015 có 93 cơ quan, đơn vị gửi báo cáo kết quả minh bạch tài sản thu nhập về Thanh tra Chính phủ; kết quả có 995.383 người đã kê khai (đạt 99,6%); có 979.296 bản kê khai tài sản thu nhập đã được công khai (đạt 98,4%) ; 317.167 bản đã được công khai theo hình thức niêm yết (đạt 32,4%); 662.129 bản đã công khai theo hình thức công bố (đạt 67,6%). Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cho biết có 1.225 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện, kết luận 4 người kê khai không trung thực.
Trả lời báo chí về việc dư luận nghi ngờ con số “4 người kê khai không trung thực trong 1 triệu người được kê khai tài sản”, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) khẳng định, việc kiểm soát và chịu trách nhiệm về tính trung thực của các bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, viên chức hiện nay đã được phân cấp rõ ràng, cụ thể: “Không có cơ sở nào để nghi ngờ, thẩm định lại tất cả báo cáo của người ta (ý nói các Bộ, ngành, địa phương) được.”
Kê khai hình thức, phòng chống tham nhũng đứng tại chỗ
Kê khai tài sản, một trong những phương pháp được đánh giá là yếu tố chủ chốt trong phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện dù rầm rộ, thì nó cũng đồng thời mang lại nhiều sự bất ngờ vì tính hiệu quả thấp. Các trường hợp phát hiện tham nhũng từ kê khai tài sản gần như không có, một phần do việc kê khai tài sản còn nặng hình thức do chỉ dựa vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức. Con số 4-5 người kê khai không trung thực trên tổng số 1 triệu người được kê khai tài sản cho thấy phần nào hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Cuối năm 2014, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014), theo đó điểm số CPI của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012-2014) không thay đổi, đạt 31/100 điểm, đứng thứ 119 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18 trên tổng số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đánh giá về điều nay, TI cho biết, “cảm nhận về tham nhũng không thay đổi, cũng được phản ánh qua thực trạng người dân Việt Nam thiếu tin tưởng vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống, tham nhũng quốc gia, tổ chức này quan ngại rằng điều này thể hiện công cuộc đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng ở Việt Nam chưa đạt được những bước tiến cần thiết”, và nhất là tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia.
Cũng trong một thông tin có liên quan, tại buổi họp báo Ông Ngô Văn Khánh cho biết, ngày 8/7, Công an Hà Nội có trao đổi với Thanh tra Chính phủ về việc ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1980, đang công tác tại Phòng Tổng hợp, Cục 1 – Thanh tra Chính phủ) bị bắt giữ do liên quan đến cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).