Việt Nam Thời Báo

VNTB – Kiểm kê kiểu Việt Nam: Nguyên Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines tham nhũng 18,6 triệu USD

Tư Hoàng (VNTB) Vào ngày 14/7, Tổng cục An ninh (TCAN), Bộ Công an, đã thông báo kết quả điều tra ban đầu hành vi phạm tội của Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) và đồng phạm trong vụ án tham nhũng tại Vinashin, tham ô 18,6 triệu USD của Nhà nước.


Một nút thắt khiến cho vụ án được mở ra là khi Cục An ninh kinh tế tổng hợp, gia đình Đạt có tới “40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước cùng nhiều ôtô đắt tiền.” (Báo Tuổi Trẻ, ngày 24/07/2015).
Giang Kim Đạt – người sở hữu 40 nhà biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai vị trí “vàng” trên khắp cả nước. Ảnh: Tuổi Trẻ
Và trong số 18,6 triệu USD, đã được mua bất động sản và 5-6 xe ô tô đứng tên người thân, một căn hộ trị giá 3,6 triệu đô la Singapore.
“Từ manh mối này, TCAN tiếp tục phát hiện nhiều giao dịch bất minh lên đến hàng chục triệu USD của ông Giang Văn Hiển (bố của Đạt) tại các ngân hàng trong và ngoài nước. Quá trình xác minh này đã làm rõ số tiền trong tài khoản của ông Hiển liên quan đến các hợp đồng mua bán tàu và khai thác tàu cũ của công ty Vinashinlines.” (Báo Tuổi Trẻ, ngày 24/07/2015).
Câu chuyện của ông Giang Kim Đạt cho thấy một kẻ hở trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, đó chính là việc “kiểm kê tài sản công nhân viên chức nhà nước”.
Kiểm kê vui cả làng
Bấy lâu nay, việc kê khai tài sản vẫn còn mang nặng tính hình thức, nên việc công khai bản kê khai tài sản cán bộ cán bộ, công chức và đảng viên chưa được thực hiện nghiêm túc. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thừa nhận: “Việc kiểm kê tài sản của các cán bộ là cần thiết để chống tham nhũng nhưng cách làm lâu nay vẫn mang tính hình thức. Tôi nghĩ nếu quyết tâm thì phải đi đến cùng, phải kiểm kê công khai tài sản của các cán bộ đương chức và cả những cán bộ đã nghỉ hưu.” (Petrotimes, 22/12/2014).
Ngoài vấn đề thả lỏng quan chức tại vị và bỏ ngỏ cán bộ nghỉ hưu. Do đó, kê khai dừng ở mức “đứng tên”, tạo kẻ hở cho các quan chức tham nhũng sử dụng tên người thân để “rửa tiền”, kiểm kê, truy rõ nguồn gốc tài sản không thực hiện đến nơi đến chốn. 
Thành ra mới có chuyện, Nguyên Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi đề cập đến căn biệt thự rộng 16.600 m2 (trị giá hơn 24 tỉ đồng) đã khai nhận rằng, căn biệt thự đó do con trai mình là Đại úy Trần Hoàng Anh (SN 1981, công tác tại Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt Công an tỉnh Bến Tre) đứng tên; Giang Kim Đạt và việc dùng người thân để chuyển hóa 18,6 triệu USD tiền tham nhũng như đã nêu trên.
Còn về mặt tổng quan, theo Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 05/2014, gần 920.000 cán bộ, công chức (98,3%) ở 101 cơ quan bộ, ngành, địa phương đã kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ có 5 người được xác minh và 1 người bị phát hiện không trung thực. Hay gần đây là việc, TP. Hà Nội qua tự kiểm tra nội bộ, chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào; không có trường hợp nào kê khai tài sản thu nhập không trung thực, dù rằng, TAND Hà Nội đã xét xử 13 vụ – 35 bị can có hành vi tham nhũng, công tác thanh tra, đã phát hiện sai phạm 71,4 tỷ đồng; 1,63 ha đất…
Sơ hở về Luật, thiếu chặt chẽ trong thi hành
Kê khai và công khai tài sản có thể phát huy vai trò như một công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng, nhưng đến nay, luật còn nhiều bất cập về qui định đối tượng, thiếu định lượng về các khoản kê khai nợ, trong khi quyền kiểm tra, giám sát của người dân thông qua việc quy định công khai rộng rãi chưa có; cơ chế xác minh và kiểm chứng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức chưa định hình; các chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức thiếu trung thực trong kê khai gần như bỏ ngỏ. 
Thực trạng trên diễn ra, trong bối cảnh Việt Nam đã có Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng; Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập; Chỉ thị 33-CT/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; nhưng việc phát hiện các tài sản bất chính do tham nhũng chỉ được phát hiện như là một hệ quả của đấu đá giành ghế tiền Đại hội.
Ví như, Nghị Định 78/2013, được nhiều Luật sư chỉ ra là “minh bạch lấy lệ”, như Luật sư Nguyễn Trọng Hải (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho biết: “Nghị định 78/2013 quy định chung chung, dẫn đến việc kê khai theo kiểu lấy lệ; mục các khoản nợ phải trả quy định kê khai vẫn nặng tính hình thức, thiếu định lượng, thiếu chế tài khi gặp trường hợp khai báo thiếu trung thực. Việc không quy định cán bộ, công chức về hưu phải kê khai tài sản là một lỗ hổng lớn. Cần quy định trước khi nghỉ hưu, phải “chốt” lại tài sản hiện có của cán bộ, công chức. Sau đó, nếu thấy tài sản phát sinh của họ có dấu hiệu bất minh thì có thể kiểm tra, xác minh; đồng thời có chế tài kèm theo như thu hồi nếu tài sản phát sinh từ nguồn gốc tham nhũng, tiêu cực.” (Người Lao Động, 20/09/2014).
Bản thân ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khi đề cập đến ý kiến mở rộng kê khai tài sản ra vợ chồng, con của đối tượng kê khai, thì ông cho rằng, “Bây giờ mình chưa quản lý được thu nhập xã hội, nếu có bổ sung đối tượng đó vào diện kê khai thì diện kê khai rộng hơn, quản lý cũng rộng hơn và với cơ chế bây giờ thì sẽ không sâu được.” (Tiền Phong, 17/12/2014).
Như vậy, tinh thân kê khai và làm mạnh kê khai tài sản là chưa có, ngay trong đội ngũ soạn thảo luật và cơ quan thi hành chống tham nhũng. Đó là chưa kể việc, việc ra luật và thực hành luật ở nước ta là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch tại Việt Nam trong lần trả lời phỏng vấn VOV đã cho rằng vấn đề mấu chốt không phải là việc ban hành một văn bản luật mới mà là tiến hành thực hiện một cách có hiệu quả các văn bản hiện hành.
Trong khi đó, trong báo cáo “Thịnh vượng 2014” của Knight Frank cho biết, Việt Nam sẽ có sự gia tăng người siêu giàu ở mức 166%, cao nhất thế giới, đạt 293 người. Mà người “siêu giàu” ở Việt Nam thường có liên quan ít nhiều đến vấn đề tham nhũng và liên kết tham nhũng.

Tin bài liên quan:

Hoa Kỳ sửa đổi chính sách xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam

Phan Thanh Hung

Không phải là VN đang dùng ‘khổ nhục kế’

Phan Thanh Hung

Bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh gây sốt chính trường Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo