Việt Nam Thời Báo

Số phận ngân hàng nhỏ trước làn sóng sáp nhập?

Những thương vụ sáp nhập ngân hàng trong thời gian qua đã hình thành một số ngân hàng lớn và trật tự trong hệ thống ngân hàng đã bắt đầu thay đổi. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nhỏ đã bắt đầu băn khoăn liệu có nên tiếp tục tồn tại hay sáp nhập với một ngân hàng khác?


Hồi đầu năm, lãnh đạo một ngân hàng nhỏ trong TP.HCM đã mời một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực về ngân hàng để xây dựng kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác. Lý do được lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là vì quy mô ngân hàng quá bé sẽ khó cạnh tranh với các ngân hàng lớn.

Yếu thế vì quy mô nhỏ

Theo lãnh đạo ngân hàng này, cái khó của ngân hàng chính là cạnh tranh huy động vốn và thương hiệu của ngân hàng. “Hiện thị trường nghĩ rằng những ngân hàng nhỏ hiện nay là những ngân hàng yếu kém nên hoạt động huy động vốn gặp nhiều khó khăn”, vị này chia sẻ.

Một loạt ngân hàng khác cũng lên kế hoạch sáp nhập trong một vài năm tới như ABBank, DongABank, NamABank, VietABank…

Theo giới chuyên gia tài chính xu hướng ngân hàng nhỏ muốn sáp nhập với một ngân hàng khác để lớn hơn đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là những ngân hàng nhỏ không có chiến lược kinh doanh khác biệt

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TP.HCM, cho rằng những ngân hàng nhỏ hoạt động trên quy mô toàn quốc thì sẽ gặp bất lợi. Vì vậy thời gian qua nhiều ngân hàng nhỏ nhưng không thuộc diện yếu kém cũng tìm đối tác để sáp nhập.

Ông Thành bình luận, việc nhiều ngân hàng nhỏ tìm kiếm đối tác để sáp nhập là do họ không có đặc thù riêng nên với quy mô hiện tại rất khó cạnh tranh.

“Vấn đề là ngân hàng nhỏ nào cũng có chiến lược giống nhau như “ngân hàng bán lẻ có chiến lược cạnh tranh cao”, “ngân hàng bán lẻ hàng đầu”… Chính vì vậy, những ngân hàng nhỏ đó thấy khó trong chiến lược mới, tìm ra thị trường đặc thù, nhóm khách hàng đặc thù. Do vậy, họ đã chọn con đường dễ dàng hơn là tìm kiếm đối tác để sáp nhập”, ông Thành bình luận.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cũng cho rằng với chiến lược kinh doanh không có sự khác biệt hiện nay thì các ngân hàng nhỏ khó cạnh tranh được với ngân hàng có quy mô lớn.

“Hầu hết các ngân hàng nhỏ của Việt Nam đều nhấn mạnh chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với lãi suất cạnh tranh. Chiến lược này sẽ không thể tạo ra lợi thế cho các ngân hàng nhỏ, bởi các ngân hàng lớn mới thật sự là những nhà giàu dẫn dắt cuộc chơi”, ông Hiếu bình luận.

Theo ông Hiếu, với việc các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank đang đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, thị trường sẽ về tay họ. Các ngân hàng nhỏ nếu muốn tồn tại chỉ có thể tìm thị trường ngách hoặc sự khác biệt, hoặc là sáp nhập để lớn mạnh.

Ngân hàng nhỏ có thể tồn tại?

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những ngân hàng nhỏ có thể tồn tại khi áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, ngân hàng có quy mô lớn ngày càng nhiều? Về câu hỏi này, ông Thành cho rằng ngân hàng nhỏ không phải không tồn tại được.

“Việc dẫn dắt thị trường là của ngân hàng lớn. Nhiều nước phát triển vẫn tồn tại ngân hàng nhỏ. Nhưng những ngân hàng này phải có chiến lược xây dựng thị trường đặc thù”, ông Thành bình luận.

Theo ông Thành, có ba lựa chọn cho ngân hàng nhỏ, đó là, vẫn là ngân hàng nhỏ, hoặc sáp nhập với ngân hàng khác hoặc tìm nhà đầu tư mới tham gia vào để lớn mạnh.

“Thực tế, một đất nước phát triển như Mỹ vẫn có những ngân hàng nhỏ chỉ hoạt động trong địa phương. Họ biết được khách hàng của họ và tập trung vào địa bàn, cụm ngành cụ thể trên địa bàn. Họ vẫn giữ chi nhánh nhỏ. Một ngân hàng nhỏ mà làm việc đó không được thì hoặc là lớn mạnh bằng cách cho nhà đầu tư mới tham gia vào hoặc sáp nhập”, ông Thành nhận định.

Tuy nhiên, câu chuyện của các ngân hàng nhỏ ở đây chính là tăng vốn. Với các quy định chặt chẽ của Thông tư 36, những NHTM đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quá 5% tại TCTD, NHTM đang sở hữu cổ phần ở nhiều TCTD khác sẽ phải thoái vốn và điều này sẽ tạo áp lực và khó khăn cho những ngân hàng nhỏ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào trường hợp của SouthernBank, NamABank (nếu thành công trong việc sáp nhập với Eximbank) thì việc sáp nhập chính là một giải pháp hay và đem lại nhiều lợi ích cho cổ đông lớn.

Sáng 14/7, SouthernBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua phương án sáp nhập với Sacombank. Cuối tuần qua, Sacombank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường và 93% cổ đông thông qua phương án nhận SouthernBank.

Bình luận về thương vụ này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh về lợi ích mà SouthernBank có được lớn hơn nhiều những thương vụ sáp nhập khác.

Nếu như PGBank về Vietinbank, MHB về BIDV, MDB về MaritimeBank… chỉ đơn thuần là giải quyết những khó khăn, yếu kém của ngân hàng nhỏ, thì với SouthernBank còn có lợi ích lớn hơn thế.

“Ví như SouthernBank, cổ đông lớn và đại diện cho nhóm cổ đông này bỗng dưng trở thành ông chủ của ngân hàng lớn thay vì là ông chủ của ngân hàng nhỏ như trước đây. Quyền lực và tầm ảnh hưởng trong mỗi quyết định của mình cũng có sự tác động tới thị trường”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.

Theo Trần Giang (Bizlive)

undefined

Tin bài liên quan:

TS Trần Đình Thiên: ‘Xích’ nợ xấu lại, giá phải trả rất đắt

Phan Thanh Hung

VNTB – Nợ xấu cùng nợ công tăng mạnh: Đáp số cho “GDP tăng trưởng”

Phan Thanh Hung

Hậu sát nhập, 2000 tỷ đồng “hỗ trợ” Southern Bank được Sacombank… xóa ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo