Thái Hiền (VNTB) Quyết định công nhận hôn nhân đồng tính của Quốc Hội Mỹ không chỉ gây chia rẽ xã hội nước này, mà còn diễn ra tại Việt Nam – nơi những người theo giá trị truyền thống đang bài bác hiện tượng cờ lục sắc trên facebook (thể hiện sự đồng tính với hôn nhân đồng tính) mà họ gọi là “trào lưu”, “phá hoại gia phong”…
Và dưới mệnh đề nào đi nữa, sự chia rẽ quanh lục sắc cũng cho thấy một điều, đó là: kỳ thị quan điểm bằng sự phỉ báng lẫn nhau.
Một lời kêu gọi trên fanpage Hội Thánh Hà Nội, nhưng nó cho thấy sự xấu xí trong văn hóa tranh luận của người Việt. Ảnh: cắt từ fanpage Hội thánh Hà Nội.
|
Khi fanpage Hội Thánh [Tin Lành] Hà Nội đăng một hình ảnh có ghi chú thích: “Cơ đốc nhân đừng vì chạy theo trào lưu hoặc vì sự thiếu hiểu biết mà phạm tội chống nghịch lại chúa trời”, tin đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, sau 5 ngày đã có gần 1.500 lượt share, 1.000 lượt phản hồi.
Nhiều bạn, trong đó không ít mang avatar cờ lục sắc đã phản đối dữ dội trước dòng tin này, có người lịch sự trao đổi lại bằng việc trích dẫn tuyên bố của giáo hoàng Francis rằng: “Nếu một người đồng tính tìm đến Chúa với tất cả lòng thành kính thì tôi là ai mà có thể phán xét?”, và rằng, “Người đứng đầu đã không có quyền phán xét thì sao bạn lại có quyền phán xét?” một bạn có tài khoản tên Dương Phúc Lộc cho biết.
Nhưng không có nhiều người từ tốn bình luận trên cơ sở tôn trọng nhau như vậy, nhiều phản hồi đi đến sự xúc phạm niềm tin tôn giáo, Hội thánh, và nhẹ nhất là đánh đồng những người không ủng hộ hôn nhân đồng giới và kêu gọi Cơ đốc nhân không ủng hộ hôn nhân đồng giới là “quỷ dữ mượn danh chúa”.
Ba phản hồi cho thấy 3 cách tranh luận khác nhau, trong đó có một tranh luận dựa trên sự áp đặt duy ý chí và phỉ báng đức tin. Ảnh: chụp từ fanpage Hội Thánh Hà Nội. |
Tất cả những sự xúc phạm đó khiến một bạn tín đồ có tên Sa Sa phải lên tiếng: “Các bạn đừng gây chiến nữa. Nếu các bạn ngoại đạo thì các bạn không tin thiên chúa, cũng đúng thôi. Nhưng nếu các bạn đã bước vào đây, page của Hội Thánh, thì xin các bạn hãy tôn trọng đức tin của chúng tôi. Và chúng tôi dùng đức tin của mình để tranh luận trong nhà chúng tôi, cũng đâu có gì sai? Bạn không tin? Xin tôn trọng chúng tôi và hãy bước ra khỏi page này.”
Đó là về phía phương diện tôn giáo, ở một khía cạnh khác, phong trào chống lại hôn nhân đồng giới đi lên từ những tập thể cực đoan thành một cộng đồng cực đoan vì cho rằng nó là “bước lùi của nhân loại” và ra sức xỉ vả, nhục mạ những người đồng tính, những tài khoản facebook lục sắc với những những hình ảnh thô lậu bằng việc chế từ avatar “tôi đồng ý” thành “tôi không đồng ý” với biểu tượng ngón tay thối, và ngôn từ xấu xí nhất.
Về mặt truyền thông, trên báo Thanh Niên đã cho đăng tải bài viết của một độc giả, trong đó tác giả thừa nhận, “tôi phát bệnh với trào lưu thay avatar cầu vồng trên Facebook ủng hộ việc Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng tính” vì tác giả cho đó là sự a dua, và bản thân tác giả cũng không chấp nhận hôn nhân đồng tính, do đó tác giả mong muốn, “Dừng lại đi, đừng coi nó là một trào lưu tốt đẹp, vì nó hoàn toàn không liên quan đến các bạn khi được hợp pháp hóa ở một đất nước bên kia quả địa cầu.”
Hôn nhân đồng giới dù được công nhận ở Mĩ nhưng đã gây ra sự chia rẽ ở cộng đồng Việt Nam. |
Thậm chí, hôn nhân đồng giới và quyết định cho phép hôn nhân đồng giới của Mỹ còn được cho là âm mưu chính trị khủng khiếp nhắm vào Nga (nước cấm loại hình hôn nhân kiểu này) theo quan điểm của một Đại tá tên là Lê Thế Mẫu khi trả lời phỏng vấn báo VTC.
“Đừng cao giọng, hãy cải thiện luận điểm”
Sự chia rẽ về quan điểm trong vấn đề hôn nhân đồng tính là điều tất yếu ở một xã hội có chiều dài về mặt nho giáo như Việt Nam, khi mà yếu tố “một nam, một nữ” trong gia đình vẫn còn là giá trị truyền thống cần được giữ gìn. Ở đây, không xét về mặt quan điểm thiểu số hay đa số, bởi vì mỗi quan điểm về hôn nhân đồng tính đều đáng được tôn trọng, nếu nó dựa trên ngôn ngữ của sự tôn trọng. Điều đó được hiểu như, mỗi người có quyền bảo vệ điều mình nghĩ, nhưng nó phải là quan điểm bày tỏ, không phải là quan điểm để dựa vào đấy nhục mạ, phán xét, áp đặt ý chí của mình lên người khác.
Những người bạn mang cờ lục sắc phỉ báng những bạn trong Hội thánh Hà Nội so với những bạn hằn học về lá cờ lục sắc – về bản chất là không khác gì nhau. Bởi cả hai dù ở vị trí khác nhau, nhưng đều không đặt vị trí của mình trong thế giới quan của người đối diện, nên thay vì đưa ra quan điểm, thì họ lại tìm cách nhục mạ như nhiều bạn trẻ trên fanpage Hội Thánh Hà Nội hay trấn áp quan điểm bằng việc phủ bỏ hoặc suy diễn quan điểm như cách mà “bạn đọc” báo Thanh Niên bày tỏ.
“Cầu vồng” có hiện diện ở Việt Nam như cách mà nó hiện diện ở Mỹ? Điều đó còn nằm ở tương lai nhưng thời điểm hiện tại, những người phản đối hoặc ủng hộ có thể bắt đầu bày tỏ với nhau bằng luận điểm thay vì cao giọng phán xét và nguyền rủa đức tin, niềm tin của một người đối diện.
Bởi văn hóa vốn là gốc rễ của mọi năng lực tư duy và năng lực hành động, ở một xứ đang phấn đấu để “dân chủ hơn, văn minh hơn” như Việt Nam thì việc loại bỏ văn hóa đánh đồng, văn hóa chửi bới, văn hóa phỉ báng trong tranh luận là điều cần thiết, nhất là ở những bạn trẻ.
Vì rõ ràng, avatar cờ lục sắc trên facebook không chỉ gây ra chia rẽ trong cộng đồng Việt Nam, mà nó còn cho thấy một khía cạnh xấu xí trong văn hóa tranh luận người Việt – đó là sự kỳ thị quan điểm của nhau.