Quốc hội ra Nghị quyết không phải để sửa Điều 60 mà là kéo dài thêm thời hạn hưởng bảo hiểm xã hội một lần thêm 5 năm nữa để đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của một bộ phận người lao động.
Chiều 15/6 chia sẻ bên hành lang Quốc hội về việc Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi ĐBQH có ý kiến về sửa Điều 60 Luật BHXH, đoàn thư ký kỳ họp đã phát phiếu lấy ý kiến ĐBQH về chủ trương Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp này. Theo tổng hợp ý kiến của các ĐBQH thì có tới 87,45% ĐBQH đồng ý.
Dự kiến chương trình thì chiều ngày 22/6 tới, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua tại nghị trường dự thảo Nghị quyết về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.
Ông Phúc tiết lộ, nội dung dự thảo Nghị quyết là đồng ý cho người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được hưởng BHXH một lần tới năm 2020. Nghĩa là sẽ kéo dài thực hiện quy định theo Điều 55, Luật BHXH 2006 tới năm 2020, và sau năm 2020 sẽ thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 60, Luật BHXH 2014.
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội ra Nghị quyết không phải là sửa Điều 60 mà là kéo dài thêm thời gian hưởng BHXH một lần thêm 5 năm nữa để đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của một bộ phận NLĐ.
“Nghị quyết của Quốc hội lần này là nhằm đáp ứng giải quyết nhu cầu trước mắt của một bộ phận người lao động còn về lâu dài vẫn hướng người lao động thực hiện theo Điều 60. Lần này chúng ta cũng không phải là sửa Điều 60, Luật BHXH 2014, vì đây là điều luật được đánh giá phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm quyền lợi lâu dài cho người lao động, mà chỉ là kéo dài thêm thời gian cho người lao động hưởng BHXH 1 lần”- Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin, theo dự kiến thì chiều ngày 22/6 tới Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Nghị quyết về hưởng BHXH một lần và Nghị quyết sẽ có hiệu lực ngay sau đó.
“Chúng ta cố gắng không để việc này trở thành tiền lệ cho những luật về sau, khi luật chưa có hiệu lực đã phải xem xét sửa hoặc kéo dài điều luật cũ” – ông Phúc chia sẻ và cho rằng, sau khi Quốc hội sẽ Nghị quyết, trách nhiệm của Chính phủ là phải tang cường tuyên truyền, giải thích để người dân và người lao động hiểu tác dụng, ý nghĩa và tính ưu việt của Điều 60. “Vừa rồi do điều luật này tới đầu năm 2016 mới có hiệu lực, trong khi luật ban hành mà chúng ta chưa có nghị định hướng dẫn thi hành nên người dân đã chưa hiểu đầy đủ về tính ưu việt của quy định luật. Đây là một điều đáng tiếc” – Chủ nhiệm VPQH chia sẻ.
Theo nội dung Điều 60 Luật BHXH 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật BHXH năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm. Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, hàng nghìn công nhân ở TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang … đã ngừng việc tập thể phản đối điều luật trên. Họ không muốn chờ đến tuổi nghỉ hưu mà muốn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau nghỉ nghỉ việc.
Tại phiên thảo luận ở tổ cũng như tại hội trường về Điều 60 Luật BHXH 2014 nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ, điều luật này không sai nhưng chưa đúng, trúng khi chưa chú ý tới một bộ phận đối tượng chịu tác động của luật là người lao động làm công ăn lương tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với mức lương “bèo” mỗi tháng. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), có gặp những người lao động này thấy họ xanh xao, mệt mỏi với đồng lương bèo nhận được mỗi tháng mới thấy xót xa và hiểu được vì sao họ lại đặt vấn đề muốn được hưởng BHXH một lần.
“Đối với người có tiền vài triệu đồng là ít, nhưng với người lao động thì vài triệu là cả tài sản mà họ phải làm việc cật lực mới có được. Vấn đề người lao động cần là Quốc hội cân nhắc thấu đáo, có tình, có lý, sát thực tiễn” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.
Theo Nguyễn Hoài (Infonet)