Victor Volsky
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Nhà độc tài Nga, Vladimir Putin, đang ngụp lặn trong ánh hào quang với sự ủng hộ cao chưa từng thấy – 86%. Nhưng sự ủng hộ lại không xuất phát từ sự hài lòng của dân chúng hay thắng lợi vĩ đại của nhà lãnh đạo của họ.
Đấy là do làn sóng của lòng hận thù điên rồ đối với Mỹ và Ukraine đang tràn qua nước Nga. Chủ nghĩa Sô Vanh do các đài truyền hình tung ra – sức mạnh đáng sợ của bộ máy tuyên truyền – đã làm cho người Nga mụ mị đi.
Nhà báo đối lập nổi tiếng, Vladimir Yakovlev, trong một bài vừa được công bố trên trang Mulbabar của ông, giải thích cơ chế của chiến dịch tuyên truyền hiện nay là nhằm làm cho người dân Nga chú mục vào kẻ thù bên ngoài và quên đi tình trạng khốn khó của đất nước mình.
Từ “cá thối”, “60/40” đến “nói dối trắng trợn”
Dưới thời Xô Viết, trường đại học nào của Nga cũng có khoa quân sự, tương tự như khoa huấn luyện sỹ quan dự bị của Mỹ, nhưng là môn học bắt buộc. Đó là nguồn động viên quan trọng đối với thanh niên Liên Xô, bởi vì đã học quân sự ở trường thì sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự nữa. Huấn luyện quân sự được tiến hành phù hợp với ngành nghề của từng trường. Ở trường Đại học Báo chí Moska, nơi Yakovlev theo học, sinh viên được đào tạo – trong bầu không khí bí mật tuyệt đối – nghệ thuật “tuyên truyền mang tính chiến đấu đặc biệt”, tức là huấn luyện những phương pháp gieo bất hòa vào hàng ngũ kẻ thù, bằng cách xuyên tạc thông tin và làm rối loạn tâm trí.
Tuyên truyền mang tính chiến đấu hay tuyên truyền “đen” là một vũ khí rất hiệu quả, nhằm xuyên tạc sự kiện thực tế, để đạt được mục tiêu của tuyên truyền. Dưới đây là một số phương pháp mà các nhà báo tương lai của Liên Xô được dạy và các tuyên truyền viên của Nga hiện nay sử dụng và đã đem lại cho họ thành công đáng kinh ngạc.
Kỹ thuật “cá thối” như sau. Bịa ra một lời kết án. Càng thô bỉ và càng tai tiếng thì càng tốt. Ví dụ như trộm cắp vặt, lạm dụng tình dục trẻ em hoặc giết người, tốt nhất là do lòng tham mà ra. Mục đích của “cá thối” không phải là chứng minh tội lỗi của nạn nhân, mà là gây ra những cuộc tranh luận công khai về nạn nhân. Tâm lý của con người là sau khi một lời buộc tội được tung ra thì bao giờ cũng có những người ủng hộ và những người phản đối, có các “chuyên gia” và những “người nắm được chuyện”, những người kịch liệt tố cáo và những người bảo vệ nhiệt thành cho bị cáo.
Nhưng dù thái độ và quan điểm của họ có như thế nào thì tất cả những người tham gia thảo luận cũng sẽ nhắc tên nạn nhân nhiều lần, cùng với những lời buộc tội thô bỉ và tai tiếng, do đó mà xát “cá thối” vào quần áo anh ta (hoặc cô ta) cho đến khi mùi hôi thối bám vào nạn nhân và sẽ theo nạn trên mọi nẻo đường. Và mỗi lần nhắc đến tên tuổi nạn nhân là người ta lại nghĩ ngay đến tội lỗi bịa đặt kia (ăn cắp, giết người, lạm dụng tình dục trẻ con).
Joseph Goebbels (1942)
Một phương pháp khác, gọi là “40/60”, do Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền khét tiếng của Đức Quốc xã, nghĩ ra. Theo kỹ thuật này, cần thiết lập một kênh truyền thông, ban đầu cần phổ biến 60% thông tin nói tốt về kẻ thù. Sau khi đã được đối phương tin tưởng thì 40% còn lại được sử dụng nhằm truyền bá thông tin xuyên tạc, phương pháp này cực kỳ hiệu quả vì được nhiều người tín nhiệm. Trong Thế chiến II, có một đài phát thanh được lực lượng chống phát xít rất tín nhệm. Người ta tin rằng đó là đài phát thanh của Anh và tin tất cả những thứ nó nói. Nhưng phải sau chiến tranh người ta mới biết rằng đấy là đài của Đức Quốc xã, hoạt động theo nguyên tắc “40/60” của tiến sĩ Goebbels.
Một kỹ thuật tuyên truyền hiệu quả cao khác, gọi là phương pháp “nói dối trắng trợn” (Big Lie), cũng được Đức quốc xã thường xuyên sử dụng. Hơi giống với “cá thối”, nhưng cơ chế có khác. Bản chất của Nói Dối Trắng Trợn là tung ra, với thái độ cực kỳ tự tin, một lời nói dối trắng trợn và khủng khiếp đến mức dân chúng không thể tin là một người nào đó có thể nói dối một cách trơ trẽn đến như vậy.
Chìa khóa dẫn đến thành công của phương pháp này là lời Nói Dối Trắng Trợn được thiết kế và xây dựng khéo léo sẽ gây ra cho người nghe hoặc người xem tổn thương tinh thần to lớn, tổn thương này sẽ định hình nhận thức của người đó trong một thời gian dài, bất chấp sự kiện là điều dối trá này trái ngược với logic và lí lẽ. Lới Nói Dối Trắng Trợn mang lại hiệu quả cao nhất là kể lại cảnh hành hạ dã man trẻ em hay phụ nữ. Trường hợp điển hình là vụ dối trá trên truyền hình Nga với loạt “phóng sự” nói rằng người Ukraine đã đưa một đứa trẻ ba tuổi lên thập tự giá ở ngay trước cửa ngôi nhà của nó. Vết thương lòng sâu sắc do thông điệp đó tạo ra làm cho người nghe, người xem không còn khả năng tiếp thu những bằng chứng chứng minh ngược lại, dù đấy có là những bằng chứng hợp lý tới đâu.
Còn một kỹ thuật khác nữa, gọi là “hiển nhiên một trăm phần trăm”, chậm nhưng chắc. Theo phương pháp này, thay vì cố gắng chứng minh điều bạn muốn, bạn đưa ra cái gì đó hoàn toàn rõ ràng, hiển nhiên và do đó được đại đa số người tin tưởng tuyệt đối. Mặc dù có vẻ đơn giản, nhưng phương pháp này – tương tự như “hiệu ứng bầy đàn” – cực kỳ hiệu quả bởi vì nó có nguồn gốc từ tâm lý con người là tự động ngả theo ý kiến của đa số, tìm cách a dua với đa số. Quan trọng là đa số phải áp đảo và thái độ ủng hộ cho câu chuyện vừa được tung ra phải là tuyệt đối và vô điều kiện – nếu không thì ước muốn a dua sẽ không xuất hiện.
Nhưng nếu những điều kiện này được đáp ứng thì số người ủng hộ “quan điểm của đa số” sẽ bắt đầu gia tăng, không gì ngăn cản được, ban đầu chậm, nhưng sẽ nhanh dần cho đến khi dòng suối nhỏ biến thành thác lũ – chủ yếu là do sự ủng hộ của các giai cấp hạ lưu, những người nhạy cảm với “ước muốn a dua”. Một trong những ví dụ điển hình của kỹ thuật “hiển nhiên một trăm phần trăm” là công bố kết quả các cuộc thăm dò ý kiến thể hiện sự nhất trí gần như hoàn toàn của công chúng đối với một vấn đề nào đó. Không cần phải nói rằng, những cuộc thăm dò dư luận như vậy chẳng có liên quan gì với thực tế.
Còn rất nhiều kỹ thuật khác, nhưng đặc điểm chung của tuyên truyền “đen” là gây ảnh hưởng đến tầng sâu tâm lý của khán, thính giả đến mức sau này không thể nào xóa được bỏ bằng những lập luận logic thông thường. Nói Dối Trắng Trợn đạt được hiệu quả vì tạo ra chấn thương về mặt tình cảm. Kỹ thuật “hiển nhiên một trăm phần trăm” thì thông qua hiệu ứng bầy đàn. Còn “cá thối” thì đưa vào tâm trí của khán, thính giả một liên tưởng trực tiếp nạn nhân với những lời buộc tội thô bỉ, đầy tai tiếng.
Tóm lại, “tuyên truyền mang tính chiến đấu đặc biệt” biến người ta thành những zombie, tức là những người không chỉ tích cực ủng hộ những quan điểm đã được cấy vào đầu óc của mình, mà còn hung hăng chống lại những người có những quan điểm khác hoặc những người dùng lý lẽ để chỉ cho nạn nhân của bộ máy tuyên truyền sai lầm mà họ mắc phải. Không thể khác được, vì tất cả các kỹ thuật của “tuyên truyền mang tính chiến đấu” đều có một mục tiêu chung: làm suy yếu tinh thần của kẻ thù bằng cách gieo rắc bất hòa, làm cho họ không còn tin nhau và kích động lòng hận thù trong hàng ngũ đối phương.
Nhưng hiện nay, Vladimir Yakovlev viết, đối tượng của cuộc chiến tranh tâm lý mà chế độ của Putin đang tiến hành lại là nhân dân Nga và kết quả đúng như mong đợi. Chỉ có điều lòng thù hận và bất hòa không xuất hiện trong hàng ngũ kẻ thù mà lại xuất hiện ngay trong gia đình của chúng ta. Kết quả rất rõ ràng, mọi người đều thấy. Trong ba năm qua, đất nước đã thay đổi đến mức không còn nhận ra được nữa. Rõ ràng, “tuyên truyền mang tính chiến đấu đặc biệt” nhằm chống lại người dân nước mình thậm chí còn hiệu quả hơn là chống lại quân thù. Có thể như thế, bởi vì lính địch có thể tự bảo vệ, trong khi người dân bình thường, yêu chuộng hòa bình của nước Nga lại hoàn toàn không có khả năng tự vệ.