Việt Nam Thời Báo

Chính trị Trung Quốc qua vụ Chu Vĩnh Khang

Carrie GracieChủ biên trang Trung Quốc, BBC
Chỉ còn là chiếc bóng tóc trắng khác hẳn ngày xưa, cựu trùm an ninh quyền lực Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, sau gần ba năm, đã lần đầu xuất hiện tại tòa án hình sự.
“Tôi chấp nhận bản án. Tôi sẽ không kháng cáo. Tôi nhận ra tội lỗi của mình và những gì gây ra cho đảng,” ông nói.
Ông bị buộc tội nhận hối lộ 130 triệu nhân dân tệ (21.3 triệu đôla), lạm dụng quyền lực và để lộ bí mật nhà nước.
Tường thuật chính thức về phiên xử kín nói Chu Vĩnh Khang xác nhận tiến trình tòa án công bằng và hợp lẽ.
Có cả lời khai bằng video của vợ và con trai ông.
Mặc dù cáo trạng chủ yếu liên quan tham nhũng, phiên tòa này liên quan chính trị hơn là tiền bạc.
Ông Chu ra tòa vì một vở kịch chính trị không diễn ra như kịch bản.
Năm 2015, chính trị Trung Quốc vẫn đang chứng kiến dư âm cuộc chiến kế vị mà đã đưa Tập Cận Bình và một nhóm mới lên nắm quyền. Đó là trận chiến mà một vụ giết người đã giúp cho phe chiến thắng.
Phiên xử Chu Vĩnh Khang sẽ không xét lại vụ đầu độc một doanh nhân Anh ở khách sạn tại Trùng Khánh.
Một năm mở đầu bằng vụ giết người hôm 14/11/2011 và kết thúc với sự đăng quang của Tập Cận Bình đúng 12 tháng sau sẽ là chất liệu dồi dào cho sử gia và người viết kịch bản phim.
Chu Vĩnh Khang là một trong những nhân vật chính của vở kịch, và các sai lầm khi đó giúp người ta hiểu sự sa cơ của ông ta.
Tội chính của ông ta liên quan chính trị, và những tội trạng khiến ông ta nay bị kết án tù chung thân chỉ là cung cấp vũ khí để trả thù và chấm dứt sự nghiệp của ông.
Điều gì đã khiến Chu Vĩnh Khang ra tòa?
Câu trả lời ngắn gọn là ông ta kém may mắn. Ông chọn nhầm Bạc Hy Lai làm đồng minh.
Ông Bạc nay cũng đang thụ án tù chung thân. Nhưng trước khi vợ ông ta giết doanh nhân người Anh và ông ta mâu thuẫn với giám đốc cảnh sát của mình vì vụ che giấu, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đang nhắm vào ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị.
Cần nhớ cuộc chiến chính trị trước thềm Đại hội Đảng 18 tháng 12 năm 2012 chủ yếu xoay quanh câu hỏi ai sẽ ngồi chung bàn với Tập Cận Bình.
Chu Vĩnh Khang, theo quy định, phải nghỉ hưu và có vẻ đáng tin rằng ông ta chọn Bạc Hy Lai là người thay thế.
Không thể xác nhận tin đồn hai người này định hạ bệ ông Tập. Nhưng Bắc Kinh rất nhạy cảm trước nguy cơ rạn nứt từ trên.
Chu Vĩnh Khang hay bất kỳ ai không thể đoán rằng vào tháng 11 năm 2011, vợ Bạc Hy Lai lại giết một doanh nhân người Anh, Neil Heywood vì tranh chấp làm ăn.
Cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân giúp vợ ông Bạc, Cốc Khai Lai, có được thuốc độc và ông Vương tổ chức vụ che giấu.
Bạc Hy Lai thất thế, khiến Chu Vĩnh Khang vạ lây
Nhưng sự việc bắt đầu loạn lên khi những nhân vật tham gia mâu thuẫn.
Họ Vương muốn dùng vụ giết người để làm giá, ông Bạc đuổi ông ta và Vương Lập Quân gây chấn động khi chạy vào lãnh sự Mỹ ở Thành Đô xin tỵ nạn.
Bỗng dưng chuyện này không còn chỉ là vụ giết người trong chính trị Trung Quốc mà trở thành sự kiện quốc tế, trong lúc Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Mỹ.
Tháng Ba 2012, khi đa số trong Thường vụ Bộ Chính trị đoàn kết chống lại Bạc Hy Lai, ông Chu đã bảo vệ họ Bạc.
Lần cuối Chu Vĩnh Khang xuất hiện là ngày 1/10/2013, một tuần sau khi đồ đệ của ông bị kết án chung thân.
Xong vụ họ Bạc, Cơ quan Kiểm tra Kỷ luật Trung ương quay sang họ Chu.
Ba năm trước, ông Chu ca ngợi các viên chức tòa án trong vụ xử Cốc Khai Lai.
Ngày nay, ông được tha mạng nhưng gia đình còn trong tay kẻ thù, cựu trùm của hệ thống tòa án cũng lại kết luận tích cực về phiên tòa của chính ông.
BBC

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.