Trần Thành
(VNTB) – Một khi Đảng và Nhà nước tiếp tục không công khai, minh bạch về chủ quyền, sẽ dẫn đến người dân hoài nghi Đảng và Nhà nước đã đi đêm với Trung Quốc.
Nếu phải lựa chọn giữa một quốc hội im lặng, luôn đồng lòng với tất cả các vấn đề, và một nghị viện biết tranh cãi, biết đấu tranh để bảo vệ những luồng quan điểm, có lẽ nhiều người sẽ chọn lựa chọn thứ hai.
Khi nghị trường tắt đèn
Việc nghị trường tắt đèn nghỉ sớm hôm 9-6 khá bất ngờ, nhưng cũng khó trách khi các đại biểu chọn “quyền im lặng” làm “tiếng nói” nghị trường. Bởi sáng hôm 8-6, đại biểu Nguyễn Thái Học đã vỗ mặt ngay tại nghị trường với tuyên bố: “Quốc hội thảo luận rất hay, rất đúng, rất trúng, nhưng làm lại không trúng. Tôi đề nghị nghị quyết phải nói đi đôi với làm và Chính phủ làm phải như nói”.
Cũng hôm 8-6, tại hội trường và bên lề Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, nhiều đại biểu lên án mạnh mẽ các bước leo thang của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, đề nghị phải có tiếng nói mạnh mẽ từ Quốc hội. Các đại biểu đã nói thẳng rằng tuy Chính phủ có nói về biển Đông nhưng rất chung chung, chỉ nói “tình hình biển Đông rất phức tạp”. Các đại biểu giờ đây không chấp nhận kiểu trả lời quen thuộc là đã có Đảng và Nhà nước lo. Các đại biểu yêu cầu chủ trương Đảng, Nhà nước thế nào phải nói rõ. Chủ tịch Quốc hội chọn họp kín để báo cáo về tình hình Biển Đông. Đó là chuyện của ông chủ tịch. Còn câu chuyện chủ quyền là chuyện của cả 90 triệu trái tim Việt Nam.
Việc các ông nghị hè nhau tắt đèn nghỉ sớm cũng chính là một kiểu phản ứng cho chuyện Đảng và Nhà nước đã nín thinh chứng kiến Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, bất chấp sự phẫn nộ của đại biểu quốc hội và người dân.
Khi phát ngôn chưa được coi là thước đo dân chủ
Cơ chế dân chủ là cơ chế cho phép mỗi người được phát ngôn và bày tỏ quan điểm, cũng như tham gia bỏ phiếu tự do quyết định một vấn đề nào đó. Bởi lẽ kết quả của cuộc bỏ phiếu dân chủ sẽ là thước đo sự chấp thuận của xã hội đối với quan điểm của anh ra sao. Tranh luận để đồng thuận thể hiện qua cơ chế như thế.
Và như vậy chúng ta dễ nhận thấy rằng phiên họp quốc hội đang diễn ra vẫn chưa có được sự dân chủ đầy đủ, khi gần như tất cả các đoàn đại biểu quốc hội từ mọi miền đất nước đều yêu cầu chính phủ phải minh bạch thông tin về Biển Đông, trong đó có cả yêu cầu minh bạch cả những nội dung văn bản liên quan đến Biển Đông mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký với tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên cả hai người đứng đầu này đều im lặng. Một im lặng khiến người dân ngờ vực sau hậu trường chính trị dường như có những quân cờ sắp đặt, khi vào lúc 5 giờ sáng ngày 6-6, tàu Tân Hải 517 tức Bin Hai 517 của Trung Quốc đã ngang nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hoà khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc, song báo chí lại chỉ được phép đăng khi được sự cho phép của Bộ thông tin và truyền thông.
Một khi Đảng và Nhà nước tiếp tục không công khai, minh bạch về chủ quyền, sẽ dẫn đến người dân hoài nghi Đảng và Nhà nước đã đi đêm với Trung Quốc.