Các quan chức quốc phòng cấp cao của 26 nước hôm nay tụ tập ở Singapore trong lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Cuộc họp an ninh hàng năm có tên Đối thoại Shangri-La diễn ra vài ngày sau khi bạch thư quốc phòng có tính chất hung hãn của Trung Quốc được công bố và gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ người đứng đầu Ngũ giác đài.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, thứ hai từ phải sang, được Đại sứ Mỹ tại Singapore Kirk Wagar tiếp đón khi ông đặt chân tới căn cứ quân sự Paya Lebar ở Singapore.
|
Hội nghị an ninh thường niên ở Singapore khai mạc ngày hôm nay và kéo dài cho tới ngày chủ nhật.
Cuộc họp thường được gọi là Đối thoại Shangri-La được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có bản doanh ở London. Ông Tim Huxley, một nhà nghiên cứu của IISS, nói với đài VOA rằng hội nghị này cho phép các nước thảo luận về vấn đề “làm thế nào để những mối căng thẳng ở Biển Đông có thể được xử lý một cách tốt hơn và làm thế nào để ngăn không cho căng thẳng leo thang.”
Cuộc họp diễn ra trong lúc các nhà phân tích cho biết bạch thư quốc phòng mà Trung Quốc công bố hôm thứ ba vừa qua là một sự cảnh báo mạnh mẽ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Á châu và Hoa Kỳ về việc quân đội Mỹ “không ngừng ra sức quấy rối” ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các cơ sở quân sự qui mô lớn tại những bãi cạn mà họ chiếm đóng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
Trong bài diễn văn đọc tại Trân Châu Cảng ở Hawaii một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hô hào cho “một sự chấm dứt ngay tức khắc và kéo dài” của những hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp và nói rằng quân đội Mỹ “sẽ thỏa mãn” những yêu cầu mỗi lúc một tăng đòi Washington tích cực hoạt động tại khu vực Á châu Thái Bình Dương vì những hành động trên biển của Trung Quốc.
Quyền lợi quốc gia
Trong lúc đáp máy bay tới Singapore, Bộ trưởng Carter cho báo chí biết rằng tuy Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền trong khu vực, “Hoa Kỳ và tất cả các nước khác trong vùng có quyền lợi và quan tâm đối với vấn đề này vì nó liên hệ tới quyền tự do hàng hải, các quyền tự do ở biển cả, quyền không bị cưỡng ép, tuân theo những tiến trình hoà bình và hợp pháp.”
Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, mô tả yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “vô lý” khi ông phát biểu tại buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy ở Hawaii hôm thứ tư. Vị đô đốc này tuyên bố các lực lượng của Mỹ, nếu được lệnh, sẽ sẵn sàng để “chiến đấu ngay tối hôm nay để bảo vệ các quyền lợi của Mỹ trong vùng Á châu Ấn Độ dương Thái Bình Dương rộng lớn.”
Theo dự liệu, Bộ trưởng Carter và Đô đốc Harris sẽ trình bày chi tiết hơn về các lập trường này khi họ phát biểu tại hội nghị ở Singapore.
Người cầm đầu phái đoàn 18 người của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La là Thượng tướng Hải quân Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội. Theo lịch trình, vị tướng 4 sao này sẽ phát biểu tại hội nghị vào ngày chủ nhật và nhiều người dự kiến ông sẽ khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự là có tính chất hoà bình, phù hợp với những điều mà Bắc Kinh đã nói trong những năm trước tại hội nghị thường niên này.
Trong khi đó, những người khác ở Trung Quốc đưa ra những phát biểu có tính chất hung hăng hơn.
Hôm thứ hai, một bài bình luận của tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói rằng “Nếu chủ trương của Mỹ là Trung Quốc phải ngưng những hoạt động xây dựng này, thì một cuộc chiến tranh Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi” ở vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Hải.
Hôm nay, một bài tường thuật của tờ Wall Street Journal cho biết Hoa Kỳ phát giác các loại vũ khí của Trung Quốc trên một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở quần đảo Trường Sa. Bài báo nói rằng tuy không tạo ra một mối đe dọa cho tàu thuyền và máy bay của Mỹ trong khu vực, những khẩu đại pháo đó có thể bắn tới một hòn đảo của Việt Nam. Các giới chức Mỹ cho biết Hà Nội đã bố trí các loại vũ khí trên hòn đảo đó.
Theo Steve Herman (VOA)