Minh Trí – Ngọc Thịnh
(VNTB) –Việt Nam sợ cái gì? Sợ thua? Sợ mích lòng với “anh hàng xóm”? Sợ không được Trung Quốc ủng hộ, “ghế” khó giữ?
Trung Quốc (tiếng Trung: 中国), cũng được gọi là Trung Hoa Đại lục (phân biệt với Đài Loan, Ma Cao, Hồng Kông), và Hoa Lục, với tên chính thức là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Diện tích lãnh thổ của Trung Quốc khá lớn, khoảng 9,6 triệu km².
Việt Nam, tên chính thức: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thuộc khu vực Đông Nam Á, là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, diện tích: 331.212 km².
Mặc dù Trung Quốc có diện tích lớn thuộc hàng “top ten” trên thế giới nhưng “anh bạn hàng xóm “16 vàng – 4 tốt” này có vẻ như chưa bao giờ từ bỏ “giấc mộng bá quyền”. Lịch sử Việt Nam trải dài từ thời nhà nước Văn Lang, Âu Lạc cho đến những năm 1974, 1988… đã chứng minh cho điều này.
Việt Nam đã làm gì?
Mặc dù liên tiếp đón nhận những thất bại từ một tiểu quốc (các trận đánh Ung Châu- Khâm Châu, trên sông Bạch Đằng, sông Như Nguyệt, hải chiến Hoàng Sa…), nhưng hình như “anh hàng xóm” vẫn quyết tâm, kiên trì dòm ngó lãnh thổ Việt Nam cho đến tận hôm nay (thế kỷ 21).
Thời điểm gần đây Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, hăm he chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa cũng như “mưu đồ” làm chủ biển Đông. Nhưng hành động của Việt Nam để bảo vệ lãnh hải là gì?
Đó là những cái bắt tay hoà bình hữu nghị, đó là những chữ ký đầy bí ẩn trong các văn bản thoả thuận, hoặc là thái độ dửng dưng, không quan tâm đến tính mạng của đồng bào như lệnh không được nổ súng ở Gạc Ma… Thoang thoảng đâu đây có hành động đó đã đi ngược lại với tinh thần, tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nỗi sợ quỳ mọp
Có một ý kiến cho rằng: “Trung Quốc là nước lớn, mình là nước nhỏ, lấy gì đánh lại?”. Nếu đúng như thế, phải chăng câu nói đó đang phủ nhận tất cả những gì ông cha ta đã làm được trong lịch sử Việt Nam? Thôi thì thời xưa khác, thời nay khác, người ta tiến xa, còn mình thì tiến chậm hoặc đang “giậm chân tại chỗ”. Thế nhưng, không phải cứ dùng tên súng đạn mới có thể lấy lại chủ quyền.
Tại sao Việt Nam không thưa Trung Quốc ra toà quốc tế?
Việt Nam sợ điều gì? Sợ thua? Người chiến thắng luôn được chân lý, lẽ phải ủng hộ. Sợ mích lòng với “anh hàng xóm”? Với một người hung hãn, luôn sẵn sàng lăm le chiếm đất của người khác thì liệu có nên quá thân tình hay không? Sợ không được Trung Quốc ủng hộ, “ghế” khó giữ? Trung Quốc dù sao đi nữa cũng là người nước ngoài, liệu họ có ảnh hưởng bằng chính người dân trong nước hay không?
Cũng xảy ra một trường hợp đáng buồn, không ít bạn trẻ và một số người Việt Nam vẫn dửng dưng và thậm chí còn ngăn cản những người yêu nước thể hiện tấm lòng. Thôi thì tạm cho hành động đó là đúng, ông bà có câu gieo gì gặt nấy. Có những lúc “thu hoạch” được liền nhưng cũng có lúc đợi khoảng thời gian khá lâu mới có thể “thu hoạch”. Với những “hành động đúng đắn” đó, chắc chắn họ sẽ gặt được “nhiều điều thú vị”. Người thu hoạch đó, có khi chính là con cháu của những người đang “hí hửng cho là mình đúng” hôm nay.
Có những sự kiện, im lặng được. Có những sự kiện dùng những cái khác nóng hơn, tức thời hơn, khoả lấp để im lặng. Thế nhưng, vấn đề lãnh thổ là hoàn toàn không thể im lặng. Đất đai, lãnh thổ, lãnh hải mình đang quản lý, tại sao lại cam tâm nhường cho kẻ khác? Dù có lợi đi chăng nữa thì cũng chỉ là nhất thời. Tại sao lại cam tâm nhận cái nhất thời trong khi vĩnh cửu lại từ bỏ?