Việt Nam Thời Báo

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách: Chuyện bồi thường thì chỉ nói cho vui

Xung quanh câu chuyện thu phí oan, sai và đặt trạm thu phí quá dày đặc, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng chuyện thu phí oan, thu sai thì phải điều chỉnh ngay. Nó xảy ra rất nhiều và nhà nước phải điều chỉnh ngay lập tức.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển

“Còn chuyện thu oan nhiều năm, giờ nói đến chuyện trả lại thì đó là chuyện không tưởng, biết làm sao mà trả lại. Rất khó “hồi tố” chuyện đó. Giờ chỉ lo chấm dứt ngay việc thu phí oan đó. Còn chuyện bồi thường thì chỉ nói cho vui”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói.

Ông Hiển thừa nhận các dự án BOT đã giải quyết được rất nhiều khó khăn khi thiếu vốn mà nhu cầu vận tải ngày một tăng lên. Tuy nhiên nhiều cử tri cũng băn khoăn là quy định cứ 70 km mới có một trạm thu phí nhưng hiện nay nhiều nơi không tuân thủ khoảng cách này.

“Đúng là tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Bình Dương thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc. Nhưng cái này cũng có nguyên nhân là các trạm này đã xây dựng từ rất lâu rồi, trước khi có quy định trạm thu phí phải cách nhau 70 km. Vậy thì thực tiễn như vậy, quy định luật như thế kia. Theo tôi phải quy hoạch lại”, ông Hiển phân tích.

Theo ông Hiển, nếu như các trạm thu phí đó được xây trước khi có quy định thì nhà nước phải tính toán xử lý bằng cách mua lại các trạm thu phí bằng nguồn lực của ngân sách để đảm bảo được khoảng cách 70 km theo đúng quy định của pháp luật.

“Đây phải xem là một nguyên tắc, bởi bản thân các trạm thu phí xây theo quy định cũ là không sai, sau đó nhà nước đưa ra quy định khác thì phải chấp nhận điều tiết, quy hoạch lại thì mới giải tỏa được. Còn nếu cứ để thế dân thì kêu mà pháp trị thì không nghiêm được”, ông Hiển bình luận.

Tuy nhiên, việc quy hoạch lại các trạm thu phí này thì phải có nguồn lực tài chính. “Việc quy hoạch lại sẽ làm cho người dân cảm thấy thỏa mãn. Còn nguồn lực ở đâu thì chúng ta phải tính toán mà không chỉ tính toán ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương mà phải tính toán trên cả nước. Không ai khác nhà nước phải là trọng tài đứng ra làm việc này”, ông Hiển nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Hồng Thoại, Phó trưởng đoàn tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng cần nhanh chóng kiểm soát tình trạng này để tránh gánh nặng đổ dồn lên đầu dân.

Theo bà Thoại, thời gian qua có quá nhiều thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, nhất là trên các tuyến đường bộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

“Có đoạn đường chỉ 500km mà có đến 10 trạm thu, có địa phương chỉ với 150 km đường mà có tới 3 trạm thu phí, như thế là hơi nhiều. Qua tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng nhận thấy vấn đề phí BOT tham gia giao thông hiện là một gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải cũng như người dân, nhiều cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội có ý kiến trước Quốc hội về vấn đề này”, bà Thoại cho biết.

Theo bà Thoại, việc thu từ dự án BOT do nhà đầu tư thực hiện, hiệu quả phải đảm bảo quyền lợi của người ta.

Do thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông nên không tránh khỏi tình trạng nhà đầu tư căn cứ vào khả năng, nguồn lực của họ, xin đầu tư trong một đoạn nhất định nào đó. Đơn vị chấp thuận cho họ đầu tư đương nhiên cũng phải tạo điều kiện cho họ thu hồi được vốn điều ra.

Như vậy, việc mức phí cao hay thấp, trạm thu phí dày hay thưa phải trông đợi khá nhiều vào ý thức của nhà đầu tư, trách nhiệm của cơ quan chấp thuận đầu tư, cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, tránh việc phải trả phí oan, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, cơ quan cấp phép đầu tư các tuyến đường giao thông BOT phải cân nhắc tính toán làm sao để dự án thực hiện đầu tư sát với chi phí, suất đầu tư, tránh lạm dụng, nâng suất đầu tư cao rồi từ đó nâng mức phí quá sức chịu đựng với tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi phí này.

“Cơ quan có thẩm quyền ngay từ khi kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc phải có điều khoản yêu cầu họ tuân thủ quy định này, phải tính toán hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người thụ hưởng. Cự ly để đặt trạm thu phí cũng phải được giám sát thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông”, bà Thoại đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Thoại cũng đánh giá cao giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra đó là áp dụng kỹ thuật trạm thu phí không dừng, nhờ đó đã giảm được bức xúc của người tham gia giao thông về thời gian song về chi phí thì vẫn không giảm.

“Vấn đề này cần phải được cân nhắc một cách thấu đáo để đảm bảo việc thu phí phải phù hợp được với sức chịu đựng của người dân, tránh để người dân phải chịu quá nhiều gánh nặng với quá nhiều loại phí khác nhau”, bà Thoại nhấn mạnh.

Theo Minh Huệ (Bizlive)

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông Trần Đình Bá không phải Tiến sĩ, chuyên gia ngành hàng không?

Phan Thanh Hung

Giá xăng giảm, doanh nghiệp vận tải bình chân như vại: Chờ gì mà chưa “trảm” *

Phan Thanh Hung

VNTB – “Bộ Giao thông Vận tải phá hoại ngành Hàng không Việt Nam!”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo